"VinaGame không công nhận tài sản ảo trong game!"

Tài sản ảo trong Game Online có phải “ảo” hay không? Nếu công nhận nó, thì nhà nước, hay các nhà cung cấp dịch vụ Game Online chịu trách nhiệm quản lý sẽ tốt hơn? Kinh nghiệm của các nước khác ra sao?...

Mời bạn đọc cùng theo dõi trao đổi của VietNamNet với ông Lê Hồng Minh, Giám đốc Công ty VinaGame về vấn đề này.

- Quan điểm của Vinagame về vấn đề bảo hộ quyền sở hữu tài sản ảo là như thế nào?

- Theo chúng tôi, đã là tài sản thì không thể “ảo” được. Chỉ có khái niệm tài sản hữu hình và tài sản vô hình mà thôi (bản quyền là một hình thức tài sản vô hình). Với tài sản vô hình thì đã có những luật lệ rõ ràng bảo hộ (ví dụ như Luật Sở hữu trí tuệ - sẽ có hiệu lực từ 1/7/2006).

“Tài sản ảo” theo ý kiến của nhiều người là những “vật phẩm” chỉ tồn tại trong thế giới game online (ví dụ như quần áo, vũ khí, ngân lượng…), và xin nói rõ khái niệm này hoàn toàn khác với “tài sản vô hình”. Một cách cơ bản thì “tài sản ảo” này là những đoạn mã lập trình thể hiện hình ảnh và công dụng của một vật phẩm trong trò chơi game online.

Vấn đề tranh luận đặt ra ở đây là “Vậy thì những vật phẩm trong trò chơi (hay được gọi chung là “tài sản”) có được xem là tài sản của người chơi hay không? Và nên được bảo vệ theo những chuẩn mực luật pháp nào”.

Theo quan điểm của VinaGame, những vật phẩm trong trò chơi, một lần nữa xin nhắc lại là những đoạn mã thể hiện “hình ảnh” và “công dụng” của vật phẩm – là sở hữu của đơn vị phát triển phần mềm trò chơi (trong trường hợp Võ lâm truyền kỳ là KingSoft). Người chơi khi tham gia VLTK chỉ có quyền sử dụng phần mềm trò chơi (với mục đích giải trí), vậy người chơi có quyền “sở hữu” một đoạn mã của phần mềm đó hay không?

Thông lệ của việc sử dụng các sản phẩm phần mềm thì người dùng cuối được phép sử dụng và phải chấp nhận những qui định của nhà cung cấp khi sử dụng (ví dụ không được sao chép, không được kinh doanh lại vv…) và chắc chắn không có chuyện người dùng cuối có quyền sở hữu các đoạn mã - phần mềm được.

Ông Lê Hồng Minh: "không có bất kỳ công ty phát triển phần mềm nào trên thế giới cho phép người dùng cuối được sở hữu tài sản cả. Trong GameOnline cũng vậy".

- Vậy theo ông, nếu như có thể bảo hộ được thì cần bảo hộ như thế nào?, bảo hộ chỉ riêng trong từng game đối với từng công ty riêng biệt hay được bảo hộ chung rộng rãi?

- Nếu một công ty phát hành trò chơi công nhận “quyền sở hữu tài sản ảo” với từng người chơi, theo suy nghĩ của VinaGame công ty đó có thể đã vi phạm hợp đồng mua bản quyền phát hành trò chơi. Vì cho đến nay, VinaGame chưa biết có bất kỳ công ty phát triển phần mềm nào trên thế giới cho phép người dùng cuối được sở hữu sản phẩm phần mềm của họ như một tài sản riêng có thể nhượng, bán lại cả.

Vấn đề cần thảo luận ở đây là việc công ty phát hành trò chơi có công nhận quyền được chuyển nhượng vật phẩm trong trò chơi bằng tiền thật giữa các người chơi với nhau hay không. Đây là một vấn đề có nhiều hệ lụy pháp lý khá phức tạp và hiện tại vẫn còn là một vấn đề chưa được giải quyết dứt điểm tại rất nhiều nước.

- Nếu như Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu tài sản ảo thì theo ông có khả thi không?

- Nếu là bảo hộ bản quyền thì hoàn toàn khả thi vì đã có Luật Sở hữu trí tuệ và Việt Nam cũng đã tham gia những công ước quốc tế về bảo hộ bản quyền.

Bảo hộ tài sản của công dân là một chức năng của Nhà nước. Và Nhà nước sẽ giải quyết mọi phát sinh nếu có tranh chấp bằng hệ thống pháp lý. Chỉ có Nhà nước thông qua Ngân hàng Trung ương mới có thể điều tiết, điều phối và định giá sản phẩm.

Thực chất thì tiền trong bất kì trò chơi trực tuyến nào đều đóng vai trò điều phối nền kinh tế trong trò chơi đó, và người chơi thực sự không tạo ra “tiền” trong trò chơi (tạm gọi là tiền ảo). “Tiền ảo” được nhà phát hành trò chơi điều phối thông qua các tính năng của trò chơi (chẳng hạn, người chơi phải làm một hành động qui định để nhận được số tiền qui định). Xét về khía cạnh này, bất kì nhà phát hành trò chơi nào đều đóng vai trò “Ngân hàng Trung ương” điều phối lượng tiền trong trò chơi.

Vậy nên nếu công nhận tài sản ảo, tiền vật trong game thì các nhà cung cấp game online cũng sẽ trở thành người điều tiết giống như một ngân hàng Trung ương. Như thế có khác gì “vừa đá bóng vừa thổi còi”? Quyền lợi của người chơi game không được đảm bảo! (Vì về nguyên tắc nhà cung cấp có quyền tác động và thay đổi các giá trị đồ vật và tiền tệ trong game, có quyền điều tiết giống như Ngân hàng TW nhà nước).

Hơn nữa nếu có tranh chấp phát sinh, Nhà nước sẽ định giá tài sản ảo trong game bằng cách nào? Hoặc nếu như một doanh nghiệp kết thúc kinh doanh game nào đó thậm chí phải đóng cửa, hay đơn giản hơn, khi Webzen, Kingsoft kết thúc hợp đồng với FPT và VinaGame, Nhà Nước sẽ giải quyết tranh chấp như thế nào? Quyền lợi của người chơi được đối xử ra sao? Các doanh nghiệp giải quyết như thế nào?

Đó là những câu hỏi lớn mà các nhà chức trách phải lường đến trong khi ra quyết định!

Chìa khóa của vấn đề là: Liệu có nên coi các Items trong game là tài sản hay không? Và quan điểm của tôi đã thể hiện trong câu trả lời thứ nhất!

- Ở một số nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ..., vấn đề mua bán và chuyển nhượng tài sản ảo trong game như một món hàng có giá trị là hoàn toàn bình thường?

- Theo tôi được biết, Trung Quốc và Hàn Quốc cấm việc chuyển nhượng vật phẩm trong trò chơi bằng tiền thật giữa các người chơi. Tại Mỹ thì có một số công ty kinh doanh trò chơi trực tuyến cho phép người chơi thực hiện vấn đề này (như EverQuest của Sony Entertainment). Thậm chí có một số mô hình kinh doanh trò chơi trực tuyến tại Mỹ và châu Âu sử dụng việc người chơi chuyển nhượng những giá trị kinh tế trong trò chơi với nhau như là một điểm thu hút chính (ví dụ như Simple Life hay Project Entropia). Tuy nhiên, để làm được điều này thì trò chơi phải được thiết kế sao cho việc chuyển nhượng vật phẩm ảo bằng tiền thật phải được tiến hành dễ dàng và giảm thiểu tranh chấp (chẳng hạn Sony Entertainment tạo hẳn một "sàn giao dịch" vật phẩm ảo bằng tiền thật cho người chơi của mình).

- Xin cảm ơn ông!

  • Thế Phong (thực hiện)
Thứ Sáu, 10/03/2006 08:10
31 👨 679
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp