Tương lai nào cho Microsoft?

Oracle và SAP AG có thể vẫn là ông lớn trong lĩnh vực ứng dụng doanh nghiệp và cơ sở dữ liệu. IBM và HP vẫn là đại gia IT giàu có. Còn Microsoft, vốn là ông vua của ngành công nghiệp IT, giờ đang đứng trước ngã ba đường.

Vào thứ ba tới đây (30/6), Chủ tịch kiêm sáng lập Microsoft, Bill Gates sẽ rời bỏ công việc hàng ngày tại trụ sở Redmond của hãng. Mặc dù gắn liền với Microsoft từ bao năm nay nhưng Gates cũng đã chuyển dần công việc quản lý cho những người dưới quyền. Chẳng hạn như chuyển chức CEO cho Steve Ballmer từ 1/2000, và kế hoạch nghỉ hưu đã được thông báo cách đây 2 năm. Tuy vậy, sự ra di của Gates vẫn làm dấy lên những câu hỏi về số phận của Microsoft trong thời gian tới đây.

Viết trên blog cá nhân của mình, CEO Forrester Research, George Colony nói rằng "chế độ độc tài nhưng mang tính xây dựng" của Gates đã tạo ra vô số những chuẩn IT không chính thức, mang lại lợi ích cho người dùng cũng như Microsoft.

Colony cho rằng Gates không phải là nhà cải tiến công nghệ nhưng ông lại tạo ra động lực cạnh tranh để đưa những công nghệ mang tính độc quyền của mình vào thị trường. Động lực đó, theo Colony, đã dần rơi rụng theo thời gian bởi Gates đã không còn quá chú tâm vào công ty, mà dành nhiều thời gian hơn cho hoạt động từ thiện của riêng ông. Đó cũng là cơ hội vàng để các đối thủ Google, Apple vươn lên.

Sức ép lớn

Vị trí không thể đánh bại trong suốt 33 năm qua của Microsoft đang dần chịu nhiều sức ép. Các chuẩn IT do Microsoft kiểm soát đang bị lung lay trước những chuẩn mở, phần mềm nguồn mở, công nghệ Web 2.0 và phần mềm hướng dịch vụ (SaaS). Tất cả những điều này đã tác động rất lớn tới 2 "con gà đẻ trứng vàng" của Microsoft là Windows và Office.

Tuy nhiên, đe dọa lớn nhất chính là Google. "Khi nhìn vào Google, Microsoft thấy một phiên bản của chính mình nhưng trẻ hơn, nhiệt huyết hơn và chai lì hơn", Rob Horwitz, CEO của công ty tư vấn Directions, nhận xét.

Google Docs, đối thủ trực tuyến của Office, đang đe dọa tới miếng cơm manh áo của Microsoft. Và quan trọng hơn, hàng loạt các công nghệ của Google đã được thiết kế để thay thế cho những ứng dụng desktop của Microsoft.

Không giống Microsoft, Google không phải đối mặt với những vấn đề pháp lý. Đó chính là lý do mà họ có nhiều thời gian để chú tâm cho sự phát triển.

Nhờ nguồn doanh thu quảng cáo Web khổng lồ mà Google dám chơi ngông hơn. Hầu hết những ứng dụng sát thủ Microsoft của Google đều trong giai đoạn beta và đều miễn phí cho người dùng. Trong khi đó, cũng những ứng dụng tương tự của Microsoft, người dùng sẽ phải trả một đống tiền.

"Google đang cố kìm hãm Microsoft bằng cách buộc các doanh nghiệp ngừng ký thỏa thuận với hãng này", nhà phân tích Rob Enderle của Enderle Group cho biết. "Nếu Google không làm ra tiền thì Microsoft cũng chẳng thể kiếm được đồng nào".

Hiện tại, Microsoft có vẻ nhưng vẫn rất ổn. Lợi nhuận dự kiến của hãng trong năm ngân sách 2008 (kết thúc 30/6) là 16,4 tỉ USD, còn doanh thu là 58 tỉ USD, tăng trưởng 2 con số so với năm ngân sách 2007.

Ngoài ra, thị phần hai sản phẩm chủ lực Windows và Office vẫn chiếm tới 90%, và ngành kinh doanh các công cụ quản lý trị giá 10 tỉ USD như Windows Server, SQL Server, Visual Studio và System Center vẫn tiếp tục tăng trưởng do Google chưa có ứng dụng cạnh tranh nào.

Thử thách phía trước

Tuy nhiên, theo Enderle, tiếp tục tăng trưởng mạnh đôi khi lại sinh ra những ảo tưởng. Microsoft đang quá tập trung vào doanh thu mà lơi là khách hàng. Điều này có thể tốt trong thời gian ngắn nhưng lại phá hỏng cả tương lai sau này.

Trong gần một thập kỷ qua, Microsoft không có một sản phẩm đỉnh cao nào mặc dù mỗi năm vẫn phải chi ra gần 7 tỉ USD cho R&D (nghiên cứu và phát triển). Công nghệ tìm kiếm của hãng vẫn chỉ là tạm bợ và không thể cạnh tranh với đối thủ Microsoft.

Ngoài ra, những nỗ lực cạnh tranh với Google, Salesforce.com và những đối thủ cung cấp ứng dụng trực tuyến khác đang bị chính thành công của Windows và Office kìm hãm. Thay vì tiếp cận SaaS một cách đơn thuần, Microsoft lại đưa ra một chiến lược mà hãng này gọi với cái tên "Phần mềm + Dịch vụ", được thiết kế để tích hợp và bảo vệ những sản phẩm hiện có của hãng.

Tương lai nào cho Microsoft?

Horwitz dự đoán rằng trong vòng 5 tới 10 năm nữa, Microsoft sẽ buộc phải thay đổi Windows và Office. Rất có thể chúng sẽ được tích hợp cơ chế cho phép người dùng có thể chạy những ứng dụng của đối thủ.

Ngoài ra, Microsoft cũng đang phải đối mặt với những vấn đề nội bộ như sự quan liêu và tính tự mãn. Enderle, cựu nhân viên của IBM so sánh cho rằng những vấn đề hiện tại của Microsoft đã từng giống như IBM hồi đầu thập kỷ 90. Tuy nhiên, nội lực của Microsoft có thể mạnh hơn IBM, bằng chứng là hãng đã qua mặt được các tên tuổi như WordPerfect, Lotus, IBM, Novell, Netscape, và thậm chí là cả Bộ Tư pháp Mỹ.

"Tôi không cho là Microsoft sẽ đi xuống vào năm 2015", Enderle nói. Ngay cả khi Windows Vista chưa được chấp nhận rộng rãi thì nó vẫn có một tương lai sáng lạn. "Microsoft có một đội ngũ phát triển luôn hướng về phía trước. Họ có động lực để làm một cái gì đó tốt hơn".

Cũng giống như các hãng khác như HP, IBM, NCR và Xeror, Microsoft sẽ phải thực hiện nhiều thay đổi về nội bộ nếu muốn tiếp tục phát triển trong thời gian tới.

Trong khi đó, sự lo lắng cho Google cũng không phải là ít. "Tôi thích Google nhưng lại không cho rằng các ứng dụng của hãng này có thể cạnh tranh với Microsoft", Jim Prevo, CIO của Green Mountain Coffee Roasters, nhận xét.

Thêm vào đó, Horwitz còn cho biết bản thân Google từng đã đối mặt với những lo ngại độc quyền và tính tự kỷ như Microsoft.

Thứ Ba, 24/06/2008 11:52
31 👨 59
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp