Sản lượng phần mềm Việt Nam - doanh số lạc quan…

Lời tòa soạn: Trong bài "Bàn về chỉ tiêu sản lượng phần mềm Việt Nam" trên TGVT-PCW sê-ri B tháng 11/2005, tác giả Nguyễn Ái Việt đã đưa ra một phương thức tiếp cận để tính doanh số ngành phần mềm Việt Nam và đưa ra con số 315 triệu USD, đồng thời bày tỏ băn khoăn rằng con số 175 triệu USD nêu ra trong báo cáo Toàn Cảnh CNTT Việt Nam của Hội Tin Học TP HCM (HCA) là quá thấp... Để rộng đường dư luận, tòa soạn đăng ý kiến phản hồi của ông Lê Trường Tùng, chủ tịch Hội Tin Học TP. HCM.

Số liệu về doanh số ngành công nghiệp phần mềm (PM) Việt Nam của HCA đưa ra trong báo cáo Toàn Cảnh CNTT hàng năm dựa trên số liệu từ các doanh nghiệp (DN) và các cơ quan quản lý nhà nước mà HCA có được - chắc chắn là không đầy đủ - cùng với việc tham khảo ý kiến của các công ty lớn, các tổ chức tư vấn quốc tế và các chuyên gia, có đối chiếu trong mối quan hệ hài hoà với các số liệu về nhân lực, về tỷ lệ đầu tư giữa phần cứng/phần mềm, về số các DNPM lớn, về năng suất hợp lý... Đây là số liệu đưa ra vào dịp tháng 7 hàng năm trong suốt 5 năm qua để cộng đồng tham khảo - trong bối cảnh chưa có số liệu công bố chính thức từ các cơ quan quản lý nhà nước. Bản thân HCA cũng không nghĩ rằng đây là con số hoàn toàn chính xác, mà chỉ là con số được HCA tạm xem là hợp lý.

Chúng ta chỉ có thể có doanh số chính xác của ngành công nghiệp PM (CNpPM) khi làm thật tốt công tác thống kê hàng năm. Theo số liệu mới nhất của Cục Thống Kê TP HCM (tháng 7/2005) được tính trên số liệu báo cáo thuế chi tiết của 306 công ty PM tại TP HCM, doanh số năm 2004 của các đơn vị này là 599,6 tỷ đồng. Cứ xem như doanh số các công ty không khai báo bằng 50% con số thống kê nêu trên thì doanh số PM của TP HCM sẽ vào khoảng 900 tỷ đồng - tức khoảng 57 triệu USD. Nếu xem đây là 30% - 35% doanh số PM cả nước thì doanh số CNpPM Việt Nam chỉ khoảng 160 - 180 triệu USD, tương đối phù hợp với con số 175 triệu USD do HCA đưa ra trong báo cáo Toàn Cảnh CNTT 2005 trước khi có số liệu của cơ quan thống kê. Nếu sản lượng PM cả nước là trên 300 triệu USD như trong bài "Bàn về chỉ tiêu sản lượng phần mềm Việt Nam" thì TP HCM chỉ chiếm chưa tới 20% - điều này có gì đó không hợp lý cho lắm.

Cũng theo số liệu của Cục Thống Kê TP HCM, hiện nay tại TP HCM có 5 DNPM trên 200 nhân viên và 6 DNPM có từ 100 đến 200 nhân viên. Số liệu trong cả nước cuối năm 2004 chắc cũng chỉ có thể gấp đôi con số này chứ không thể lên đến con số 21 công ty phần mềm trên 200 nhân viên cùng với 23 công ty phần mềm từ 100 đến 200 nhân viên như trong bài "Bàn về chỉ tiêu sản lượng phần mềm Việt Nam" ước tính, vì trong điều tra mẫu 100 DNPM của báo cáo này thì dường như không phải lựa chọn ngẫu nhiên và các DN lớn đã được liệt kê hết cả rồi. Mặt khác, theo ý kiến của nhiều DNPM, doanh thu PM bình quân đầu người hiện nay chưa thể đạt đến con số gần 12 nghìn USD/người – năng suất này chỉ đạt được ở một số rất ít công ty mà thôi. Chỉ cần điều chỉnh lại các con số về số lượng DNPM lớn, về năng suất PM bình quân trong báo cáo nêu trên thì doanh số ngành PM Việt Nam chưa đến 200 triệu USD – cũng tương đối phù hợp với con số của HCA đưa ra.

Là người trong cuộc và dựa trên các số liệu có được, thực sự chúng tôi không dám tin rằng tổng doanh số của các công ty PM Việt Nam năm 2004 đã vượt ngưỡng 300 triệu USD. Tuy nhiên nội dung bài viết "Bàn về chỉ tiêu sản lượng PM Việt Nam" và con số 315 triệu USD rất đáng để tham khảo, như một cách tiếp cận khác để tính sản lượng ngành CNpPM dựa trên số liệu mẫu và các phương pháp suy luận toán học chặt chẽ. Theo phương pháp tiếp cận này, chỉ cần điều chỉnh lại vài con số cho hợp lý hơn là có kết quả khá trùng hợp với con số mà HCA đưa ra.

Nghiên cứu về phương pháp tính sản lượng PM Việt Nam là một công trình nghiên cứu công phu, nhiều tâm huyết do một nhóm chuyên gia của Bộ Bưu Chính Viễn Thông tiến hành. Cũng có thể xem 315 triệu USD là con số lạc quan, khi đó với tốc độ tăng trưởng 35%/năm như hiện nay, doanh số lạc quan của ngành CNpPM Việt Nam sẽ đạt con số trên 400 triệu USD trong năm 2005 và gần 600 triệu USD vào năm 2006, và như vậy kế hoạch phát triển PM Việt Nam giai đoạn 2001 – 2005 với mục tiêu 500 triệu USD xem như là thành công rực rỡ!

Thứ Sáu, 02/12/2005 13:32
31 👨 108
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp