Công ty truyền thông khổng lồ Nikkei bị lừa đảo mất 29 triệu USD

Tập đoàn truyền thông khổng lồ Nikkei đã phải chịu khoản thất thoát lên tới 29 triệu đô la sau khi một nhân viên của công ty con Nikkei America bị những kẻ giấu mặt lừa chuyển tiền vào các tài khoản ngân hàng do chúng kiểm soát.

Nikkei là một trong những tập đoàn truyền thông lớn nhất thế giới với khoảng 4 triệu thuê bao hoạt động tích cực, đồng thời là công ty mẹ của hơn 40 doanh nghiệp liên kết khác đang hoạt động liên quan đến các lĩnh vực như xuất bản, phát sóng, sự kiện, dịch vụ cơ sở dữ liệu và tư vấn kinh doanh. Tập đoàn truyền thông này chính là chủ sở hữu của tờ báo nổi tiếng Financial Times - hiện có 37 phòng biên tập nước ngoài và khoảng 1.500 nhà báo đang hoạt động trên toàn thế giới.

Trở lại với vụ lừa đảo “trị giá” 29 triệu USD. Theo báo cáo, đây chính là một vụ lừa đảo BEC (business email compromise) vốn là nỗi ác mộng với bất cứ doanh nghiệp nào bất kể lớn nhỏ. Lừa đảo email doanh nghiệp trực tuyến (BEC), đôi khi còn được biết đến với tên gọi lừa đảo chiếm đoạt tài khoản email (Email Account Compromise - EAC), là các hoạt động lừa đảo được thực hiện bởi tội phạm mạng, những kẻ cố gắng đánh lừa một hoặc nhiều nhân viên của tổ chức, doanh nghiệp với mục tiêu cuối cùng là khiến những nhân viên này chuyển tiền của doanh nghiệp vào tài khoản ngân hàng do chúng đứng tên.

Lừa đảo BEC

Trong trường hợp của Nikkei America, những kẻ lừa đảo đã hợp thức hóa yêu cầu chuyển khoản bằng việc sử dụng thông tin gian lận và đóng giả làm một trong số các giám đốc điều hành của công ty mẹ Nikkei.

Quá trình điều tra và thu hồi số tiền thất thoát đang được tiến hành. Phía Nikkei từ chối công bố thông tin chi tiết về vụ việc cho tới khi cơ quan an ninh đưa ra kết luận. Trước đó vào tháng 9, một tập đoàn lớn khác của Nhật Bản - Toyota cũng đã trở thành nạn nhân của một chiến dịch tấn công lừa đảo email trực tuyến tương tự, với số tiền thất thoát thậm chí còn lên tới 37 triệu USD.

Theo thống kê của FBI, BEC đã tiêu tốn của các doanh nghiệp toàn cầu 1.2 tỷ đô la trong năm ngoái, với mức tăng trung bình 110 triệu đô la hàng tháng trong năm 2016 lên tới hơn 301 triệu đô la mỗi tháng trong năm 2018.

Kiểu lừa đảo này đã xuất hiện từ rất lâu, gần như song hành với sự phát triển và phổ biến của thư điện tử, tuy nhiên nó chưa bao giờ hết “hot” bởi tỉ lệ thành công luôn ở mức cao. Điều này bắt nguồn từ việc kẻ gian luôn biết cách đặt vấn đề và nhắm mục tiêu tới những vị trí trọng yếu của doanh nghiệp.

Thứ Tư, 13/11/2019 23:44
53 👨 247
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tấn công mạng