Microsoft sẽ đi theo "vết xe đổ" của General Motors?

Ngày 1/6, Tập sản xuất ô tô lớn nhất nước Mỹ - General Motors, đồng thời cũng được coi là biểu tượng lâu đời của ngành công nghiệp nước này đã chính thức nộp đơn xin phá sản. Sự sụp đổ của GM là hệ quả của những “cơn đau” âm ỉ và lâu dài của nền kinh tế Mỹ, nhưng liệu nó có lan sang ngành phần mềm, vốn cũng là ngành mũi nhọn của nước này? Và liệu Microsoft, hãng phần mềm lớn nhất nước Mỹ, đồng thời cũng lớn nhất thế giới có đi theo vết xe đổ của GM hay không?

Cho đến lúc này, người ta vẫn ngạc nhiên với bất cứ sự sụp đổ mang tính hệ thống nào, nhất là đối với các tập đoàn có tên tuổi và có lịch sử hoạt động lâu đời. Chính ông Obama đã ra tuyên bố về vụ phá sản của GM, và nói rằng chính phủ sẽ sở hữu 60% cổ phần trong GM, và cấp thêm 30 tỉ USD để hãng này thoát khỏi cuộc khủng hoảng. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới sự phá sản của GM, nhưng chung quy lại chỉ có 3 nguyên nhân chính. Thứ nhất, GM đã quá tập trung vào các thị trường cao cấp mà bỏ qua các thị trường thứ cấp (sản phẩm Hummer là một ví dụ). Thứ hai, GM phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của các đối thủ Toyota và Ford (cả hai hãng này có khả năng chống đỡ tốt hơn với khủng hoảng kinh tế). Và cuối cùng, khủng hoảng kinh tế đã khiến cho GM phải phá sản.

“Con bệnh” Microsoft

Vậy dựa vào những mấu chốt nào để so sánh Microsoft với GM? Một số chuyên gia nhận định rằng Microsoft đã phải đối mặt với rất nhiều các cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trong một thập kỷ qua nhưng hãng này vẫn đứng vững. Quay trở lại với thời kỳ Windows Me (từng được cho là một trong những hệ điều hành Windows tồi tệ nhất trong lịch sử Microsoft), Microsoft vẫn đứng vững và “gượng dậy” với sản phẩm Windows XP sau đó. Thế nhưng, “sự cố” Windows Vista năm 2006 thì đúng là nghiêm trọng hơn rất nhiều. Bỏ qua nhưng giải thích mang tính kỹ thuật, chỉ cần nhìn vào hiệu quả sử dụng hệ điều hành này đã đủ thấy nó hoàn toàn thất bại. Ra liền một lúc 6 phiên bản với mức giá cao chót vót đến mức khó hiểu đã biến Vista thành trò cười trong cuộc chạy đua và khẳng định tên tuổi của Microsoft.

Tuy đánh giá được mức độ nghiêm trọng của sự việc, và liền sau đó là tung ra phiên bản Windows 7 để bù đắp, nhưng rõ ràng chiến lược phát triển sản phẩm của Microsoft đã có vấn đề. Dưới góc độ kinh tế, Vista là một sản phẩm tốn kém và hoàn toàn thất bại về doanh thu. Microsoft đã mất trên 6 tỉ USD để nghiên cứu và phát triển hệ điều hành này, nhưng rốt cuộc rất ít người dùng và doanh nghiệp sử dụng Vista, thay vào đó họ chờ cho tới khi hãng này ra mắt Windows 7 (dự kiến vào cuối năm nay).

Sự thất bại trong chiến lược của Microsoft còn biểu hiện dưới góc độ hãng này đã quá “lan man” trong việc phát triển sản phẩm. Ngoài con át chủ bài là Windows và gói phần mềm Office, Microsoft còn phát triển cả những hệ thống phần cứng như máy nghe nhạc Zune, hệ thống chơi game Xbox và vô số những sản phẩm khác. Với chiến lược phát triển tản mạn, Microsoft đang đi theo nhiều hướng thay vì tập trung nâng cấp các sản phẩm chủ đạo và giảm giá thành cho người tiêu dùng.

Thoái trào

Microsoft

- Thành lập: 1975
- Người sáng lập: Bill Gates, Paul Allen
- Trụ sở chính: Redmond, Washington, Mỹ
- Các nhân vật chủ chốt: Bill Gates (Chủ tịch); Steve Ballmer (Giám đốc điều hành); Ray Ozzie (Kiến trúc sư trưởng phần mềm); Craig Mundie (Giám đốc nghiên cứ & chiến lược).
- Các sản phẩm chủ chốt: Microsoft Windows; Microsoft Office; Microsoft Servers; Windows Developer Tools; Microsoft Expression; Phần mềm kinh doanh; Games & Xbox 360; Windows Live; Windows Mobile; Zune.
- Doanh thu: 60,4 tỉ USD (năm 2008)
- Tổng giá trị tài sản: 72 tỉ USD (2008
- Nhân viên: 89.800 tại 105 quốc gia (2008)
Nhiều người vẫn cho rằng Microsoft sẽ chả hề hấn gì vì hãng này có đến hàng núi tiền. Tuy nhiên, tiền bạc không phải lúc nào cũng quyết số phận của một tập đoàn công nghiệp. Cũng như nhiều hãng công nghệ khác, Microsoft đang bước vào giai đoạn thoái trào. Tháng giêng vừa rồi, hãng này đã phải tuyên bố cắt giảm tới 5.000 vị trí làm việc trong vòng 18 tháng tới, và bắt đầu với việc sa thải 1.400 nhân viên đầu tiên. Giới phân tích dự đoán rằng con số sẽ không dừng lại ở đó khi Microsoft yếu đi, buộc hãng phải thực thi các biện pháp cải tổ và cơ cấu lại công ty.

Còn về sức ép cạnh tranh thì sao? Chưa nói gì tới các đối thủ bên ngoài, Microsoft đã tự cạnh tranh với mình rồi. Cho tới nay Windows XP vẫn là hệ điều hành được nhiều người ưu thích nhất, và những người này dứt khoát không chịu chuyển lên Vista, chủ yếu là họ nghe thấy những phàn nàn về sự không tốt của hệ điều hành này. Nguyên nhân cũng là do Microsoft đã không làm tốt với Vista khiến người ta hoài nghi về mức độ hiệu quả và cần thiết của hệ điều hành này. Số người nâng cấp lên Vista và Office 2007 không nhiều như Microsoft mong đợi. Trong khi đó, Windows 7 ra mắt đúng vào thời điểm thế giới đang trải qua thời kỳ suy thoái, và nhiều công ty không còn tiền để nâng cấp dây chuyển sản xuất.

Xét về mặt này, có vẻ như chiến lược của Apple lại tốt hơn Microsoft. Ít người kêu ca về sản phẩm của Apple, hãng này cứ thế mà phát triển trong khi tự hoàn thiện và làm mới mình. Tuy dòng máy Mac có một vị trí nhất định trong lòng người dùng nhưng nó không phải là sự đe dọa, nhất là đối với Windows. Trong khi đó, cộng đồng Linux vẫn chưa đủ mạnh để chống lại sự “bá quyền” của Micrsosoft. Ít nhất thì Microsoft cũng có một lợi thế hơn hẳn GM, đó là hãng không phải chịu sức ép cạnh tranh đến nỗi phải phá sản.

Giải pháp nào?

Không ai có thể chắc chắn rằng những biểu tượng lâu đời của ngành công nghiệp vẫn có thể đứng vững trong cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay. Như một hiệu ứng dây chuyền, sự sụp đổ hàng loạt dẫn tới những vụ phá sản “đau lòng”, hay những vụ sáp nhập đánh mất tên tuổi hàng trăm năm luôn làm người ta phải trăn trở. Tuy Microsoft có thể đang đứng trên bờ vực của nguy cơ nhưng trên thực tế có những công ty còn lớn hơn Microsoft đã phải ra đi, khiến cho nhiều người ngờ vực vào sự vững bền của “gã khổng lồ” này.

Tất nhiên, hơn ai hết Microsoft biết mình sẽ phải làm gì để trụ vững. Theo giới phân tích, Microsoft sẽ chẳng hề hấn gì nếu thực hiện tốt 3 giải pháp sau. Thứ nhất, hãng cần phải đổi mới chiến lược tiếp thị sản phẩm. Thứ hai, cần tạo điều kiện cho các nhà phát triển sáng tạo và hoàn thiện một cách tốt nhất các giải pháp trụ cột như Windows, Office và Windows Server. Cuối cùng, Micrsoft cần phải xem lại giá bản sản phẩm, làm sao để người dùng có thể tiếp cận dễ dàng hơn, và có lẽ hãng nên bắt đầu điều đó với Windows 7.

Thứ Sáu, 05/06/2009 08:18
21 👨 516
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp