Google - Kỳ 3: Chinh phục thị trường

Có những thời điểm tưởng chừng Google không thể theo kịp với nhu cầu, đó là khi Sergey Brin và Larry Page đã tiêu hết khoản tiền 1 triệu USD đầu tư ban đầu. Chỉ sau năm tháng, gara ôtô đã không đủ chỗ cho máy móc của Brin và Page. Do đó, đầu năm 1999, họ dời văn phòng của mình tới University Avenue ở Palo Alto, chỉ cách Trường Stanford khoảng một dặm.

Kỳ 1: Quan tâm tới điều không thể
Kỳ 2: Công ty Google

Chiếc áo đã quá chật

Ngay sau khi chuyển tới văn phòng mới tại Palo Alto, Google đã có tám nhân viên luôn vất vả để theo kịp sự gia tăng yêu cầu tìm kiếm mỗi ngày. Năm tháng trôi qua, số lượng tìm kiếm mỗi ngày lên tới hơn 500.000 lượt, được tạp chí PC Magazine xếp hạng top 100 trang web và công cụ tìm kiếm hàng đầu trong năm 1998. Chiếc áo đã quá chật, rõ ràng là Brin và Page cần có thêm tiền mua máy tính thêm vào hệ thống, song cả hai anh chàng này đều không muốn mất quyền kiểm soát công ty của mình.

Trong môi trường phát triển mạnh mẽ của thung lũng Silicon đầu năm 1999, thu hút vốn thông qua việc niêm yết giá trên thị trường chứng khoán là một cách dễ dàng đối với Google mặc dù công ty này không tạo ra lợi nhuận. Song nếu niêm yết trên thị trường, Brin và Page không muốn tiết lộ những bí mật kinh doanh và phương pháp riêng của mình, thu hút thêm những nhà đầu tư hảo tâm thì không còn khả thi nữa bởi số tiền họ cần bây giờ rất lớn. Họ bắt đầu cấp phép cho các công ty muốn sử dụng công nghệ tìm kiếm vào mạng lưới nội bộ hay ngoại mạng của họ. Họ cảm thấy khó khăn khi thuyết phục mọi người trả tiền cho dịch vụ tìm kiếm khi mọi người đều cho rằng việc tìm kiếm đó không quan trọng. Cái họ cần là nguồn tiền từ bên ngoài. “Bất cứ tình huống nào cũng có giải pháp” - họ nói.

Page và Brin phải học hỏi tìm cách giải quyết bài toán tài chính. Họ quyết định thu hút tiền đầu tư thông qua một công ty tài chính mà không làm mất quyền kiểm soát công ty. Nhờ có những lời khuyên của nhà đầu tư ban đầu am hiểu về công nghệ như Jeff Bezos, giám đốc Amazon.com, Brin và Page đã quyết định hợp tác với hai trong số những công ty đầu tư tài chính tên tuổi và uy tín bậc nhất tại thung lũng Silicon: Kleiner Perkins và Sequoia Capital.

Trong kỷ nguyên các công ty trên mạng bùng nổ, cả John Doerr - giám đốc Kleiner Perkins và Michael Moritz - giám đốc Sequoia Capital đều mệt mỏi mỗi lần ngồi nghe các bài thuyết trình dài dòng bằng PowerPoint về những ý tưởng kinh doanh mới. Đối với hai công ty đầu tư khổng lồ trong lĩnh vực tài chính ở thung lũng Silicon này, Brin và Page như một luồng không khí mới. Moritz và Công ty tài chính Sequoia Capital của ông đã đầu tư vào Yahoo 2 triệu USD và gặt lại 32 triệu USD từ việc tung ra IPO của Yahoo năm 1996.

Năm 1999, Google bắt đầu thiếu tiền đầu tư, một trong số các nhà đầu tư tốt bụng, một giám đốc tài chính tại thung lũng Silicon tên là Ron Conway đã liên hệ với Moritz và nhờ ông này sắp xếp cuộc hẹn gặp với Brin và Page. Moritz nói: “Ron Conway nhắc lại tôi mới nhớ ra họ. Tôi cũng từng biết tới họ qua những người ở Yahoo. Hồi đó là mùa xuân năm 1999, do đó mọi thứ được chuẩn bị rất nhanh chóng. Vào thời điểm đó, mọi thứ thật gấp gáp”.

Không thể bị “ăn tươi nuốt sống”

Sergey Brin và Larry Page: “Bất cứ tình huống nào cũng có giải pháp” - Ảnh tư liệu

Ngày tháng trôi qua, hai chàng trai này nhận ra tại sao các nhà đầu tư mạo hiểm được đặt biệt danh các nhà đầu tư “ăn tươi nuốt sống”, và họ cho rằng tốt hơn cả là không dính líu gì tới cả hai nhà đầu tư này. Brin và Page hỏi Conway liệu có thể sắp xếp một nhóm các nhà đầu tư hảo tâm thay thế hai nhà đầu tư này. Thu hút được một nhóm các nhà đầu tư thụ động đồng nghĩa với Brin và Page sẽ vẫn nắm được quyền kiểm soát công ty. Họ kể cho Conway biết đó là kế hoạch họ định làm, thêm vào đó thời gian cũng là một nhân tố quan trọng bởi họ đang dần hết tiền đầu tư.

Tuy nhiên, thay vì liên hệ với các nhà đầu tư hảo tâm, Conway quyết định nói với Moritz và Doerr rằng nếu họ không tìm ra cách nào để bắt tay hợp tác, các chàng trai Google sẽ tự làm lấy và họ rất nghiêm túc trong việc này.

Mặc dù tại thời điểm đó, cả hai công ty Kleiner Perkins và Sequoia đều dừng đầu tư ở một loạt doanh nghiệp để đầu tư vào các công ty hoạt động trên mạng mới thành lập, hồi chuông vang lên trong đầu họ: có cái gì đó cực kỳ tiềm năng ẩn ở bộ đôi này. Chỉ vài ngày, Conway và Shriram đã thuyết phục được họ. Kleiner Perkins và Sequoia Capital, mỗi bên sẽ đầu tư 12,5 triệu USD vào Google, tổng cộng số tiền đầu tư là 25 triệu và mỗi bên góp một nửa, và đều tán thành với yêu cầu của Brin và Page rằng họ vẫn được quyền kiểm soát chính. Tuy nhiên, bởi họ đầu tư một khoản rất lớn vào Google như vậy, Doerr và Moritz đã thêm một điều kiện để được sử dụng số tiền đầu tư đó: họ phải cam kết sẽ thuê một nhà quản lý có kinh nghiệm để giúp họ biến công cụ tìm kiếm này thành một bộ máy kiếm tiền thực thụ.

Đây là một đòi hỏi rất hợp lý bởi thực tế Công ty Google lúc đó chưa có một kế hoạch kinh doanh gì cụ thể. Do đó, Brin và Page sẵn lòng đồng ý, với điều kiện họ có được số tiền 25 triệu USD để đầu tư và có quyền kiểm soát công ty, họ sẽ nhất trí và tạo điều kiện để thuê một ai đó làm giám đốc điều hành để công việc kinh doanh trôi chảy. Nhưng có điều là: họ không có ý định thuê ai đó để rồi họ lại phải báo cáo công việc với người đó.

Ngày 7-6-1999, chưa đầy một năm sau khi họ rời khỏi Stanford, Brin và Page đưa ra thông cáo báo chí, thông báo hai công ty tài chính Kleiner Perkins và Sequoia Capital đã đồng ý đầu tư 25 triệu USD vào Google, Doerr và Moritz cùng tham gia hội đồng quản trị của Google. Hai chàng trai này, những người luôn tự tin hơn những sinh viên cùng lớp, đã có được một số tiền khổng lồ mà dường như không mất gì đổi lại. Điều đó chứng tỏ hai chàng trai Google đã có một vụ làm ăn lý tưởng: họ có được tiền để xây dựng công cụ tìm kiếm họ đam mê, vừa giữ được quyền kiểm soát công ty.

Mùa thu năm 1999, Google bắt đầu sắm sửa thêm thiết bị, Google đã mở rộng từ 300 chiếc máy tính lên thành 2.000 chiếc chỉ sau một tháng, và vào mùa hè năm sau con số đó đã tăng lên gấp đôi. Google có hai trung tâm dữ liệu ở phía bắc California và một trung tâm thứ ba ở khu Washington DC, sau đó mở thêm rất nhiều trung tâm nữa trên toàn nước Mỹ và ra cả thế giới.

Những nhà sáng lập Google rất quan tâm với việc tạo bầu không khí vui vẻ ở công ty. Họ rất thích ăn uống, cải tiến sản phẩm, thể thao và tiệc tùng - Ảnh tư liệu
Năm 2000, Google đã chuyển trụ sở chính đến Mountain View. Bên trong Google, không khí làm việc đối lập hẳn với cái không khí hỗn độn ở bên ngoài. Nó thật đặc biệt, đúng theo những gì phòng cấp chứng chỉ công nghệ Trường đại học Stanford, nơi đã cấp giấy phép tìm kiếm cho Google, đã miêu tả: đó là cảm hứng làm việc say mê của các lập trình viên.

85 nhân công đang làm việc cho giám đốc điều hành Larry Page và chủ tịch hội đồng quản trị Sergey Brin của Google thường làm việc hơn 8 giờ/ngày, họ đối xử như những người trong một gia đình.

Các nhân viên Google có thể được làm một số việc khác thuận tiện ngay tại công ty như giặt đồ, cắt tóc, chăm sóc sức khỏe và nha khoa, sau nữa là các hoạt động chăm sóc hằng ngày như thể dục thể hình với huấn luyện viên riêng, đội ngũ mátxa chuyên nghiệp - những dịch vụ dường như không thể tưởng tượng lại có ở văn phòng làm việc...

Tất cả những thứ đó thúc đẩy sự sáng tạo trong công việc, tạo nên một môi trường làm việc thoải mái và vui vẻ cho nhân viên Google, dù họ làm việc với thời lượng rất cao.

DAVID VISEMARK MALSEED (KHÁNH CHI dịch)

Tháng 6-2000, Google thực hiện một bước tiến to lớn hướng tới việc được công nhận trên toàn cầu bằng việc ký kết thỏa thuận với Yahoo, sau đó liên kết với AOL. Họ đã “chộp được những khách hàng béo bở”, chỉ còn mỗi Microsoft.

Đón đọc kỳ tới: Bắt tay “ông lớn”

Thứ Hai, 04/12/2006 08:55
31 👨 63
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp