Chụp ảnh chân dung bằng máy du lịch

Khác với ảnh thẻ, một bức ảnh chân dung thông thường cần phải thể hiện được cảm xúc cũng như nói lên được một chút gì đó về những con người có trong bức ảnh. 5 mẹo nhỏ sau đây có thể sẽ giúp bạn có được một bức ảnh chân dung mang nhiều tính biểu cảm hơn.

1. Độ sâu trường ảnh (Depth of Field - DOF)

Khẩu độ từ f3,5 trở xuống giúp làm mờ phần hậu cảnh và làm nổi bật vật thể trung tâm.


Nếu máy của bạn có tính năng chỉnh khẩu độ thủ công, thì hãy đặt thông số đó ở mức f3,5 hoặc thấp hơn. Điều này sẽ giúp giữ độ sâu trường ảnh ở mức thấp, khiến phần hậu cảnh trong bức ảnh trở nên mờ đi trong khi vật thể chính là con người thì lại hiện lên rõ ràng, sắc nét. Nhờ đó, sự chú ý của người xem cũng ngay lập tức dồn vào vật thể chính, chứ không bị phân tán sang các hình ảnh xung quanh.

Tuy nhiên, nếu máy ảnh của bạn không cho phép tùy chỉnh thủ công, hãy thử các chế độ chụp mặc định mà máy cung cấp. Nếu có chế độ chụp chân dung (portrait), hãy dùng ngay chế độ đó, bởi nó đã được cài sẵn những thông số tối ưu cho việc chụp người.

2. Tạo không khí thoải mái

Nên tìm cách làm cho người được chụp cảm thấy thoải mái.


Nếu người mà bạn định chụp tỏ ra quá căng thẳng thì khi lên hình chắc chắn trông sẽ rất gượng gạo. Để tránh điều đó, hãy cố gắng trò chuyện với người đang đứng trước ống kính để giúp họ cảm thấy thoải mái hơn. Hãy kể một câu chuyện cười hay đơn giản là trò chuyện về thời tiết. Nếu đó là một người bạn thân thiết, hãy nói về những điều mà bạn biết chắc rằng họ sẽ cảm thấy hứng thú. Khi người mà bạn định chụp trở nên thả lỏng hơn, tự tin hơn, thì đó chính là lúc bạn có thể bắt đầu bấm máy.

3. Cầm máy ngang tầm mắt

Cầm máy ngang tầm mắt của người chụp giúp bức ảnh trở nên trực diện và người chụp được tự nhiên.


Hãy cầm máy ngang với tầm mắt của người mà mình định chụp. Ví dụ như, đối với trẻ em, hãy ngồi hoặc quỳ xuống để chụp được đúng tầm mắt của chúng. Nếu người bạn định chụp là người lớn nhưng lại đang ngồi, bạn cũng nên làm động tác tương tự, thay vì bắt họ đứng lên làm dáng cho ngang tầm với bạn. Điều đó sẽ giúp họ cảm thấy thoải mái hơn, bức ảnh chụp lên trông tự nhiên và nhiều cảm xúc hơn.

4. Tập trung vào ánh mắt

Một bức ảnh focus vào mắt luôn mang nhiều tính biểu cảm hơn khi focus vào các vị trí khác trên khuôn mặt.


Người ta vẫn thường nói đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, điều này đặc biệt đúng trong nghệ thuật chụp ảnh chân dung. Hãy cố gắng chỉnh focus cho máy để tập trung lấy nét vào mắt của vật thể. Bức ảnh chụp được chắc chắn sẽ mang nhiều tính biểu cảm hơn là khi focus vào tai hay mũi của người trong ảnh.

Nếu chiếc máy ảnh du lịch của bạn chỉ có duy nhất chế độ lấy nét tại một điểm, hãy ngắm làm sao để ánh mắt của vật thể nằm trong khu vực lấy nét, bấm phím chụp đến nửa chừng rồi dừng lại nhưng vẫn giữ nguyên tay để chờ máy lấy nét, sau đó chỉnh lại khung hình một lần nữa rồi mới bấm hết tay để thực hiện việc chụp.

5. Môi trường xung quanh


Nếu khung cảnh xung quanh ấn tượng thì nên sử dụng ống kính góc rộng để chụp được nhiều chi tiết hơn.


Nếu người mà bạn định chụp đang xuất hiện trong một khung cảnh mà những vật thể xung quanh cũng rất đẹp và thú vị, hãy sử dụng ống kính góc rộng để chụp được cả khung cảnh rộng lớn đó. Điều đó sẽ giúp người xem có được hình dung cụ thể hơn về nhân vật trung tâm trong bức ảnh, đồng thời cũng làm cho bức ảnh trở nên sống động, hấp dẫn hơn.

Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc thấy bao nhiêu vật thể bạn cũng "nhồi nhét" hết cả vào bức ảnh. Nếu làm thế, rất có thể bạn sẽ thu được tác dụng ngược, bởi bức ảnh khi đó sẽ trở nên vụn vặt, lắt nhắt, người xem sẽ khó mà biết được bạn đang chụp ảnh chân dung của ai.

Thứ Hai, 08/09/2008 12:06
31 👨 542
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp