Chiến lược thương mại điện tử: Vì tương lai doanh nghiệp…

“Lãnh đạo cao nhất (CEO) trong doanh nghiệp (DN) cần chịu trách nhiệm chính trong hoạch định chiến lược ứng dụng CNTT và thương mại điện tử”, là khẳng định của PGS.TS Nguyễn Văn Minh, Trường Đại học Thương mại.

Niềm tin

Chiến lược thương mại điện tử: Vì tương lai doanh nghiệp…Ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT) trong DN đang là xu hướng. Nhưng đó là nhu cầu khách quan hay chỉ là thời thượng? Trước khi quyết định nên hay không triển khai TMĐT, mỗi người phải trả lời được câu hỏi này.

Ở một góc độ nhất định, TMĐT là ứng dụng CNTT-TT để tiến hành các hoạt động, giao dịch thương mại. Theo PGS-TS Minh, điểm mấu chốt của TMĐT là truyền và xử lý thông tin trong giao dịch kinh doanh.

Thông tin là đặc tính của mọi đối tượng, mọi thực thể. Các đối tượng, thực thể trong TMĐT là DN, người tiêu dùng, các tổ chức nhà nước, xã hội, cùng vô vàn các định chế kinh tế - xã hội - luật pháp…

Người ta tính rằng, cứ sau khoảng 2 năm, số lượng các website hiện diện trên mạng Internet cùng khối lượng thông tin trao đổi và lưu trữ trên mạng sẽ tăng lên gấp đôi (hệ quả của định luật Moore).

Thông tin là một trong các đầu vào quan trọng bậc nhất khi xác định chiến lược và kế hoạch kinh doanh của DN. Việc tìm kiếm, thu nhận, xử lý thông tin không đúng có thể tác động lệch lạc đến định hướng chiến lược và gây tắc nghẽn kế hoạch kinh doanh.

Tiêu chuẩn phổ biến!

TMĐT (ở các hình thức và mức độ khác nhau) đã rất phổ biến trên thế giới. Ứng dụng TMĐT là việc phải làm khi các DN tham gia hợp tác kinh tế quốc tế, xuất nhập khẩu, hay muốn trở thành thành viên của các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng quốc gia và toàn cầu. DN đáp ứng các yêu cầu về ứng dụng TMĐT (có năng lực TMĐT) sẽ có ưu thế để trở thành đối tác của các DN lớn.

TMĐT giúp DN tiếp cận thị trường quốc gia và quốc tế với chi phí thấp, đặc biệt là chi phí tạo lập, xử lý, phân phối, bảo quản và hiển thị thông tin; chi phí xây dựng, duy trì và quản lý các cửa hàng vật lý, kho hàng; chi phí tồn kho; chi phí tác nghiệp.

Ứng dụng TMĐT vừa là yêu cầu, vừa tạo điều kiện cho quá trình không ngừng tìm tòi, học tập, nâng cao tri thức trong đội ngũ lãnh đạo cũng như cán bộ nhân viên. Nó giúp hoàn thiện các kỹ năng công tác cũng như các chuẩn mực quan hệ mới, góp phần hình thành văn hóa DN theo hướng hiện đại và hội nhập.

Hoạch định chiến lược

Môi trường Việt Nam đã dần dần đảm bảo những điều kiện cơ bản để DN triển khai ứng dụng TMĐT ở nhiều mức độ và hình thức. Tuy nhiên, DN cần hoạch định chiến lược ứng dụng TMĐT.

Theo diễn giải của PGS-TS Minh, chiến lược TMĐT đơn giản là kế hoạch và các sáng kiến của công ty nhằm đưa sản phẩm và dịch vụ của mình lên Internet. Việc hoạch định chiến lược được thực hiện trên cơ sở phân tích các yếu tố bên ngoài và bên trong đặc thù của mỗi công ty. Có thể tham khảo 3 mô hình sau:

Công ty kinh doanh truyền thống: Tác nghiệp ngoại tuyến là chủ yếu. Chỉ cần có một website tính năng đơn giản để giới thiệu hàng hóa và dịch vụ của công ty.

Công ty mong muốn triển khai hệ thống bán hàng B2C (DN - người dùng) đòi hỏi hệ thống TMĐT phức tạp đảm bảo quy trình: Giới thiệu, chào hàng, nhận, xử lý đơn hàng, thanh toán, thực hiện đơn hàng, dịch vụ hậu mãi.

Công ty triển khai TMĐT B2B (DN-DN) ở mức độ cao thì hệ thống TMĐT càng phức tạp hơn để đáp ứng yêu cầu: Liên kết với các bạn hàng, chia sẻ thông tin; Phối hợp kế hoạch sản xuất, liên kết giữa các giao dịch bên ngoài với các hoạt động quản lý bên trong công ty; Mạng hóa các giao dịch nội bộ công ty…

Có nên bắt đầu với quy mô lớn?

TMĐT giúp DN hoàn thiện chuỗi cung ứng; Chuyển hướng chiến lược sản xuất, kinh doanh từ “đẩy” sang “kéo”; Bổ sung mô hình kinh doanh mới; Cải thiện quan hệ khách hàng, quảng bá thương hiệu…

Ông Lê Văn Lợi, Viện trưởng Viện Tin học, VCCI cho biết, sai lầm của CEO khi đầu tư vào TMĐT là muốn bao quát tất cả, chọn thị trường quá rộng. Điều này khiến DN không đủ khả năng tiếp thị và đáp ứng nhu cầu khách hàng. Đầu tư vào một ngành kinh doanh mới thường đòi hỏi thời gian và nguồn tài chính lớn. Đầu tư nhiều tiền vào quảng cáo đôi khi vẫn không đem lại hiệu quả như ý muốn!

“Ứng dụng TMĐT đòi hỏi phải đầu tư tài chính vào hạ tầng phần cứng và phần mềm (tùy thuộc vào mức độ và quy mô ứng dụng có thể dao động từ chi phí triệu đồng đến hàng tỷ đồng). Đánh giá hiệu quả đầu tư vào TMĐT khá khó. CEO nên thận trọng, không bắt đầu từ một dự án quy mô lớn, phức tạp. Cần thử nghiệm, học tập, rút kinh nghiệm từ quy mô nhỏ và mức độ đơn giản, hoặc từ một bộ phận nào đó của hệ thống để rút kinh nghiệm, mở rộng và nâng cấp”, ông Lợi tư vấn.

PGS.TS Minh cũng cho rằng, các DN cần cân nhắc nhiều vấn đề phát sinh như: Lựa chọn mua trọn gói hay thiết kế theo yêu cầu cá biệt của DN; Sử dụng nguồn lực bên trong hay bên ngoài (outsourcing) khi thiết lập hệ thống TMĐT? DN nhỏ và vừa nên bắt đầu từ sử dụng nguồn lực bên ngoài (ví dụ sử dụng dịch vụ của các site lớn, nổi tiếng, tham gia các sàn giao dịch, các chợ điện tử…) và các dự án không phức tạp.

“CEO là người biết cân bằng giữa đầu tư và lợi ích mang lại, có những tư tưởng chiến lược về đào tạo nguồn lực khi tham gia TMĐT…”.
Ông Lê Văn Lợi, Viện trưởng Viện Tin học DN thuộc VCCI

Ngày càng nhiều DN và tổ chức mở rộng duy trì hai kênh thương mại song song. Một vấn đề lớn đặt ra với các DN kinh doanh hỗn hợp là: Kết hợp được cả hai kênh kinh doanh trong lập kế hoạch, quảng cáo, logistics, phân bố nguồn lực... Và làm sao hài hòa cả thị trường thực lẫn thị trường ảo!

“Mở rộng phối hợp, hợp tác trong TMĐT là yếu tố không thể thiếu. Các hệ thống TMĐT nếu biết cách liên kết, phối hợp, hợp tác với nhau có thể sử dụng dịch vụ cũng như tiềm năng khách hàng của nhau để cùng phát triển trên mạng”, PGS.TS Minh kết luận.

Thứ Năm, 19/05/2011 14:59
31 👨 764
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp