Bartz không muốn "xẻ thịt" Yahoo để bán

"Tôi đến đây không phải để bán công ty này", bà Carol Bartz, tân giám đốc điều hành (CEO) biểu tượng Internet Yahoo tuyên bố rành rọt.

Carol Bartz tin rằng, nếu tồn tại "nguyên vẹn", hãng sẽ mạnh hơn là khi các bộ phận nói lời "đường ai nấy đi".

"Yahoo là một tài sản thần kỳ của mạng Internet. Nó không đáng bị tách rời, dù cho đó có là nỗ lực của ai đi chăng nữa", bà Bartz tuyên bố trong cuộc họp báo sau khi Yahoo công bố kết quả tài chính quý IV.

Chỉ cần nhìn vào những số liệu như có bao nhiêu người sử dụng Yahoo, thời gian họ lưu lại với site và họ đánh giá những tài nguyên của Yahoo như thế nào, bạn sẽ hiểu rõ điều này. Yahoo không bao giờ cần tới cảnh "tan đàn xẻ nghé"," bà Bartz khẳng định.

Câu hỏi lớn nhất lúc này là liệu bà Bartz có chịu bật đèn xanh cho việc bán lại bộ phận tìm kiếm cho Microsoft hay không?

Khả năng này đã xuất hiện từ cuối năm ngoái, sau khi Microsoft tuyên bố không còn hứng thú với việc mua lại toàn bộ Yahoo nữa. Khi đó, hai hãng đã không thể nào thống nhất được với nhau về điều khoản hợp đồng. Song bà Bartz chưa bao giờ lộ rõ quan điểm của mình.

Bà không loại trừ khả năng này, cũng không công nhận đó là một ý tưởng hay. Nhưng giọng điệu của bà mang đến cho người ta ấn tượng rằng bà cần thêm thời gian để cân nhắc.

Cụ thể, Bartz nói rằng bà sẽ không đặt lợi ích của các cổ đông ngắn hạn (vốn chỉ chăm chăm tìm cách đẩy giá cổ phiếu) lên trên các nhà đầu tư dài hạn (những người kiên nhẫn chờ đợi công ty cải thiện tình hình kinh doanh của mình).

Chưa rõ ý định

Bà tỏ ra rất "kiệm lời" khi chia sẻ suy nghĩ của mình về riêng bộ phận tìm kiếm, ngoài việc tuyên bố chắc nịch là Yahoo sẽ phải tiếp tục đầu tư vào đây, dù cho ý định của hãng là muốn giữ hay muốn bán đi chăng nữa.

Tuy vậy, Microsoft không phải là công ty duy nhất mà bà Bartz để mắt dè chừng tại thời điểm này. Mạng xã hội ảo số một thế giới Facebook cũng có mặt trong danh sách, do đối tượng người dùng trẻ đông đảo của nó.

Là bà mẹ của một thiếu niên 20 tuổi, bà Bartz chẳng xa lạ gì với Facebook cũng như sức hấp dẫn của nó đối với giới teen và thanh niên dưới 25 tuổi.

Nhưng bà vẫn tự tin rằng "từ 25 tuổi trở đi, người ta quan tâm đến Yahoo Finance hơn nhiều. Họ không còn dành cả ngày để tải ảnh và tán gẫu với nhau nữa. Họ đã là người trưởng thành rồi", bà nhún vai.

Bên cạnh đó, nhóm công chúng của Facebook có độ trung thành không cao. "Ngày xưa, MySpace cực "hot" nhưng người dùng của họ đã nhanh chóng bỏ sang dùng Facebook. Ai biết đâu sẽ là địa chỉ kế tiếp?

Trước mặt bà Bartz còn cả một núi việc và bà chẳng hề giả bộ hay che giấu điều này.

Bà thẳng thắn chỉ ra những điểm yếu chí mạng của Yahoo: sự quan liêu của bộ máy, chiến lược mơ hồ, quyết định chậm chạp, thiếu sự tập trung và giữa các bộ phận chẳng mấy thông tin, liên lạc với nhau.

Ngoài ra, không thể không nhắc đến bối cảnh kinh tế nói chung nữa.

Nhưng "nếu chúng ta có các sản phẩm mạnh, chúng ta sẽ hấp dẫn được người dùng và điều đó sẽ giải quyết được tất cả. Không chỉ là tìm kiếm, người dùng còn tìm đến Yahoo để được tiếp cận nội dung và tin tức nữa", bà nói.

Sau bà Bartz, Giám đốc Tài chính Blake Jorgensen cũng chia sẻ một số chi tiết về bộ phận tìm kiếm.

"Chúng tôi đang đi đúng lộ trình phát triển sản phẩm. Đầu tiên là với Panama (Hệ thống bán quảng cáo tìm kiếm mới) và giờ là tiếp tục sáng tạo với Search Assist (Hệ thống hỗ trợ tìm kiếm), rồi SearchMonkey. Chúng sẽ giúp chúng tôi ổn định thị phần của mình".

Các số liệu thống kê tỏ ra lạc quan và đáng khích lệ cho Yahoo. Doanh thu của bộ phận tìm kiếm đã tăng 11% trên toàn cầu và 18% riêng tại Mỹ. Cũng tại Mỹ, số lượt tìm kiếm đã tăng 10% so với cùng kỳ năm trước.

Tất nhiên, không phải mọi tin tức đều tốt lành. Tuần trước, Google đã công bố những kết quả khá tích cực về hoạt động kinh doanh tìm kiếm của mình, bất chấp đà suy thoái kinh tế toàn cầu.

Thứ Bảy, 31/01/2009 08:41
31 👨 205
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp