Bàn về chỉ tiêu sản lượng phần mềm Việt Nam

Theo quan điểm của chúng tôi, chỉ tiêu sản lượng phần mềm (SLPM) chưa thực sự quan trọng trong giai đoạn hình thành ngành công nghiệp PM (CNpPM). Trong việc xây dựng một ngành công nghiệp mũi nhọn của nước nhà, có lẽ có nhiều việc phải làm hơn là cố gắng đạt được chỉ tiêu sản lượng bằng mọi cách. Tuy nhiên, vì đây là một chỉ tiêu được rất nhiều người quan tâm, nên chúng tôi muốn trao đổi.

Nhìn lại một số khái niệm

Hiện nay, việc đánh giá SLPM của Việt Nam thuộc về Hội Tin Học TP.HCM (HCA). Đây vẫn là nguồn cung cấp số liệu báo cáo hàng năm duy nhất [1] và các số liệu này được sử dụng gần như chính thức. Song, với tư cách là một kết quả nghiên cứu khoa học, các đánh giá này luôn đòi hỏi phải được hệ thống hóa và chính xác hóa. Chính vì vậy, một số chuyên gia đã nghiên cứu các phương pháp đánh giá SLPM một cách có hệ thống [2]. Các phương pháp này đòi hỏi phân tích lại một số khái niệm mà chúng ta thường sử dụng theo thói quen.

Quy mô công ty Tỷ lệ
Dưới 20 nhân viên 38,08%
Từ 21-50 nhân viên 30,68%
Từ 51-100 nhân viên 21,74%
Từ 101-200 nhân viên 5,8%
Trên 200 nhân viên 3,7%
100%

Xin nêu một ví dụ: Tổng số nhân lực tại Công Viên PM Quang Trung (CVPM QT) năm 2003 được nhắc tới là xấp xỉ 1000 người, doanh thu ước khoảng 10 triệu USD. Như vậy doanh thu trên đầu người ước khoảng 10 nghìn USD/năm. Con số này hoàn toàn trùng với năng suất bình quân của toàn bộ ngành sản xuất PM (SXPM) do HCA đánh giá [1]. Điều đó là dễ hiểu, do CVPM QT là một hình mẫu tiêu biểu trong ngành SXPM Việt Nam.

Tuy nhiên, vấn đề không đơn giản. Trước hết, số lượng 1000 người làm việc ở CVPM QT là con số gồm cả nhân lực trực tiếp SXPM (các kỹ sư, trưởng dự án) lẫn nhân lực gián tiếp (nhân viên văn phòng, tiếp thị, cán bộ quản lý). Nếu sử dụng CVPM QT làm mẫu để tính doanh thu bình quân trên đầu người (từ đó tính sản lượng của quốc gia hay của một thành phố), chúng ta cần tính được số lượng tất cả những người làm việc liên quan tới SXPM.

Ngược lại, nếu 10 nghìn USD/năm là năng suất bình quân, tức là giá trị PM trung bình do một nhân lực trực tiếp SXPM làm ra, thì hoặc doanh thu của CVPM QT năm 2003 không thể đạt tới 10 triệu USD, hoặc nếu đạt thì năng suất của CVPM QT phải cao hơn năng suất chung của cả nước. Trong trường hợp đó, CVPM QT không thể được coi là một mẫu tiêu biểu và chúng ta cần có một lý do giải thích về năng suất này.

Từ ví dụ này chúng ta đã thấy các khái niệm về “năng suất bình quân” và “doanh thu bình quân” cần được sử dụng chính xác và nhất quán để tránh nhầm lẫn.

Về khái niệm phần mềm

Trong bài viết này, chúng tôi dựa trên phương pháp phân tích định lượng để tính giá trị SLPM của Việt Nam. Kết quả chúng tôi đưa ra không giống với những số liệu chúng ta đang dùng hiện nay.

Trước khi tính toán, cần thống nhất việc sử dụng khái niệm PM và dịch vụ PM. Chúng tôi đề nghị sử dụng các định nghĩa trong Quyết Định số 128/2000/QĐ-TTg của Thủ Tướng Chính Phủ. Theo đó, PM có một nội hàm rất lớn bao gồm rất nhiều hoạt động kinh doanh có liên quan. Trong khuôn khổ bài này, chúng tôi giới hạn trong giá trị doanh thu của các doanh nghiệp PM. Như vậy có một lượng PM không được tính đến, gồm PM của một số doanh nghiệp có kinh doanh phần cứng hoặc dịch vụ và PM in-house (tự cung tự cấp).

Thử tính SLPM Việt nam

Để tính SLPM tại Việt Nam, chúng tôi cần nhắc đến một số chỉ tiêu đặc trưng cho SXPM tại Việt Nam (dựa trên kết quả điều tra):

1. Tỷ lệ giữa lao động trực tiếp và lao động gián tiếp là 3,5:1.

2. Tỷ lệ giữa trưởng dự án và kỹ sư là 1:6,9.

3. Hệ số tính dôi (tỷ lệ giữa tổng chi phí nhân lực với chi phí nhân lực trực tiếp) là 1,7:1, nghĩa là cứ 1 USD chi cho nhân lực trực tiếp thì phải chi 0,7 USD cho nhân lực gián tiếp.

4. Tỷ lệ chi phí nhân lực so với doanh thu: theo điều tra của chúng tôi thì tỷ lệ chi phí về nhân lực của các công ty SXPM là khoảng 22,5% với phương sai quãng 5%.

Sử dụng phỏng vấn và điều tra thị trường, chúng tôi có thêm một số đánh giá tương đối dè dặt sau đây: Lương trung bình của kỹ sư lập trình là khoảng 1.200 USD/năm cho các kỹ sư dưới 2 năm kinh nghiệm (số liệu này tương đối thấp so với thực tế). Lương trung bình của trưởng dự án là 4.000USD/năm. Với tỷ lệ trưởng dự án/kỹ sư là 1:6,9, có thể tính được lương trung bình của nhân lực trực tiếp SXPM là 1.540 USD/năm. Như vậy, chi phí về nhân lực trên một nhân lực trực tiếp là 1.540 USD x 1,7 = 2.618 USD. Từ đó suy ra năng suất bình quân ngành SXPM Việt Nam là 11.636 USD/năm (với phương sai 5%, năng suất này nằm trong khoảng 9.520-14.960 USD/năm).

Để đánh giá sản lượng, chúng ta cần đánh giá tổng số nhân lực trực tiếp. Chúng tôi đã tiến hành một cuộc điều tra nhỏ với hơn 100 công ty và thu được 70 phiếu trả lời. Kết quả cho thấy phân bố về quy mô của các công ty SXPM (bảng 1).

Năm 2003, theo số liệu của HCA, có 570 công ty PM đang hoạt động. Giả sử phân bố trên vẫn tiếp tục đúng cho toàn bộ ngành SXPM, chúng tôi có thể suy ra số lượng công ty trong mỗi nhóm quy mô nói trên.

Mặt khác, dựa trên số liệu điều tra chúng tôi cũng tính được số nhân lực trực tiếp SXPM trung bình trong mỗi nhóm. Giả thiết số trung bình này đúng cho toàn ngành, chúng tôi suy ra tổng số nhân lực trực tiếp SXPM của Việt Nam hiện tại là 27.000 người. Các số liệu được cho trong bảng 2.

Con số này vượt tương đối xa tổng số kỹ sư PM đào tạo được trong thời gian trở lại đây. Điều này không có gì lạ, vì có một lượng khá lớn nhân lực PM từ các ngành ngoài tin học như toán, vật lý, điện, xây dựng, cơ khí...

Cuối cùng, từ năng suất bình quân và tổng số nhân lực trực tiếp SXPM, chúng tôi tính được tổng giá trị SLPM Việt Nam là 27.060 x 11.636 USD = 315 triệu USD. Con số này chưa tính đến đóng góp của PM in-house.

Kết luận

Giá trị thu được tương đối sai khác so với kết quả của HCA. Chúng tôi sử dụng các phương pháp khác nhau trong công trình [2] để đối sánh và thấy rằng kết quả vẫn luôn luôn lớn hơn nhiều so với đánh giá của HCA. Như vậy, có thể kết quả đánh giá của HCA còn bỏ sót một số đóng góp quan trọng?

Các kết quả đánh giá của chúng tôi dựa trên điều tra có tính chất thử nghiệm và hạn chế, chưa đảm bảo việc chọn mẫu có tính ngẫu nhiên. Một quy mô điều tra lớn hơn sẽ có thể cho kết quả chính xác hơn. Mặt khác, nếu có số liệu đánh giá của một số năm, chúng tôi có thể sử dụng phương pháp hàm hồi quy để dự báo cho những năm tiếp sau.

Bảng 2
Quy mô Tỷ lệ Số
công ty
Số nhân lực trực tiếp SXPM trung bình trong mỗi công ty Tổng số nhân lực trực tiếp SXPM trong mỗi nhóm
Dưới 20 người 38,08% 217 9,52 2066
Từ 21 đến 50 người 30,68% 175 32 5596
Từ 51 đến 100 người 21,74% 124 69 8550
Từ 101 đến 200 người 5,8% 33 161 5323
Trên 200 người 3,7% 21 262 5526
Tổng 100% 570 27060

Nguyễn Ái Việt
(Bộ Bưu Chính Viễn Thông)


Tài liệu tham khảo:
[1] Báo cáo toàn cảnh CNTT Việt Nam 2003-2005, Hội Tin Học TP HCM (2003-2005).
[2] Nguyễn Trọng Đường, "Đề xuất về phương pháp tính sản lượng CNpPM", Vụ Công Nghiệp CNTT (5/2003)/ Nguyễn Ái Việt, "Nghiên cứu các phương pháp đánh giá sản lượng PM Việt Nam". Đề tài nghiên cứu cấp Bộ, Bộ BCVT (2004).

Thứ Năm, 10/11/2005 09:03
31 👨 121
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp