Ứng dụng ĐTDĐ để tự động hóa thủ tục lên máy bay

Trong vài năm tới, hàng khách sẽ không phải làm các thủ tục giấy tờ rắc rối tại sân bay nữa, tất cả sẽ được thực hiện qua ĐTDĐ, kể cả các thủ tục lên, xuống máy bay.

Hiện tại một số hãng hàng không của Mỹ đã tiến hành các chương trình thử nghiệm cho phép hành khách không phải thực hiện các thủ tục tại kiốt hoặc quầy check-in. Trong số này có các hãng American Airlines và Continental Airlines với ý định sử dụng công cụ thân thiện nhất của doanh nhân – ĐTDĐ để thực hiện việc này.

Tiềm năng lớn

Tất nhiên, khi ở nhà hoặc đang ở văn phòng, hành khách có thể check-in qua máy tính hoặc in vé điện tử để mang tới sân bay, nhưng nếu xử lý qua điện thoại di động sẽ nhanh và tiện lợi hơn rất nhiều. Nhiều khi, do tới sân bay hơi muộn và lại lùng bùng trong một đóng quy trình kiểm tra, bạn có thể sẽ bị nhỡ chuyến bay. Nếu sử dụng ĐTDĐ thì điều này hiếm khi có thể xảy ra bởi mọi thứ được thực hiện tự động như khi bạn sử dụng điều khiển TV.

Sử dụng ĐTDĐ để làm thủ tục lên máy bay là một trong những lựa chọn mới nhất và tối ưu nhất ngoài việc check-in tại quầy hoặc check-in trực tuyến. Hầu hết các hãng hàng không lớn của Mỹ như American, Continental, Delta, Southwest, United Airlines, và US Airways đều có trang web riêng dành cho ĐTDĐ để hành khách tham khảo thông tin. Tuy nhiên, không phải trang web nào cũng cho phép người dùng kiểm tra trạng thái chuyến bay. Để làm được điều này, hành khách vẫn phải download một ứng dụng dành riêng, chẳng hạn như Flight Status cho iPhone (5USD) hoặc WorldMate Live Gold cho BlackBerry (100USD) để xem thông tin về các chuyến bay.

Tiết kiệm thời gian

Hành khách nếu muốn sử dụng dịch vụ lên máy bay di động sẽ phải đăng ký trước trên trang web di động của hãng hàng không thông qua trình duyệt ĐTDĐ. Miễn là chiếc điện thoại phải có khả năng kết nối Web, nhận e-mail, và hiển thị hình ảnh, còn những tính năng khác không quan trọng khi sử dụng dịch vụ kiểu này.

Sau khi check-in trên ĐTDĐ, hành khách sẽ nhận được dạng mã mạch. Khi tới sân bay, các thiết bị tại đây sẽ đọc mã vạch trên điện thoại từ cổng kiểm tra an ninh và tại cửa lên máy bay. Nếu vì một lý do nào đó mà hệ thống trục trặc, các nhân viên ở sân bay sẽ in thẻ lên máy bay cho hành khách.

American Airlines cho phép hành khách sử dụng ĐTDĐ để lên máy bay tại phi trường Chicago O’Hare International, Los Angeles International, và John Wayne–Orange County. Còn Continental cung cấp dịch vụ tương tự tại phi trường Bush Intercontinental, LaGuardia International, Newark Liberty International, Ronald Reagan Washington National, Cleveland Hopkins International, San Antonio International, Austin-Bergstrom International, và Logan International. Trong khi đó Delta cũng thử nghiệm dịch vụ này tại phi trường LaGuardia International Airport, New York. Tổng cộng có hơn 13 hãng hàng không trên thế giới đang sử dụng hoặc thử nghiệm dịch vụ lên máy bay bằng điện thoại di động này.

“Chúng tôi xem đây là một sáng kiến phục vụ cho khách hàng”, phát ngôn viên hãng hàng không Continental Airlines, Mary Clark, nhận xét. “Khách hàng từng nói với chúng tôi rằng họ thích các dịch vụ tự phục vụ, và đây chỉ là một trong số những lựa chọn mà chúng tôi cung cấp, cho phép họ có thể sử dụng công nghệ để tiết kiệm thời gian và đôi khi là cả tiền bạc”.

Người ta lo ngại rằng hành khách có thể sử dụng mã vạch giả để lên máy bay, nhưng Cơ quan quản lý An ninh vận chuyển (TSA) Mỹ cho rằng điều này rất khó thực hiện. Trước đây, người ta thường gắn mã vạch lên thẻ lên máy bay và thực tế chứng minh chúng rất an toàn. Nay thì những công nghệ tương tự sẽ được sử dụng cho ĐTDĐ nhằm bảo đảm độ an toàn tương tự.

Vẫn còn hạn chế

Mặc dù có nhiều tiện lợi nhưng việc sử dụng điện thoại di động để check-in vẫn còn một số hạn chế. Các hãng hàng không của Mỹ hiện mới chỉ cung cấp dịch vụ này cho các chuyến bay nội địa bởi không phải sân bay nào cũng áp dụng cơ chế và công nghệ kiểu này. Ngoài ra, việc đặt vé cho nhiều người qua điện thoại cũng rất bất tiện bởi màn hình của điện thoại chỉ có thể hiện thị được một vé lên máy bay (cho một hành khách). Thêm vào đó, phương pháp này mới chỉ giới hạn cho các chuyến bay trực tiếp, còn các chuyến bay phải quá cảnh thì chưa thể áp dụng được. Thực tế cho thấy nếu sử dụng phương pháp này mà vẫn phải gửi hành lý thì cũng không tiết kiệm thời gian được là mấy.

Mặc dù Clark không nói rõ cách thức mà Continental Airlines xác định sân bay có triển khai thẻ lên bay máy di động hay không nhưng bà cho biết hãng này sẽ phát triển dịch vụ tới tất cả những sân bay mà Continental khai thác. TSA và American Airlines cũng đưa ra những dự đoán tương tự về điều này.

Hiệp hội vận chuyển hàng không quốc tế (IATA), đơn vị quản lý chuẩn bar code và có 230 thành viên là các hãng hàng không, thì không đưa ra một thời khóa biểu chi tiết cho kế hoạch triển khai thẻ lên máy bay di động. IATA chỉ cho biết sẽ thay thế chuẩn kiểm tra an ninh bằng từ trường hiện nay bằng chuẩn mã vạch, chậm nhất là tới cuối năm 2010. IATA từng nêu lên vấn đề này từ năm 2005 để các thành viên có thời gian nâng cấp công nghệ. Việc chuyển sang sử dụng công nghệ mới dự kiến sẽ tiết kiệm cho nghành hàng không mỗi năm hàng tỉ USD.

Cách đây 5 năm, IATA đã cho áp dụng phương pháp bán vé điện tử và mô hình này đã rất thành công. Năm đầu tiên, 20% thành viên của IATA triển khai bán vé điện tử, còn 4 năm sau thì 100% thành viên đã áp dụng cách bán vé này.

Thứ Ba, 17/03/2009 12:06
31 👨 284
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp