Tăng trưởng mạnh dù kinh tế suy thoái

Trong cuộc họp báo toàn cầu tổ chức hôm 19-9 vừa qua tại Budapest (Hungary), tập đoàn Acer đã đưa ra những dự báo lạc quan về thị trường máy tính thế giới và công bố chiến lược cho giai đoạn phát triển mới của họ.

Mặc dù kinh tế thế giới đã tăng trưởng chậm lại từ nửa cuối năm ngoái và bắt đầu đi vào suy thoái trên quy mô toàn cầu do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính “trăm năm mới có một lần” của kinh tế Mỹ, ngành công nghiệp máy tính vẫn phát triển mạnh với doanh số hằng năm hơn 200 tỷ đô-la Mỹ.

Thị trường vẫn khả quan

Theo Gartner, trong nửa đầu năm nay đã có 138,8 triệu chiếc máy tính cá nhân được tiêu thụ, tăng 14,5% so với nửa đầu năm ngoái. Đáng chú ý là thị trường máy tính để bàn (desktop) đã gần như bão hòa, trong khi lượng máy tính xách tay (notebook) tăng vọt. Số máy tính để bàn tiêu thụ trong nửa đầu năm nay là 76,2 triệu chiếc, tăng 1,7%. Trong lúc đó, máy tính xách tay bán được 62,6 triệu chiếc, tăng 35,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Các khu vực lâu nay chậm chân về công nghệ thông tin như châu Mỹ la-tinh, Trung Á, châu Âu và châu Phi có mức tăng trưởng ấn tượng nhất, trong lúc nhu cầu của Mỹ và Nhật đang có dấu hiệu chững lại hoặc tăng không đáng kể (Mỹ và Nhật tăng 4,5%, Ấn Độ giảm 2,1%). Các nước có mức tiêu thụ máy tính tăng nhanh nhất là Nga (31,8%), Brazil (21,3%), Đức (19%), Trung Quốc và Anh (18,9%) và Pháp (17%).

Theo dự báo của Acer, cho dù kinh tế thế giới có khó khăn đến đâu thì thị trường máy tính vẫn tăng trưởng ở mức hai con số trong vòng ba năm tới, trong đó sức tiêu thụ máy tính để bàn chỉ tăng trong khoảng 3-4%, còn máy tính xách tay và các phương tiện tính toán di động sẽ tăng trưởng ở mức 25-30%. Khách hàng chủ yếu sẽ không còn là các đại công ty hay tập đoàn đa quốc gia mà người tiêu dùng cá nhân, gia đình, các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ quyết định xu thế và quy mô của thị trường máy tính toàn cầu. Các nước đang phát triển sẽ là “chiến trường” chính cho cuộc cạnh tranh giữa các thương hiệu và các nhà sản xuất máy tính khắp thế giới.

Sự nhận diện tình trạng và xu hướng thị trường sẽ giúp các nhà hoạch định chiến lược của các công ty máy tính tìm ra đối sách thích hợp để nắm bắt cơ hội, phát triển sản xuất và định hướng các hoạt động tiếp thị.

Thách thức của thị trường

Máy tính xách tay và các phương tiện tính toán di động được dự báo là sẽ tăng trưởng ở mức 25-30% trong vòng ba năm tới.

Đối với các công ty sản xuất máy tính, thị trường những năm sắp tới sẽ có những thuận lợi và thách thức mới. Đặc biệt, khoảng cách về trình độ công nghệ giữa các công ty, các thương hiệu đang nhanh chóng bị thu hẹp nên công nghệ không còn là lợi thế đáng kể trong cuộc cạnh tranh giành thị phần như trước. Theo ông Jim Wong, Phó chủ tịch phụ trách công nghệ của Acer, để chiếm lòng tin của người tiêu dùng, nhà sản xuất không nhất thiết phải tập trung đưa ra những công nghệ mới, nhiều khi phức tạp và ít có giá trị thực tế, thay vào đó là những nỗ lực xây dựng thương hiệu, chính sách tương tác với người tiêu dùng và một chiến lược đa dạng hóa sản phẩm cho từng phân khúc thị trường khác nhau. Sự phân hóa người tiêu dùng thành các nhóm chuộng yếu tố hình thức hơn tính năng đối lập với nhóm chuộng tính năng hơn hình thức, nhóm khách hàng “tĩnh tại” đối lập với nhóm “di động”… sẽ làm phát sinh những phân khúc thị trường mới với những đặc điểm rất khác nhau.

Thách thức lớn nhất đối với doanh nghiệp có lẽ là, do máy tính trở thành một mặt hàng phổ thông, sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt, cho nên tỷ suất lợi nhuận sẽ không còn hấp dẫn các nhà sản xuất nữa, thậm chí sẽ có nhiều công ty thua lỗ và tình trạng sáp nhập, mua bán công ty trong ngành công nghiệp này sẽ diễn ra một cách quyết liệt. Những công ty non yếu về quản lý, hạn chế về tiềm lực tài chính có khả năng sẽ bị “nuốt chửng” bởi các “đại gia” mạnh hơn, giàu kinh nghiệm thương trường hơn và tình trạng “lớn mới tồn tại” cũng không phải là điều đáng tiếc.

Máy tính để bàn sẽ nhường chỗ cho máy tính xách tay

Ông Gianfranco Lenci, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành (CEO) của tập đoàn Acer, dùng một hình ảnh ví von để miêu tả ngành công nghiệp máy tính: “Một thế giới hai gương mặt” – chiếc máy tính để bàn già cỗi đồng hành với những thiết bị tính toán di động (gồm máy tính xách tay, máy tính mạng – netbook và thiết bị Internet di động – mobile Internet device – MID) trẻ trung, nhiều màu sắc.

Chiếc máy tính để bàn đang ngày càng rời xa công năng ban đầu là làm các công việc văn phòng và có xu hướng biến thành một trung tâm giải trí “media center” – chơi trò chơi điện tử, xem phim, nghe nhạc và tán gẫu – của cá nhân. Sự ra đời và phổ biến rộng rãi các thiết bị tính toán di động đã thay dần chức năng “làm việc” như gửi và nhận thư điện tử, viết lách, biên soạn, tính toán đơn giản, truy cập Internet, đọc báo… ở bất cứ nơi nào thuận tiện mà không nhất thiết phải ngồi vào bàn giấy.

Sự thay đổi công năng này đòi hỏi các máy tính để bàn phải có cấu hình ngày càng mạnh, kích thước phải được thu nhỏ lấy chỗ cho một màn hình ngày càng lớn và giá cả phải ngày càng giảm.

Ở dòng thiết bị Internet di động, đã có sự phân biệt đáng kể giữa loại máy dùng cả hai tay (laptop, netbook) và loại máy chỉ cần một tay (smartphone, PDA). Laptop hay notebook, xuất hiện vào giữa thập kỷ 1990, lúc đầu chỉ được coi như một chiếc máy tính cá nhân (PC) thứ hai, “máy phụ”, cho những người mà công việc đòi hỏi phải thường xuyên ra khỏi văn phòng. Ngày nay với nhiều người, sự phân biệt “chính-phụ” hầu như không còn nữa vì máy tính xách tay có khi là chiếc máy duy nhất, có thể dùng để làm việc cả trong văn phòng, trong gia đình lẫn trong những chuyến công tác xa. Sự thay đổi “vai vế” đó đã thúc đẩy các nhà sản xuất cho ra đời những mẫu máy tính xách tay mới, nhẹ hơn, mạnh hơn và thời gian dùng pin lâu hơn. Máy tính xách tay không chỉ cơ động hơn mà có khả năng kết nối tốt hơn, mức độ cá nhân hóa cao hơn so với máy tính để bàn nhờ sự ra đời của những công nghệ mới về kết nối không dây, bảo mật bằng sinh trắc học… Tuy vậy, có một cái ngưỡng khó vượt qua là giá cả: có 60% số máy tính xách tay siêu nhẹ (ultraportable) bán ra thị trường có giá trong khoảng 1.200-1.999 đô-la Mỹ, 82% có giá trên 1.000 đô-la Mỹ.

Netbook – máy tính của tương lai

Internet đã thúc đẩy một cuộc cách mạng mới về máy tính, tạo điều kiện cho sự ra đời của dòng máy tính xách tay nhỏ hơn nữa, nhẹ hơn nữa, hoạt động trên nền tảng Internet – gọi chung là netbook – bắt đầu với dòng máy Eee của hãng Asus, phát triển với dòng máy Aspire One của hãng Acer và sau đó được nối tiếp bởi hàng loạt mẫu netbook của HP, Dell, Lenovo…, hình thành một xu thế “nóng” chỉ trong vòng vài tháng qua. Một chiếc máy tính xách tay thông thường, dù tinh giản đến mấy, cũng phải có một ổ đĩa cứng để lưu trữ tài liệu, và quan trọng hơn là để cài đặt các chương trình, phần mềm mà chủ nhân cần, chi phí bản quyền cho các phần mềm này là không nhỏ, và việc tồn tại ổ đĩa cứng làm tăng trọng lượng máy, tiêu tốn nhiều năng lượng khiến cho mỗi viên pin chỉ có thể dùng được vài tiếng đồng hồ. Chiếc netbook đầu tiên – xuất hiện từ đầu năm nay và đang được cải tiến nhanh chóng – không cần tới ổ đĩa cứng, cũng không có đầu đọc đĩa DVD hay BD (Bluray disk), đã giải bài toán về kích thước, trọng lượng và giá thành. Khi phần lớn các chương trình, phần mềm đều có thể lấy trực tiếp từ mạng Internet, có thể chạy ngay trong các trình duyệt Internet như hiện nay thì việc thiếu vắng một ổ đĩa cứng không làm cho người sử dụng lúng túng, miễn là có một đường truyền Internet, không dây càng tốt. Chính vì thế, nhiều người cho rằng netbook có khả năng sẽ là chiếc máy tính của tương lai, góp phần đưa các loại máy tính để bàn, máy tính xách tay vào bảo tàng lịch sử công nghệ thông tin của loài người.

Một cuộc khảo sát hồi tháng 2-2008 của công ty tư vấn Forrester (Mỹ) cho biết có 48% những người được hỏi ý kiến muốn có kết nối “Internet di động” mỗi khi rời nhà hay cơ quan, nhưng 58% trong số đó không thỏa mãn với việc duyệt web bằng điện thoại đi động hay PDA ; 60% cho rằng màn hình điện thoại quá nhỏ, bàn phím bất tiện, không thích hợp cho những công việc khác ngoài chức năng thoại, 28% cho rằng máy tính xách tay thì to và nặng không phải lúc nào cũng mang theo sẵn bên người được.

Chính vì thế, sự ra đời của dòng máy netbook, với giá cả chỉ trong khoảng 299-499 đô-la Mỹ đã tạo ra một phân khúc thị trường mới, đáp ứng nhu cầu “Internet di động” của một bộ phận người tiêu dùng. Đến giữa năm nay, thế giới đã có 1,5 tỷ người xem Internet là “một phần tất yếu của cuộc sống”, cho nên thị trường tiêu thụ netbook sẽ rất hấp dẫn. Tập đoàn Acer – vừa cho ra đời chiếc máy netbook Acer Aspire One gây “nóng” trên thị trường – cho biết đến cuối năm nay sẽ có 10 triệu chiếc netbook được bán ra, và trong năm 2009 con số này sẽ là 25 triệu chiếc.

Một cơ hội kinh doanh khó có thể bỏ qua và thắng lợi sẽ thuộc về doanh nghiệp nào chuẩn bị tốt nhất để nắm bắt cơ hội đó.

Thứ Hai, 20/10/2008 09:10
31 👨 116
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp