Sử dụng ống kính góc rộng

Do có khả năng bao quát một trường nhìn rất lớn nên loại ống kính này khá "kén" cảnh và khó sử dụng.

Ống kính góc rộng (wide lens) là công cụ lý tưởng để diễn tả độ sâu cũng như kích thước đối tượng trong kỹ thuật nhiếp ảnh. Do có khả năng bao quát một trường nhìn rất lớn, nên loại ống kính này khá "kén" cảnh và khó sử dụng.

Dưới đây là một số kỹ thuật chung để lợi dụng các đặc tính độc đáo của ống góc rộng trong việc tạo ra những hiệu ứng đẹp cho bức ảnh của mình theo trang web Cambrigdeincolour.

Ống kính góc rộng thường được dân du lịch ưa chuộng nhưng khá "kén" cảnh và khó sử dụng.
(Ảnh: Nikon USA).

1. Ống góc rộng là gì?

Ống góc rộng là loại ống kính có chiều dài tiêu cự dưới 35 mm, nếu quy đổi trên hệ máy phim. Điều này đồng nghĩa với việc, khi sử dụng loại ống kính này, bạn sẽ có những bức ảnh với trường nhìn lớn hơn 55 độ. Ống cực rộng (ultra-wide lens) thường có tiêu cự trong khoảng 20 - 24 mm hoặc thấp hơn.

Ảnh chụp cận bằng ống góc rộng có thể đem lại những hiệu quả bất ngờ.
(Ảnh: Problogger).

Một lưu ý cơ bản khi chọn mua ống kính là tiêu cự càng ngắn, trường nhìn càng lớn (nghĩa là sẽ có càng nhiều đối tượng của cảnh được ghi lại). Ống góc rộng rất thuận tiện khi bạn sử dụng để ghi lại một khu vực rộng mà hầu như không phải di chuyển nhiều. Đối với các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, ống góc rộng hay được sử dụng để tiếp cận gần đối tượng và tạo ra các hiệu ứng đặc biệt, nhằm nhấn mạnh chủ thể.

Ống góc rộng được dân du lịch ưa chuộng, do khả năng bao quát cảnh rất tốt và giảm hiện tượng lens flare đáng kể hơn so với những ống có tiêu cự dài. Bạn cũng có thể sử dụng loại ống này để chụp chân dung, hoặc đôi khi chụp macro với chất lượng chấp nhận được. Tuy nhiên, chúng thường gây ra lỗi phóng đại không đều hay làm méo mép ảnh, rất hữu dụng để nhấn mạnh chủ thể hoặc tạo những tác phẩm biếm họa hài hước.

Hoàng hôn ở Death Valley, California (Mỹ), chụp bằng ống cực rộng, 16 mm. (Ảnh: Cambridgeincolour)

2. Kỹ thuật phối cảnh

Khi chụp phong cảnh, ống góc rộng phải được sử dụng thật cẩn thận để tránh đưa những vật thể quá thừa vào ảnh. Ngoài ra, cần đặc biệt chú ý đến luật bố trí các đường thẳng trong ảnh. Đặt máy ảnh quá thấp hoặc quá cao so với đường chân trời ảo của cảnh sẽ làm ảnh bị mất đối xứng. Các đường thẳng song song của cảnh dường như sẽ bị kéo dài ra và hội tụ lại một điểm gọi là điểm ảo (Vanishing point). Đối với những ống cực rộng, một sự thay đổi nhỏ trong cấu trúc phối cảnh sẽ làm thay đổi nhiều tính chất cũng như quy mô của đối tượng cần diễn đạt, thậm chí gây ra những đường cong hội tụ méo mó không mục đích.

Chân trời ảo và những đường thẳng song song trong một bức ảnh chụp cảnh đơn thuần. (Ảnh: Cambridgeincolour).

Lỗi xảy ra khi đặt máy ảnh quá cao so với chân trời ảo. Điểm ảo bị đẩy lên góc trên của ảnh và các đường song song bị kéo dài quá mức, khiến khối kiến trục như đổ về phía người xem. (Ảnh: Cambridgeincolour)

Cách khắc phục hiện tượng này.

- Xác định đường chân trời, vốn là một đường thẳng tưởng tượng nằm ngang chung nhất của cảnh. Sau đó chụp thử một vài kiểu (không cần quá chuẩn xác) để kiểm tra tính đối xứng và sự hội tụ của các đường thẳng trong cảnh. Nhất thiết phải hướng máy ảnh sát đường chân trời tưởng tượng này kể cả trường hợp bạn sẽ thu được khá nhiều thứ thừa thãi vào ảnh. Bạn có thể crop bớt trong quá trình xử lý sau này.

- Tiến xa đối tượng hơn và sử dụng các ống kính tiêu cự dài hơn để chụp. Cách này khá hiệu quả nếu bạn chưa hiểu rõ về ống kính góc rộng đang cầm trong tay.

- Sử dụng phần mềm để bóp lại ảnh (distort).

- Sử dụng ống kính tilt/shift để kiểm soát phối cảnh.

Hiệu ứng các đường thẳng tưởng tượng trong cảnh hội tụ với nhau thường được tránh trong nhiếp ảnh. Tuy nhiên, với một vài trường hợp, hiệu ứng này lại gây ấn tượng mạnh, nếu biết cách sử dụng hợp lý với một ống góc rộng.

3. Tác dụng bao quát trường nhìn

Tác dụng quan trọng nhất của ống góc rộng là thu được một khoảng không gian lớn vào ảnh, đặc biệt khi ở trong môi trường chật hẹp, khiến ta không thể di chuyển đủ xa để bố cục như phòng họp, hay hang động. Ống zoom với dải tiêu cự vừa phải luôn là sự lựa chọn hàng đầu nếu bạn ưa thích sự tiện lợi và nhanh chóng. Ống fix góc rộng thường đem lại chất lượng hình ảnh rất tuyệt nhưng sẽ làm bạn lúng túng khi mang đi du lịch hoặc chụp trong không gian hẹp. Nói chung, loại ống một tiêu cự này thường hợp hơn với những tay máy điêu luyện hoặc những người chụp ảnh nghệ thuật vốn coi yếu tố chất lượng là trên hết.

Bạn không có quá nhiều không gian để chụp bức ảnh này trong một hang động. (Ảnh: Theamericanwest).

4. Lưu ý sử dụng kính lọc phân cực

Kính lọc phân cực thường được dùng để chụp ảnh phong cảnh, nhằm giảm bớt ánh sáng chói và tăng bão hòa màu cho ảnh. Tác dụng của kính lọc CPL phụ thuộc nhiều vào hướng đặt máy ảnh của bạn và hướng của nguồn sáng chủ đạo trong ảnh (như mặt trời). Hiệu ứng phân cực mạnh nhất khi máy ảnh của bạn hướng vuông góc với hướng ánh sáng. Đặc biệt, trong trường hợp sử dụng ống siêu rộng, một phần của khung ảnh thường hướng vuông góc với mặt trời, trong khi những phần còn lại có thể tạo với mặt trời góc hẹp hơn rất nhiều. Điều này khiến những thước chụp bầu trời bị sáng tối không đều. Nói chung, bạn nên điều chỉnh kỹ càng trước khi sử dụng loại kính lọc này.

Sự kết hợp giữa kính lọc phân cực và ống góc rộng đôi khi không đem lại hiệu quả. Trong hình, những thước chụp bầu trời bị sáng, tối không đều. (Ảnh: Kenrockwell)

5. Lưu ý kiểm soát ánh sáng đi vào ống kính

Những ống góc rộng thường gặp rào cản là sự biến đổi cường độ sáng dọc trường nhìn do khả năng bao quát khá lớn. Với một mức phơi sáng nhất định, các khu vực trên ảnh thường bị quá cháy và quá tối. Sử dụng kính lọc GND hoặc kết hợp nhiều ảnh với mức phơi sáng khác nhau có thể khắc phục tốt nhược điểm này.

Ống góc rộng cũng nên trang bị loa che nắng (lens hood) để tránh hiện tượng lóe sáng, vốn là nguyên nhân làm giảm độ tương phản và gây mất chi tiết trên ảnh trong các pha chụp ngoài trời. Loa dạng xẻ cánh sen thường được khuyên dùng do tác dụng bảo vệ tốt hơn so với dạng tròn.

Kính lọc GND là giải pháp khi cảnh cần chụp có bố cục ánh sáng phức tạp. (Ảnh: Cambridgeincolour)

Thứ Ba, 13/10/2009 07:51
31 👨 484
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp