Quản lý như thế nào để hiệu quả?

Vừa qua, phiên bản 2.3 của bản dự thảo Thông tư Hướng dẫn quảng cáo thương mại trên các phương tiện điện tử do Vụ Thương mại điện tử thuộc Bộ Thương mai xây dựng, soạn thảo đã được ra mắt xin ý kiến rộng rãi. Một cuộc hội thảo cũng đã được diễn ra vào ngày 16/8 với sự tham gia góp ý của các Bộ, ngành, chuyên gia, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ.

Quan điểm của Bộ Thương mại khi xây dựng Thông tư này là mong muốn quản lý chặt song vẫn tạo điều kiện để các hình thức quảng cáo mới phát triển. Thông tư sẽ điều chỉnh các hình thức quảng cáo mang tính "bức xúc" nhất hiện nay, tuy nhiên, chỉ điều chỉnh hình thức mà không điều chỉnh về nội dung. Thông tư nhằm điều chỉnh hoạt động quảng cáo qua các phương tiện: thư điện tử, tin nhắn di động và trang thông tin điện tử. Tại bản dự thảo, trước việc lựa cho hai phương thức điều chỉnh Opt-in và Opt-out, Bộ Thương mại đã chọn cơ chế Opt-out, có nghĩa là việc gửi thư quảng cáo (spam) sẽ được thực hiện chừng nào người nhận chưa từ chối.

Spam: có quá nhiều tác hại!

Thời gian vừa qua, việc quảng cáo trên ba phương tiện thư điện tử, tin nhắn di động và trên trang tin điện tử quả đã gây ra khá nhiều "điều tiếng". Và vấn đề thư rác đã trở thành một "cuộc chiến" thực sự không chỉ riêng gì Việt Nam. Theo một số liệu thống kê, hiện, Mỹ là quốc gia đứng đầu trong danh sách với 23,2% số lượng spam có nguồn gốc từ quốc gia này. Đứng vị trí số hai trong danh sách đó chính là Trung Quốc với 20% số lượng thư rác. Mặc dù tỉ lệ dân số sử dụng mạng Internet ở Trung Quốc so với tổng số dân của nước này vẫn còn thấp, nhưng nước này cũng đã có đến 123 triệu người dùng Internet và hơn một nửa trong số đó sử dụng mạng băng thông rộng. Tiếp theo là Hàn Quốc với 7,5%, Pháp là 5,2% và Tây Ban Nha 4,8%.

Còn ở Việt Nam, theo ông Vũ Bảo Thạch, Giám đốc kỹ thuật công ty Misoft, môt số ISP của Việt Nam đã từng đứng ở top 10 nhà cung cấp dịch vụ thư rác tệ nhất. Cụ thể, tại trang web của Spamhaus, vnn.vn đã từng đứng ở vị trí thứ năm trong top 10 các ISP cung cấp dịch vụ spam. Ông Thạch cũng cho rằng, trong khi cả thế giới đang tích cực chống spam vì nó gây thiệt hại về kinh tế cũng như tinh thần thì ở VN, những người có trách nhiệm dường như còn quá thờ ơ với việc này.

Thư rác gây ra khá nhiều phiền toái cho người nhận. Ở góc độ kỹ thuật, thư rác khiến người dùng lãng phí thời gian để xóa thư rác; lãng phí thiết bị lưu trữ; lãng phí băng thông; lãng phí thời gian của quản trị viên hệ thống IT và thậm chí còn tạo ra tấn công từ chối dịch vụ. Nhưng hơn hết, có một tác hại không kém phần nghiêm trọng nữa đó là uy tín của các cá nhân hoặc các tổ chức/cơ quan sẽ bị ảnh hưởng nếu từ các địa chỉ e-mail của họ lại gửi đi các hình ảnh, nội dung xấu hoặc vô tình tấn công vào hệ thống e-mail của người khác bằng cách gửi thư rác.

Tác hại nghiêm trọng là vậy song ông Thạch cũng nhận định, còn người sử dụng e-mail thì spam còn tồn tại. Vì dù rằng có rất nhiều biện pháp kỹ thuật chống spam nhưng cũng như các vấn đề an ninh khác, con người vẫn là yếu tố quyết định nhất trong việc chống spam. Và Việt Nam rất cần có một hành lang pháp lý để kiểm soát việc gửi thư điện tử nhằm quảng cáo.

Quản lý và hạn chế vấn nạn spam: đã rất bức thiết!

Không riêng gì ông Thạch, đông đảo các đại biểu tham gia buổi hội thảo xin ý kiến đóng góp cho bản dự thảo xây dựng thông tư đều đồng tình rằng, đã rất cấp thiết cho việc ra đời một văn bản quy phạm có khả năng quản lý được vấn nạn spam hiện nay.

Góp ý cho bản dự thảo, ông Phạm Thành Long - Giám đốc công ty Luật gia Phạm đã cho rằng, tên gọi của thông tư thì rộng nhưng lại chỉ quy định về những hành vi liên quan tới spam trên thư điện tử là chủ yếu. Và bản dự thảo lần này mới chỉ nhằm điều chỉnh các thương nhân hoạt động thương mại, tổ chức, cá nhân hoạt động liên quan đến thương mại sử dụng phương tiện điện tử để tiến hành quảng cáo thương mại hoặc kinh doanh dịch vụ quảng cáo thương mại. Nên chăng, cần phải điều chỉnh hành vi của cả các ISP cung cấp dịch vụ vì chính họ cũng là những người đủ năng lực, công nghệ và đủ thẩm quyền để có thể ngăn chặn được thư rác. ISP phải có trách nhiệm đối với những khách hàng sử dụng dịch vụ do họ cung cấp. Họ phải giúp đỡ, loại bỏ các hành vi gửi thư rác của các spammer ... Do đó cũng cần phải có chế tài xử phạt các ISP không có hành vi như ngăn chặn thư rác... khi có khiếu nại của khách hàng. Trong bản dự thảo, mới chỉ quy định trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ thư điện tử và điện thoại di động cũng như doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ QCTM chứ chưa điều chỉnh hành vi của họ.

Phản hồi lại ý kiến của ông Long, Vụ Phó vụ Thương mại điện tử Trần Thanh Hải đã cho biết, đúng là phạm vi của thông tư so với tên gọi có sự chênh lệch. Trước khi xây dựng nội dung dự thảo của thông tư, Ban soạn thảo cũng đã tham khảo cũng như trao đổi với các chuyên gia, thậm chí còn đưa lên cả diễn đàn xin ý kiến. Ban đầu, ban soạn thảo cũng có ý định đưa vào thông tư những hình thức quảng cáo khác nhau kể các những hình thức quảng cáo sử dụng công nghệ mới nhất ví dụ như quảng cáo qua chat... Và ban soạn thảo đã rút lại, chỉ đưa vào thông tư những vấn đề quảng cáo đang gây bức xúc nhất đối với xã hội trong bối cảnh hiện tại mà thôi. Trước hết đó là thư điện tử, rồi tới tin nhắn trên điện thoại di động và cuối cùng mới tới những trang tin điện tử.

Hình thức pháp lý của văn bản: băn khoăn giữa nghị định và thông tư!

Ông Lê Hồng Hà - đại diện Hội tin học Việt Nam lại quan tâm tới hình thức của văn bản nên là một thông tư liên tịch thì hợp lý hơn thay vì chỉ là thông tư do Bộ Thương mại tự mình xây dựng. Ông Hà cho rằng, phạm vi điều chỉnh của thông tư này dự kiến chỉ là những hoạt động quảng cáo trên các phương tiện điện tử, trong khi đó, nhà nước cũng đã ban hành pháp lệnh về quảng cáo. Nên đây là một thông tư liên tịch thì có vẻ hợp lý hơn. Ông cho rằng, về mặt nhà nước, Bộ Văn hoá thông tin là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý các hoạt động quảng cáo trên toàn quốc trong khi đó ở thông tư này chúng ta chỉ điều chỉnh một phần trong số các hoạt động quảng cáo đó thì không có lý gì không có sự tham gia xây dựng của Bộ Văn hoá thông tin.

Một đại biểu khác bổ sung, vấn đề quản lý thư rác liên quan rất chặt đến các biện pháp kỹ thuật cho nên để các biện pháp quản lý đưa ra ở đây đem lại hiệu quả thì quy định về các nhà cung cấp dịch vụ thư điện tử đặc biệt là nên có những quy định chi tiết một chút về các chỉ tiêu kỹ thuật hoặc những tiêu chí đáp ứng tối thiểu trong quá trình cung cấp dịch vụ thư điện tử để ngăn chặn được phần nào đó thư rác. Rồi để quản lý được những nhà cung cấp dịch vụ, đại biểu này cho rằng cần phải có sự tham gia của Bộ Bưu chính Viễn thông.

Đại biểu của Bộ Tư pháp lại cho rằng, ngay cả hình thức thông tư hay thông tư liên tịch cho bản dự thảo này cũng chưa thực sự ổn mà nên làm thành một nghị định thì tính khả thi sẽ cao hơn rất nhiều. Vì nếu như là thông tư hay thông tư liên tịch, vấn đề quảng cáo thương mại có liên quan đến rất nhiều doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Không chỉ cần có sự tham gia của Bộ Thương mại, Bộ Văn hoá thông tin, Bộ Bưu chính Viễn thông mà ngay cả các Bộ như Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mà thậm chí cả Bộ Kế hoạch đầu tư,... vì văn bản còn điều chỉnh cả những cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài có hoạt động tại Việt Nam. Với chừng ấy các Bộ tham gia thì nếu xây dựng một thông tư hay thông tư liên tịch đều rất khó khả thi.

Tháng 12 năm 2003, Anh đã giới thiệu một dự luật cấm e-mail gửi từ doanh nghiệp tới người nhận cá nhân mà không có sự cho phép từ phía họ. Chỉ thị về Thông tin điện tử và bảo mật cá nhân của Liên minh châu Âu cũng đã được ban hành trước đó, vào tháng 7 năm 2002. Luật CAN-SPAM (Controlling the Assault of Non-Solicited Pornography and Marketing) của Mỹ năm 2003 chính thức có hiệu lực từ tháng 1 năm 2004, hứa hẹn đàn áp thẳng tay vấn nạn thư rác bằng việc đưa ra các khung hình phạt dân sự cứng rắn, thậm chí là kết án tù cho những spammer phạm tội nặng. Luật thư rác năm 2003 của Úc, có hiệu lực kể từ tháng 4 /2004 cũng là một phần trong chiến dịch phối hợp nhiều tầng, nhiều ngành bao gồm khung hình luật, giải pháp kỹ thuật và quan hệ hợp tác chiến lược với các tổ chức trong ngành công nghệ. Và người dùng Việt Nam cũng đang chờ một văn bản pháp lý tương tự để không bị thư rác quấy rầy dù vẫn phải "sống chung" với nó.

Thuỷ Nguyên

Thứ Hai, 21/08/2006 10:56
31 👨 158
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp