Qua tuần trăng mật với Apple, Intel chê iPhone thậm tệ!

Tình cảm Intel - Apple "mặn nồng" nay còn đâu? Intel có vẻ vừa quyết định liệt iPhone vào danh sách các ĐTDĐ "không chạy được đầy đủ Internet" vì... không chịu dùng chip Intel

Phó chủ tịch Intel Shane Wall tại hội thảo IDF Đài Loan ngày hôm qua không ngớt lời chê bai điện thoại iPhone: "Điểm yếu của Intel không nằm ở Apple, mà từ ARM".

Intel vốn được "biết tiếng" sau lời tuyên bố mọi chip dựa trên nền tảng kiến trúc ARM đều không đủ mạnh để "trải nghiệm một Internet đầy đủ". Thế nên, quyết định liệt cả iPhone vào danh sách này quả là bất ngờ. Theo ngài phó chủ tịch Intel, iPhone "bó tay" trước "bất kì ứng dụng nào đòi hỏi năng lực xử lý" - chiếc smartphone này thành công chỉ nhờ giao diện đa cảm ứng tuyệt vời cũng như tài tiếp thị của giám đốc Steve Job.

Lễ kí kết hợp đồng sử dụng chip Intel cho các máy Mac của Apple, 2006

Nói rõ hơn, Intel đang cố gắng bắt kịp dòng chảy công nghệ vào lĩnh vực di động một cách muộn màng, đưa kiến trúc x86 truyền thống của mình đối đầu với kiến trúc ARM vốn đang thống trị 90% thị trường mobile phone toàn cầu. Intel "mạnh mồm" khẳng định Internet ngày nay dựa trên nền tảng PC vốn chạy bằng các chip xây dựng trên kiến trúc x86 của Intel, vì thế x86 cũng sẽ là giải pháp duy nhất dành cho các điện thoại đa chức năng của tương lai.

Nhưng không phải ai cũng đồng ý với Intel. Engadget, một blog công nghệ khá nổi tiếng, bình luận dù Intel có chê bai thế nào, rất ít người phàn nàn về việc iPhone không thể chạy được "Internet đầy đủ". Intel cực lực chỉ trích iPhone kém cỏi không hiển thị được nội dung Flash, nhưng thực tế nằm ở bản thân Apple hơn là hạn chế phần cứng. Mặc dù nhiều nguồn tin cho thấy Adobe đã có sãn phiên bản Flash Lite dành riêng cho iPhone, chính giám đốc điều hành Steve Job của Apple từ chối sự nhiệt tình này do cho rằng Flash không đủ cho iPhone!

Khi lần đầu tiên tuyên bố "ĐTDĐ dùng chip ARM không đủ mạnh để lướt web", Intel từ chối cho biết tên các mobile phone hãng dùng kiểm chứng vì "không muốn làm người khác xấu hổ". Vào lúc đó, Intel hẳn vẫn mộng tưởng có thể kéo Apple về phía mình khi chip Moorestown ra mắt, cũng như còn đang "tràn trề hi vọng" sau thành công "chèo kéo" máy Mac từ dùng chip IBM chuyển sang Intel.

Nhưng hoá ra, Apple không hề muốn bị "gả bán" cho Intel. Thay vào đó, hãng đặt cược vào kiến trúc ARM bằng hợp đồng với hãng P.A. Semi, lên kế hoạch dùng chip mới này trong các iPhone và iPod touch thế hệ tiếp theo. Tiếp đó, Apple "làm ngơ" chip đồ hoạ tích hợp của Intel trong MacBook mới để quay sang Nvidia, gián tiếp nhấn mạnh Intel "chưa là gì cả" trong lĩnh vực đồ hoạ.

Vậy nên, không có gì ngạc nhiên khi "bỗng dưng" iPhone biến thành ví dụ điển hình của loại điện thoại đa chức năng không đáp ứng được yêu cầu sử dụng, như Shane Wall hùng hồn tuyên bố. Khổ nỗi, giới phát triển phần mềm, khách hàng, và nhà cung cấp dịch vụ di động đều... chẳng coi lời Intel ra gì. Các chip dùng kiến trúc ARM đã có mặt trong hàng tỉ mobile phone từ trước tới nay, và sẽ có mặt trong hàng tỉ mobilphone nữa trong nhiều năm tới.

Thứ Năm, 23/10/2008 14:49
31 👨 323
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp