Phục hồi sau khủng hoảng

Sau vụ tai tiếng hồi tháng Chín năm ngoái, tập đoàn Hewlett-Packard (HP) đã nhanh chóng hồi phục với giá cổ phiếu tăng hơn 40% trong vòng một năm (từ 36,50 đô-la Mỹ lên 51,51 đô-la – tính đến 16-10 vừa qua). Phóng viên William J. Holstein của tờ New York Times đã phỏng vấn ông MARK HURD, Chủ tịch Hội đồng quản trị của HP, về những chiến lược phát triển công ty này.

Tổng giám đốc Mark Hurd đã được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng quản trị thay thế bà Patricia C. Dunn ngay sau khi việc bà thuê người theo dõi các giám đốc trong ban điều hành và một số phóng viên bị báo chí phanh phui hồi đầu tháng Chín năm ngoái. Vụ tai tiếng này đã gây nhiều khó khăn cho HP, một công ty luôn tự hào về hành vi đạo đức của mình.

Tuy nhiên, dưới thời của Mark Hurd, tập đoàn sản xuất linh kiện máy tính và máy in này đang ngày càng phát triển. Ông tin rằng HP sẽ có khả năng cạnh tranh tốt không những trong lĩnh vực máy tính và máy in mà còn trong cả lĩnh vực phần mềm nữa.

W. HOLSTEIN: Những yếu tố chủ yếu nào trong cách quản lý của ông cho phép ông ổn định HP sau khi Carly Fiorina (*) ra đi?

Ông Mark Hurd

MARK HURD: Chúng tôi làm việc dựa trên ba yếu tố: chiến lược, các mô hình hoạt động và con người. Nếu bạn có một chiến lược đúng đắn, nếu công ty thực hiện tốt chiến lược đó và nếu bạn có những nhân viên giỏi và nhiệt tình thì mọi việc nói chung sẽ diễn ra một cách tốt đẹp.

Vậy điều quan trọng là chỉ tập trung vào những yếu tố cơ bản này?

- Đúng vậy. Bạn phải có một mô hình hoạt động thỏa mãn hai điều kiện: cho phép khách hàng giao dịch với công ty một cách dễ dàng và cho phép nhân viên thực hiện nhiệm vụ của họ. Cho dù có một chiến lược hoàn hảo, nhiều công ty vẫn gặp nhiều thách thức nếu như việc thực hiện hai điều kiện nói trên là quá khó hoặc quá phức tạp.

Điều đó rất đúng khi bạn điều hành một công ty có quy mô lớn như HP. Điều quan trọng là đừng để những yếu tố phức tạp len lỏi vào trong guồng máy của chúng ta.

Sau vụ tai tiếng vào tháng Chín năm ngoái và tiếp theo đó là sự ra đi của nhiều thành viên trong ban lãnh đạo, kể cả sự từ chức của Chủ tịch Patricia Dunn, ông đã phải bổ nhiệm năm giám đốc mới. Vậy triết lý của ông trong việc bổ nhiệm này là gì?

- Thành lập một ban giám đốc cũng giống như thành lập một đội ngũ làm việc. Bạn cần tìm những người tài giỏi, có kiến thức chuyên môn cao để phát triển công ty. Chúng tôi đã cố gắng chọn những thành viên nhiệt tình và yêu thích ngành kỹ thuật mà HP đang hoạt động trong đó.

Thế tại sao ông lại chọn một người trong ngành tài chính-ngân hàng như Ken Thompson, Tổng giám đốc của Wachovia Corporation?

- Dịch vụ tài chính là một phân khúc thị trường rất hấp dẫn đối với HP. Đó là một lĩnh vực mà người nào am hiểu về nó mới có thể đảm đương được. Bên cạnh đó, bản cân đối tài chính của HP bao gồm rất nhiều thứ nên chúng tôi cần có sự chuyên môn và những lời tư vấn về những vấn đề liên quan đến tài chính. Những người có tài lãnh đạo có thể làm ở nhiều ngành nghề khác nhau.

Ông làm thế nào để sửa đổi nền văn hóa trong ban giám đốc và tái lập lòng tin ở mọi người sau khi một số thành viên ban lãnh đạo của công ty đã phải ra đi một cách chua chát?

- Nền văn hóa trong ban giám đốc được tạo nên từ chính những giám đốc mà bạn bổ nhiệm, và không thể thiếu một kênh thông tin liên lạc giữa họ với nhau. Bạn có thể tập hợp những người giỏi nhất nhưng nếu bạn không xem họ như là một nhóm, không nói cho họ biết mục tiêu của bạn và cả những khó khăn còn tồn đọng một cách rõ ràng và minh bạch, bạn sẽ không có hiệu suất làm việc cao nhất từ họ.

Việc cạnh tranh với công ty sản xuất thiết bị vi tính Dell sẽ là như thế nào?

- Dĩ nhiên chúng tôi chú ý đến họ như là một đối thủ cạnh tranh. Nhưng hiện nay chúng tôi đang tập trung vào HP và điều chúng tôi cần phải làm là tạo ra giá trị cho khách hàng.

Trong ba năm qua, trên cương vị tổng giám đốc HP, ông đã mua lại 21 công ty, phần đông là những doanh nghiệp sản xuất phần mềm. Ông có định đẩy mạnh sự cạnh tranh trực tiếp hơn nữa với hãng IBM trong lĩnh vực này hay không?

- Nếu nhìn vào HP ngày hôm nay bạn sẽ thấy hơn 50% chi tiêu về nghiên cứu và phát triển của chúng tôi là dành cho phần mềm. Khoản chi tiêu đó không chỉ được dùng trong việc kinh doanh phần mềm mà còn để phát triển những phần mềm dùng cho phần cứng của chúng tôi.

Việc mua lại nhiều công ty phần mềm là một trong những trọng tâm của HP. Chúng tôi tin rằng việc kinh doanh phần mềm của chúng tôi sẽ chiếm vị trí thứ sáu trong những công ty phần mềm lớn nhất trên thế giới. HP sẽ trở thành một doanh nghiệp phần mềm đáng kính nể.

Điều này sẽ đặt ông vào vị thế cạnh tranh với hãng IBM về nhiều mặt, phải không?

- Chúng tôi cạnh tranh với nhiều người. Chúng tôi đang cố gắng hết sức để trở thành một đấu thủ trong lĩnh vực phần mềm quản lý để giúp khách hàng điều hành doanh nghiệp của họ. Họ muốn giảm chi phí cho cơ sở hạ tầng nên cần những phần mềm để quản lý nó. HP muốn dẫn đầu trong lĩnh vực này.

Đăng Thiều

Thứ Hai, 05/11/2007 16:07
31 👨 191
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp