Phát triển gia công phần mềm: Cần hành động cụ thể

Đã có không ít bài báo phản ánh thực trạng bế tắc trong phát triển ngành gia công phần mềm Việt Nam (GCPMVN), câu hỏi lớn được đặt ra là vì sao ngành công nghiệp này được cả Nhà Nước và doanh nghiệp ủng hộ nhưng phát triển vẫn chưa xứng tầm?

Mặc dù được kỳ vọng rất nhiều nhưng sau hơn 6 năm, các chỉ số phát triển của ngành GCPMVN vẫn dậm chân tại chỗ. Nếu ở Ấn Độ và Trung Quốc, 2 cường quốc lớn về GCPM mà VN muốn noi theo, chỉ sau 5 năm phát triển, số các doanh nghiệp (DN) GC đi từ 0 đến 5000 lập trình viên (LTV) là 5-10 công ty với tốc độ tăng trưởng vài trăm phần trăm mỗi năm thì tại VN gần đây mới có duy nhất công ty FPT đạt 1500 LTV. Tốc độ tăng trưởng chung của hầu hết các công ty GC ở VN rất chậm. Số các công ty đạt hơn 500 LTV chỉ đếm trên đầu ngón tay, hầu hết là những DN quen thuộc có vốn đầu tư nước ngoài hoặc của Việt kiều, tập trung tại Tp.HCM, như PSV, TMA, Global CyberSoft... Phần lớn các công ty GCPMVN còn lại chấp nhận tình trạng hợp đồng nhỏ giọt và có thể "đứt gánh" bất cứ lúc nào.

Lý giải sự phát triển chậm chạp của ngành công nghiệp này tại Việt Nam, ông Nguyễn Hữu Lệ, chủ tịch hội đồng quản trị TMA đã chỉ ra 3 yếu tố hạn chế từ phía DN là: có rất ít DN VN tạo được bản sắc GC riêng, phần lớn chỉ lựa chọn những công nghệ và lĩnh vực phổ biến mà ai làm cũng được. Vấn đề muôn thuở khác là do các DN VN thiếu vốn nên thiếu khả năng đầu tư (hoặc đầu tư chưa đúng mức) vào tiếp thị nên chưa tiếp cận được các khách hàng lớn và không tạo được nguồn công việc ổn định. Cuối cùng là vấn đề nhân lực quản lý cấp cao. Theo ông Lệ, một công ty muốn phát triển cần phải có một bộ máy quản lý chứ không thể chỉ dựa vào một vài chuyên gia kỹ thuật như hầu hết các công ty nhỏ hiện nay.

Kinh nghiệm từ các cường quốc như Ấn Độ, Trung Quốc cho thấy, muốn GCPM thành công không thể thiếu vai trò định hướng và hỗ trợ của Nhà Nước (NN). Ở VN, không hẳn NN không quan tâm và đầu tư cho ngành PM nói chung và GCPM nói riêng. Cho đến nay, khá nhiều công ty CNTT và PM đã nhận được sự hỗ trợ của NN, chủ yếu là hỗ trợ mặt bằng, đất đai với giá ưu đãi. NN cũng đã có chủ trương xây dựng một loạt các trung tâm PM tại Hà Nội và TP.HCM. Tuy nhiên, kết quả ngành CNPM VN nói chung và GCPM nói riêng vẫn yếu và thiếu về nhiều mặt: nhân lực, công nghệ, quản lý và tiềm lực tài chính. Có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng trong đó có một phần quan trọng là sự hỗ trợ chưa thực sự phát huy tác dụng. Theo một nghiên cứu của dự án "Nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam" do VNCI (thuộc Cơ Quan Hỗ Trợ Phát Triển Quốc Tế Hoa Kỳ) thực hiện năm 2005, các chính sách hỗ trợ của NN đối với DNPMVN hiện nay tỏ ra ít hiệu quả, chưa đúng hướng. Thậm chí, do cơ chế kiểm soát đầu tư không chặt chẽ nên một số công ty đã dùng lợi thế được hỗ trợ mặt bằng của NN để kinh doanh bất động sản, hoặc chuyển nhượng cho các công ty khác thuê mà không đầu tư phát triển tiềm lực CNTT . Trong khi đó, việc xây dựng các khu công nghiệp PM của NN, ngoài thế mạnh tập trung, hầu như không tạo ra ưu đãi đặc biệt gì cho DN.

Ông Ngô Hùng Phương, tổng giám đốc Paragon Solutions Vietnam (tên mới là First Consulting Group - FCG) nhận xét: "Vấn đề không nằm ở việc tìm ra giải pháp. Điều này đã được bàn bạc nhiều và đã khá rõ ràng, chẳng hạn như giải pháp phát triển nhân lực cho ngành. Vấn đề ở chỗ NN cần thực hiện các giải pháp một cách quyết liệt với tinh thần gấp rút hơn nữa vì không còn nhiều thời gian".

Cùng quan điểm đó, ông Lê Xuân Hải, giám đốc VietSoftware International cho rằng: "NN đã nhận thức được cần phải hỗ trợ thì ngành PM mới phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh. Nhưng vấn đề là hỗ trợ như thế nào cho hiệu quả và đúng hướng".

Có hai hướng hỗ trợ được các DN PM tập trung khuyến cáo là: hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; và hỗ trợ công ty nâng cao năng lực cạnh tranh. Để hỗ trợ hiệu quả, nhiều ý kiến cho rằng nên hình thành các chương trình hỗ trợ hoặc gây dựng một quỹ hỗ trợ cụ thể. Quỹ hỗ trợ không nên tồn tại dưới dạng "cấp không", mà cần phân phối qua hình thức cho vay ưu đãi cho cá nhân và DN.

Để phát triển nguồn nhân lực, song song với việc hô hào xã hội hóa giáo dục để có thêm nhiều trường đào tạo về CNTT, nên hình thành quỹ hỗ trợ đào tạo phát triển nguồn nhân lực từ nguồn ngân sách NN tương tự như một số nước vẫn làm. Quỹ có thể hỗ trợ cá nhân hoặc các công ty hoạt động trong lĩnh vực đào tạo CNTT, PM vay vốn đào tạo với lãi suất thấp. Đối với học viên có thể áp dụng hình thức cho vay học phí và trả sau khi đi làm như mô hình Đại Học FPT. DN GCPM có thể được vay để cải thiện và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đạt chuẩn quốc tế.

Quỹ cũng có thể coi việc phát triển GCPM là một dự án thương mại lớn để đề ra chính sách hỗ trợ và khuyến khích. Ví dụ hỗ trợ các hoạt động tiếp thị và quảng bá hình ảnh thương hiệu VN đối với các thị trường GC lớn, hỗ trợ cơ hội xây dựng các liên doanh GC giữa VN với nước ngoài...

Ông Lệ cho rằng Việt Nam cũng nên lập một cơ quan chuyên trách về GCPM để thực hiện các mục tiêu đề ra thay vì có nhiều cơ quan tham gia như hiện nay. Cơ quan này sẽ đảm nhiệm chức năng đề xuất các chính sách khuyến khích phát triển ngành, thậm chí thực hiện chức năng quảng bá và thu hút các công ty hàng đầu thế giới đến VN đầu tư.

Trong khi NN đang có nhiều chiến lược "mạnh tay" cho các ngành công nghiệp sản xuất ở Việt Nam như dệt may, sản xuất ô tô, thì sự quan tâm của NN với ngành PM đang dừng ở việc ra chính sách mà chưa có hành động hay đầu tư cụ thể. Đầu tư cho công nghiệp PM được đánh giá là có thể đem lại hiệu quả xã hội lớn gấp nhiều lần so với bất cứ ngành nào. Do vậy, nếu chỉ chờ đợi nỗ lực của mỗi DN thì Việt Nam không thể có sự phát triển đột phá để đạt tới mục tiêu tham vọng 1 tỷ USD cho GCPM như đã đề ra.

Thứ Tư, 15/11/2006 13:32
31 👨 129
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp