Phần mềm iPhone của Cisco cũng xâm phạm bản quyền

Vừa mới cáo buộc hãng Apple “ăn cắp” thương hiệu iPhone, Cisco Systems đã lại bị một chuyên gia mã nguồn mở thẳng thắn cáo buộc tội danh xâm phạm bản quyền phần mềm nguồn mở được sử dụng trên chính dòng điện thoại iPhone của hãng này.

Cisco kiện Apple, GPL kiện Cisco

Anh Armijin Hemel, cố vấn hãng Loohuis Consulting cho biết, tới nay Cisco vẫn chưa công bố những mã nguồn được sử dụng trong một số thành phần của phần mềm WIP300 iPhone theo thoả thuận đăng ký sử dụng phần mềm mã nguồn mở. Armijin Hemel còn là thành viên của đội điều hành GPL Violations Project (Dự án chống xâm phạm GPL), một tổ chức chuyên phát hiện và tố cáo những hành vi lạm dụng các giấy phép GPL và khởi tố những cá nhân, tổ chức có vi phạm.

Phần mềm WIP300 iPhone được xây dựng trên nền tảng Linux và Cisco đã đồng ý tuân thủ những điều khoản trong giấy phép GPL mã nguồn mở để có thể sử dụng phần mềm này. Nhưng nếu thế, Cisco sẽ phải công bố loại mã mà hãng này phát triển trong điện thoại iPhone.

Khái niệm mã nguồn mở

Các chuyên gia công nghệ cho biết, những người dùng phần mềm mã nguồn mở - bất kể tổ chức hay cá nhân - đều có xu hướng không công bố những phát triển của họ. Cũng có khi vì họ hiểu sai về phương thức hoạt động của các phần mềm mã nguồn mở, nhưng điều này cũng phản ánh một thực tế, việc phổ biến các mã là một công đoạn phiền toái và tốn kém.

Anh Hemel đã tải xuống chương trình cơ sở của điện thoại WIP300 rồi biên dịch ngược lại mã nguồn, quá trình đó được đảm bảo tính hợp pháp với sự giám sát của một luật sư. Nhờ đó, anh phát hiện thấy tập đoàn Cisco đã “lờ đi” không chia sẻ loại mã của một vài chương trình trong điện thoại, kể cả thiết bị công nghệ nhớ (Memory Technology Device) hãng này dùng để lập dùng thẻ nhớ Flash.

Không dừng ở đó, Hemel còn phát hiện nhiều lần “quên” như thế trong các sản phẩm khác của Cisco, anh đã liên lạc với hãng này để bố trí gặp mặt trao đổi. Anh cho biết đã liên hệ với Linksys, chi nhánh của Cisco tại Hà Lan.

Và theo như lời của Hemel, cuối cùng anh cũng nói chuyện được với các đại diện của Cisco hôm 30/10/2006, họ rất cởi mở. Sau đó, Cisco cũng đã chấp thuận sửa chữa những thiếu sót trong loạt sản phẩm mà Hemel chỉ ra, đó là thiết bị lưu trữ EFG250, một camera Internet và một router.

Tuy nhiên, Hemel khẳng định, Cisco vẫn chưa công bố loại mã có liên quan trong phần mềm WIP300 iPhone. Anh cho rằng giờ đã là lúc anh quyết định công bố những phát hiện của mình. Anh nói: “Nói ra lúc này là hợp lý. Bởi có ai đó đang một mực bảo rằng Apple “đánh cắp” tài sản của Cisco, nhưng thực tiễn thì chính họ cũng đang có hành vi xâm phạm bản quyền”.

Tuần qua, Cisco đã chính thức khởi kiện Apple về tội xâm phạm thương hiệu của hãng này sau khi ông chủ của “Quả táo” trình làng mẫu điện thoại mới iPhone.

Các đại diện phía Cisco vẫn chưa trả lời các cuộc điện thoại hay email đề nghị cho biết phản ứng về vụ việc này.

Cisco không phải là hy hữu

Nếu nói Cisco đã vi phạm các điều khoản của giấy phép GPL với dòng điện thoại iPhone thì hẳn đây không phải tội danh riêng hãng này phạm phải. “Điều này vẫn thường xuyên xảy ra”, ông Shan Coughlan, điều phối viên lực lượng đặc nhiệm tự do của Quỹ phần mềm miễn phí châu Âu khẳng định. Rất nhiều cơ quan, tổ chức không hiểu đầy đủ về khái niệm phần mềm miễn phí và thường không có những chính sách phù hợp để tuân thủ các thoả thuận đăng ký sử dụng phần mềm.

Từ đó, việc không tuân thủ điều khoản của giấy phép sử dụng mã nguồn mở sẽ dẫn tới hàng loạt hậu quả. Tới nay, dự án GPL Violations đã buộc100 trường hợp vi phạm phải chấp hành những điều khoản trong thoả thuận cấp phép.

Đó là chưa kể, cũng theo ông Coughlan, cá nhân nào có đóng góp xây dựng phần mềm khi phát hiện ai đó sử dụng phần mềm cho mục đích không đúng đắn đều có quyền truy tố và đòi bồi thường về tội xâm phạm bản quyền.

Thứ Sáu, 19/01/2007 13:27
31 👨 89
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp