Outsource CNTT: Thị trường rộng mở

Hoạt động gia công công nghệ thông tin ngày nay hướng tới chất lượng chứ không chỉ nhằm tiết kiệm chi phí. Ai sẽ vượt lên trong cuộc đua đang chuyển hướng này?

Có một thời người ta nói nhiều tới “cuộc đua tới đáy” (race to the bottom) trong ngành gia công (outsource) công nghệ thông tin, trong đó các doanh nghiệp, các quốc gia tranh nhau giành đơn hàng bằng cách giảm giá dịch vụ tối đa dựa trên lợi thế chủ yếu là lao động rẻ. Tình trạng đó chưa hẳn đã kết thúc song xu hướng nay đã thay đổi: các tập đoàn đa quốc gia không chỉ đặt gia công ở các nước “dưới đáy” mà tới những nơi công việc được hoàn thành với chất lượng cao nhất. Kẻ chiến thắng trong cuộc đua mới này là người cung cấp được dịch vụ chất lượng cao nhất với giá cả hợp lý nhất.

Thị trường outsource ngày càng thu hút nhiều “tay chơi” và loại hình dịch vụ ngày càng đa dạng. Theo Công ty tư vấn A.T. Kearney, hiện có khoảng 55 quốc gia, từ Việt Nam đến Ba Lan và Brazil, tranh nhau làm “điểm cung ứng dịch vụ” cho các tập đoàn đa quốc gia. Lĩnh vực outsource cũng mở rộng, từ các dịch vụ truyền thống như trung tâm trả lời khách hàng (call-center), trung tâm hậu cần (back-office), sang các lĩnh vực mới và đa dạng như tư vấn, pháp lý và y khoa ; thậm chí cả thiết kế, kiến trúc.

Công ty Dữ liệu quốc tế IDC dự báo, chỉ bốn năm nữa doanh số của thị trường outsource toàn cầu sẽ là 37,8 tỷ đô-la Mỹ, gấp đôi so với năm ngoái. Miếng bánh ngon đó không chỉ dành cho các doanh nghiệp ở các nước nghèo. Ngay cả các “ông lớn” như tập đoàn IBM cũng đã thành lập bộ phận outsource riêng của mình, đặt tại các nước đang phát triển. Tại Ấn Độ, bộ phận dịch vụ outsource của ba công ty Mỹ - IBM Global Services, Accenture và Electronic Data Services - đã sử dụng đến 100.000 chuyên viên công nghệ thông tin và gây sức ép nặng nề cho các doanh nghiệp địa phương.

Tình hình nói trên làm cho thị trường outsource vừa cạnh tranh quyết liệt vừa phức tạp, không còn theo mô hình đơn giản là các doanh nghiệp phương Tây “xuất khẩu” những công việc phải trả lương cao sang các nước đang phát triển. Ông Nandan Nilekani, Tổng giám đốc điều hành Công ty Infosys (Ấn Độ), nhận xét: “Các công ty khôn ngoan coi hoạt động outsource không đơn thuần là chuyện giảm chi phí mà còn là một hướng đi chiến lược nhằm thay đổi mô hình kinh doanh của doanh nghiệp.”

Ấn Độ vẫn đang là người dẫn đầu cuộc đua. Trong thập niên vừa qua, doanh số ngành outsource của Ấn đã tăng gấp mười lần, chiếm hơn 80% khối lượng và giá trị outsource trên toàn cầu. Trong thập niên tới Ấn Độ có thể vẫn duy trì vị trí dẫn đầu vì ngành outsource của nước này vẫn đang tăng trưởng ở tỷ lệ hai con số ; thậm chí những doanh nghiệp hàng đầu như Wipro, Tata Consultancy và Infosys còn tăng trưởng nhanh hơn mức tăng của thị trường. Mười năm trước ba công ty này chưa hề có mặt trên thị trường chứng khoán nhưng nay giá trị cổ phiếu của mỗi công ty đều đã vượt quá 20 tỷ đô-la.

Có nhiều yếu tố tạo nên sự thành công của Ấn Độ mà đáng kể nhất là nỗ lực của các doanh nghiệp. Một thời khiêm tốn và cam chịu làm thuê cho các tập đoàn Anh, Mỹ song nay nhiều công ty Ấn Độ đã biến thành tập đoàn đa quốc gia. Chuyên viên của các công ty này được đào tạo nâng cao kỹ năng một cách nhanh chóng để có thể cung cấp dịch vụ chất lượng cao cho những khách hàng khó tính ở phương Tây.

Hơn thế nữa, sau hơn mười năm miệt mài đóng góp chất xám cho ngành công nghệ thông tin phương Tây, các doanh nghiệp gia công của Ấn Độ đã tạo dựng được uy tín và niềm tin. Giờ đây họ không chỉ hoạt động ở trong nước mà còn đưa dịch vụ tới tận bản doanh của khách hàng. Công ty Wipro chẳng hạn, vừa bỏ ra 600 triệu đô-la mua lại Công ty Infocrossing làm cơ sở tại Mỹ ; AppLabs - một công ty Ấn Độ chuyên thử nghiệm phần mềm cho các đại gia như Sun Microsystems và Cisco - mới sáu năm tuổi nhưng đã có 1.900 chuyên viên, trong đó có 400 người làm việc tại Anh và Mỹ với mức lương tương đương chuyên viên bản xứ.

Nhiều nước khác đang cố gắng đuổi theo Ấn Độ. Philippines chẳng hạn, đã trở thành thị trường gia công hàng đầu trong lĩnh vực tài chính kế toán nhờ đội ngũ nhân viên thông thạo tiếng Anh và được đào tạo bài bản về kế toán quốc tế. Đảo quốc Mauritius lại có thế mạnh trong việc cung ứng dịch vụ bằng cả hai thứ tiếng Anh-Pháp. Còn các nước Âu châu thích đặt gia công tại Bulgaria và Romania để tránh vi phạm một quy định của EU buộc thực hiện một số công việc trong phạm vi biên giới châu Âu.

Để duy trì vị trí dẫn đầu, các doanh nghiệp Ấn Độ bắt đầu “tái xuất khẩu” các hợp đồng outsource sang các nước có giá lao động rẻ hơn. Trong thực tế Ấn Độ đã từ bỏ lợi thế lao động rẻ vì lương chuyên viên của họ cũng đã tăng lên nhanh. Lương của một chuyên viên công nghệ thông tin Ấn Độ chỉ bằng 1/10 so với người đồng sự tại Mỹ nhưng đã cao gấp hai, ba lần người đồng sự ở Trung Quốc hoặc Việt Nam.

Theo xu thế mới này, Satyam Computer Services - một công ty Ấn Độ chưa tới 10 năm tuổi, đã mở trung tâm dịch vụ outsource tại Malaysia, Brazil và Trung Quốc, hiện đã có kế hoạch mở chi nhánh tại Cộng hòa Czech, Nga, Việt Nam và Thái Lan. Như vậy từ một nước chuyên nhận gia công, Ấn Độ bắt đầu trở thành nước xuất khẩu công việc. Những nước đi sau như Việt Nam cần chú ý xu hướng này. Tính chất linh hoạt này là hết sức cần thiết để đứng vững trong thị trường outsource toàn cầu nhiều biến động hiện nay.

Thứ Sáu, 19/10/2007 08:08
31 👨 442
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp