Hình phạt cho tội phạm mạng còn nhẹ tay

Tình hình vi phạm trên môi trường mạng ở Việt Nam diễn ra phức tạp nhưng, các qui định pháp luật lại chưa đầy đủ hoặc bất cập.

Các đối tượng gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng chỉ bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm; người vi phạm đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 5-100 triệu đồng.

Trình độ của tội phạm mạng VN chưa cao

Gần đây, các hành vi phạm tội trên môi trường mạng ở nước ta đang có xu hướng gia tăng về số lượng, tính nghiêm trọng.

Trong 6 tháng đầu năm 2007, tình hình virus ở VN ở mức đáng báo động với sự xuất hiện khoảng 124 virus mới, gần 432.000 máy tính bị nhiễm phần mềm gián điệp (spyware), hơn 2,8 triệu máy tính bị nhiễm virus từ cổng giao tiếp USB và qua chương trình hội thoại trên mạng (Yahoo Messenger).

6 tháng đầu năm 2007, gần 432.000 máy tính bị nhiễm phần mềm gián điệp, hơn 2,8 triệu máy bị nhiễm virus.

Cũng trong thời gian này, hàng loạt vụ tấn công vào hệ thống website của các doanh nghiệp như vụ tấn công từ chối dịch vụ (Ddos) vào web thương mại điện tử của Công ty Việt Cơ, hệ thống máy chủ của Công ty Nhân Hòa, VMS Mobifone, VDC.

Nổi cộm nhất trong các cuộc tấn công này là vụ ăn cắp thẻ tín dụng quốc tế bị cơ quan điều tra tội phạm công nghệ cao phát hiện, bắt giữ đầu tháng 1/2008. Gần đây là vụ tấn công vào website chodientu.com khiến doanh nghiệp phải tạm ngưng hoạt động tên miền này một thời gian dài, gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp.

Tuy vậy, trình độ của tội phạm mạng ở Việt Nam chưa cao. Hầu hết các hacker Việt Nam tuổi đời còn khá trẻ và chưa lường hết được hậu quả của hành vi phạm tội. Chúng thường sử dụng công cụ và kỹ thuật “thô sơ” và tất cả đã bị đưa ra ánh sáng. Nguyễn Quang Huy, người bị cáo buộc tấn công website chodientu.com vốn được giới hacker coi là số một, cũng bị bắt với những lỗi sơ đẳng và chủ quan như dùng máy tính tại nhà, không xoá log file khi chiếm quyền điều khiển máy chủ…

Tính chuyên nghiệp của tội phạm mạng thể hiện ở chỗ phần lớn các hành vi phạm tội diễn ra trên môi trường mạng, chứ không chỉ đơn thuần thực hiện trực tiếp trên máy tính của người sử dụng. Chiều hướng sử dụng các chương trình hoặc mã độc đang có xu hướng gia tăng. Sâu máy tính và phần mềm gián điệp đã chiếm tới 70% phần mềm độc hại trên mạng. Tội phạm mạng đang chuyển hướng tấn công sang các doanh nghiệp nhỏ vốn yếu kém trong khâu bảo mật.

Thiệt hại khoảng 90 tỷ đồng/năm

Hậu quả do tội phạm mạng gây ra khá lớn. Ước tính bình quân thiệt hại do virus máy tính gây ra cho mỗi người sử dụng vào khoảng 496.000 đồng/năm. Nếu mỗi máy tính cần khoảng 2 USD để khắc phục hậu quả nhiễm virus thì với 2,8 triệu máy tính bị nhiễm virus con số thiệt hại lên tới 5,6 triệu USD (gần 90 tỷ đồng).

Một trong những nguyên nhân làm gia tăng số lượng, tính nghiêm trọng và tính chất chuyên nghiệp của tội phạm mạng là bởi các qui định của pháp luật về phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này còn thiếu hoặc bất cập. Ba cơ sở quan trọng nhất để bảo đảm công tác phòng, chống tội phạm mạng là con người, hệ thống pháp luật và phương tiện. Khi xảy sự cố máy tính, người sử dụng thường nghĩ đến sự yếu kém của phương tiện mà không chú ý đến kẽ hở của pháp luật về phòng, chống tội phạm mạng có thể bị kẻ xấu lợi dụng phá hoại.

Tình hình vi phạm trên môi trường mạng diễn ra phức tạp nhưng, các qui định pháp luật lại chưa đầy đủ hoặc bất cập. Các đối tượng gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng chỉ bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm; người vi phạm đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính mà còn vi phạm thì chỉ bị phạt tiền từ 5-100 triệu đồng.

Hình phạt như vậy còn nhẹ và không hề tương xứng với thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra. Chính điều này đã làm việc xử lý chưa đạt được nên chưa đạt mục đích điều chỉnh hành vi, trừng trị các đối tượng phạm tội.

Thứ Ba, 06/05/2008 09:06
31 👨 122
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp