Hack Modem ADSL có thực sự dễ như cảnh báo?

Vừa qua, trung tâm an ninh mạng BKIS của ĐHBK HN đã liên tục đưa ra các cảnh báo tình trạng rất nguy hiểm đối với người sử dụng ADSL. Ông Vũ Ngọc Sơn - trưởng phòng Virus BKIS - thì cho biết có 14% trong số 10.000 thuê bao Internet ADSL được khảo sát gặp nguy hiểm.

Theo như phân tích của trung tâm BKIS nguyên nhân là do người sử dụng vẫn sử dụng cấu hình thông số theo mặc định của nhà sản xuất do đó mật khẩu và tên truy nhập vẫn được giữ nguyên hoặc sử dụng các chuỗi ký tự dễ đoán.

Việc trung tâm BKIS đã cảnh bảo liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng là vô cùng có ý nghĩa trong việc nâng cao nhận thức cho người sử dụng. Tuy nhiên thông tin này cũng gây ra hoang mang cho rất nhiều người sử dụng thông thường, tạo ra các ý kiến đánh giá xấu, không đúng mức đối với các nhà cung cấp dịch vụ Internet nên tôi có một số suy nghĩ sau:

1. Hầu hết các nhà cung cấp dịch vụ Internet đều đã có hướng dẫn người sử dụng thay đổi mật khẩu (pwd) và tên truy cập (username). Chứ không phải như GĐ trung tâm BKIS có nói "các ISP không đề phòng vấn đề này".

2. Việc truy cập tấn công cướp quyền điều khiển modem ADSL không hoàn toàn đơn giản mà chỉ thực hiện được khi thỏa mãn cả hai điều kiện sau : - Hacker biết username và password của modem ADSL. - Modem ADSL phải được bật chế độ cho phép điều khiển từ mạng Internet. Qua khảo sát thực tế đúng như trung tâm BKIS cung cấp thì rất nhiều người sử dụng modem ADSL không thay đổi username và pwd tuy nhiên hầu hết các modem dều không bật chế độ cho phép điều khiển từ mạng Internet.

Chúng tôi tiến hành một khảo sát nhỏi trên khoảng 100 modem ADSL của nhiều loại người sử dụng khác nhau (Cơ quan, doanh ngiệp, cá nhân, cửa hàng Internet v.v...) thì chỉ có 1 đối tượng là cửa hàng kinh doanh Internet modem ADSL có khả năng bị tấn công do lỗi không đổi username và pwd.

Tuy nhiên các máy tính tại cửa hàng này không có dữ liệu quan trọng, và tiềm ẩn các nguy cơ khác do việc sử dụng chung máy tính nên lỗi trên không gây bất cứ ảnh hưởng lớn nào tới hoạt động của cửa hàng. Hầu hết các nhà sản xuất modem đều cung cấp chế độ điều khiển từ mạng Internet, nhưng chế độ này luôn mặc định ở chế độ tắt.

Do đó nếu người sử dụng không chủ tâm thay đổi thì hacker không thể tấn công vào modem được. Còn đối với hầu hết người sử dụng chủ định thay đổi tham số này thành cho phép điều khiển modem từ Internet thì hầu hết họ là các chuyên gia, việc sử dụng các username và pwd khá cẩn thận và khó có khả năng mắc sai sót.

Việc ông Vũ Ngọc Sơn trưởng phòng Virus trung tâm BKIS cho rằng "thông số mặc định trên Modem của một số nhà sản xuất lại cho phép tất cả các máy tính trên Internet (bao gồm cả những máy tính ở ngoài cơ quan, chưa được tin tưởng) có thể truy cập vào Modem để thực hiện việc này" là không chính xác vì tất cả các loại modem tôi đã kiểm tra như Netgear, Zoom, Planet, Asus, Justec, Speedcom v.v... đều mặc định cấm chế độ này, do đó người sử dụng không phải quá lo lắng khi sử dụng modem ADSL.

Do đó việc phát biểu như ông Sơn là không rõ ràng, nghi ngờ chất lượng sản phẩm. Việc nâng cao tinh thần cảnh giác với các nguy cơ gây mất an toàn mạng là rất cần thiết, tuy nhiên cũng không nên đưa một vấn đề đi quá xa so với thực tế.

Nguyễn Thanh Quang (Email: seccommen..@gmail.com)

BKIS đã nói quá về nguy cơ...

Chào Quý báo, Tôi làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin và cũng có chút hiểu biết nhất định về mạng. BKIS có lẽ đã nói hơi quá về nguy cơ của việc sử dụng Modem ADSL mà không đổi mật khẩu có lẽ với mục đích gây sự chú ý là nhiều.

Đúng như có một phản hồi của bạn đọc đã phân tích, thường thì các modem không có hoặc không bật thuộc tính cho phép truy cập từ Internet. Ngoài ra, các máy tính nối ra ngoài phải thông qua thủ tục NAT do đó bên ngoài khó có thể truy cập được vào một máy đứng sau modem. Ngoài ra, IP gán cho các đường ADSL này thường là thay đổi sau mỗi lần kết nối nên tìm ra IP cũng khá kỳ công.

Cho nên việc làm hại các máy trong mạng là không thể. Đối với các quán cafe có cung cấp dịch vụ Wifi thì phần lớn đều không đổi mật khẩu của modem.

Tôi cũng đã thử và đều có thể truy cập thành công vào trang quản trị của thiết bị này tại các quán cafe khi kết nối qua Wifi và từ đó tôi có thể dùng chức năng cập nhật phần mềm của modem để làm hỏng modem. Việc quản trị các máy tính trong các mạng tại quán cafe là trách nhiệm của người dùng, không cần phải bàn tới.

Phần lớn các modem chỉ cho phép kết nối tới thông qua trang Web quản trị của nó nên nếu có thể, hacker cũng chỉ có thể phá hoại được phần mềm của modem theo cách mà tôi đã trình bày trên. Việc cảnh báo về nguy cơ cũng là một ý tốt, tuy nhiên cũng cần phải suy nghĩ kỹ trước khi đưa ra những cảnh báo đại loại như thế này.

Tôi cũng phân vân là con số modem ADSL có nguy cơ do BKIS đưa ra dựa trên cơ sở nào? Thống kê theo phương pháp nào? Võ đoán hay đã truy cập được vào số modem đó? (Quang, Email: quangn..@gmail.com)

Thứ Sáu, 08/06/2007 08:47
31 👨 1.677
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp