Google mở chiến dịch quảng cáo hiếm hoi

Google đã quá quen thuộc và nổi tiếng tới mức cái tên của hãng trở thành từ đồng nghĩa với "tìm kiếm". Cũng vì thế, rất hiếm khi Google phải đăng quảng cáo về mình - một việc làm mà hãng luôn nhếch mép là "không cần thiết".

Tuy nhiên đấy là trên lĩnh vực tìm kiếm, mảnh đất mà Google độc bá tuyệt đối. Nhưng việc thuyết phục doanh nghiệp mua bộ ứng dụng văn phòng trực tuyến của hãng thì khó khăn hơn nhiều. Buộc lòng, Google phải nghĩ đến sức mạnh của quảng cáo.

Trong một chiến dịch quảng cáo hiếm hoi, Google đã bỏ tiền ra thuê những tấm biển quảng cáo lớn dọc theo các trục xa lộ chính ở New York, San Francisco, Chicago và Boston để quảng bá cho gói ứng dụng doanh nghiệp này (giá bán của nó là 50 USD/nhân viên/năm). Một thông điệp khác sẽ được hiển thị vào tất cả các ngày làm việc trong tháng 8.

Nguồn: AP
Trên thực tế, Google bắt đầu bày bán gói ứng dụng này từ năm 2007, tuy nhiên mãi tới gần đây, gã khổng lồ tìm kiếm mới nhận ra rằng sản phẩm này cần có một cú hích tích cực hơn để cải thiện doanh thu. "Người ta chưa có ý thức rằng Google có thể giúp đỡ các doanh nghiệp vận hành", đại diện Google thừa nhận.

Hiện tại, Google chưa có kế hoạch quảng cáo gói ứng dụng văn phòng trên các kênh truyền thông ngoại tuyến (offline) như tạp chí, báo in, truyền hình hoặc radio. Hãng chỉ tập trung cho chiến dịch quảng cáo bảng lớn trên diện rộng mà thôi.

Với việc cố gắng lôi kéo các khách hàng tập đoàn rời xa dịch vụ email và các ứng dụng soạn thảo văn bản, bảng tính, lịch làm việc của Microsoft, cuộc chiến giữa hai gã khổng lồ đã leo thang lên một cấp độ mới quyết liệt hơn, nhất là sau khi Microsoft vừa đạt được thỏa thuận hợp tác 10 năm với Yahoo.

Mối lương duyên Micro-hoo nhằm thẳng vào lĩnh vực tìm kiếm - "sân nhà" của Google. Microsoft hy vọng nhờ sự trợ lực của Yahoo, họ sẽ thu hẹp được khoảng cách quá xa với Google. Tháng sáu vừa qua, Microsoft cũng đã nâng cấp công cụ tìm kiếm của mình và đổi tên mới cho nó là Bing. Hậu thuẫn cho Bing là một chiến dịch marketing rầm rộ tốn kém tới 100 triệu USD.

Thực tiễn khó nhằn

Hoàn toàn tương phản, Google chẳng mấy khi mua quảng cáo để lăng xê công cụ tìm kiếm của mình, kể từ ngày hãng thành lập cách đây gần 11 năm. Thay vào đó, gã khổng lồ tìm kiếm chủ yếu dựa vào cơ chế truyền miệng và các kênh truyền thông miễn phí để gây dựng mình trở thành công cụ quyền lực nhất mạng Internet.

Chiến lược này tỏ ra vô cùng hiệu quả khi dòng tiền đổ về dồn dập. Doanh thu từ quảng cáo ăn theo công cụ tìm kiếm Google đã đạt 10,7 tỷ USD riêng trong nửa đầu năm nay. Mặc dù vậy, việc kinh doanh phần mềm - lĩnh vực thế mạnh của Microsoft - lại không hề dễ dàng với Google.

Doanh thu 6 tháng đầu năm từ việc bán các gói ứng dụng phần mềm và các sản phẩm không liên quan đến quảng cáo của họ chỉ đạt 365 triệu USD - một con số rất nhỏ nếu đem so sánh với quảng cáo tìm kiếm.

Google tuyên bố khoảng 1,75 triệu doanh nghiệp, trường học và cơ quan chính phủ đang sử dụng gói ứng dụng trực tuyến của hãng, nhưng hầu hết trong số này chỉ là phiên bản miễn phí - không mạnh và đa tính năng bằng gói trả tiền. Dĩ nhiên là nếu đem so sánh con số này với số lượng doanh nghiệp đang dùng phần mềm của Microsof, Google hẳn sẽ có một nỗi đau khác.

Cho tới nay, thực tế đã chứng minh việc bán ứng dụng trên nền Web rất khó "nhằn", bởi đa phần doanh nghiệp vẫn thích cài đặt phần mềm trên máy tính hơn. Lý do được đưa ra nhiều nhất vẫn là vấn đề bảo mật.

Mặc dù vậy, Google cũng có một số động lực để hy vọng. Sức kháng cự của doanh nghiệp đang "lỏng" dần, do cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu đã gia tăng áp lực buộc doanh nghiệp phải cắt giảm chi phí. Một số công ty vừa và nhỏ tỏ ra sẵn lòng thử nghiệm ứng dụng trực tuyến hơn.

Google hy vọng các thông điệp của mình sẽ thu hút được người dùng và tăng doanh thu lên khoảng 25% so với trước chiến dịch quảng cáo. Suy cho cùng, không một thương hiệu nào có thể là ngoại lệ trong việc quảng bá và phổ biến tên tuổi của mình tới cộng đồng.

Thứ Ba, 04/08/2009 15:58
31 👨 240
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp