Giám đốc điều hành Yahoo "nhấp nhổm" trên ghế nóng

Cuối cùng thì Jerry Yang cũng đã có được cái mà anh ta muốn: một cơ hội để chứng tỏ Yahoo "đáng giá" hơn nhiều so với con số 47,5 tỷ USD mà gã khổng lồ phần mềm Microsoft "chào mời".

Liều thuốc thử

Phiên giao dịch đầu tuần này sẽ là liều thuốc thử mạnh nhất cho giá trị của Yahoo, khi giới đầu tư thể hiện quan điểm của họ về việc Yahoo không còn là mục tiêu săn đón của Microsoft nữa. Đa số giới phân tích đều tin rằng giá cổ phiếu Yahoo sẽ "đầu hàng" vô điều kiện trước làn sóng bán tháo.

Nên nhớ rằng trước khi Microsoft chính thức "ngỏ lời", cổ phiếu Yahoo vẫn đang trồi sụt dưới ngưỡng 20 USD/cổ phiếu. Nhờ có lời đề nghị mua lại từ Steve Ballmer, cổ phiếu Yahoo đã tăng một mạch 50% giá trị, lên xấp xỉ 29 USD/cổ phiếu tại thời điểm hiện tại.

Tuy nhiên, rất có thể trong tuần tới, "của thiên sẽ trả lại địa". Toàn bộ phần tăng mà cổ phiếu Yahoo đạt được trong vòng 3 tháng qua sẽ mất sạch, và Yahoo lại trở về với cái ngưỡng 18 - 19 USD quen thuộc của mình.

Nhiều cổ đông hoài nghi đã nêu ra câu hỏi: Liệu việc Ban giám đốc Yahoo từ chối mức giá 33 USD/cổ phiếu xuất phát từ tính toán chiến lược hay chỉ là hành động mang tính cảm tính mà thôi?

"Rõ ràng là có sự thất vọng lớn", ông Darren Chervitz, đồng quản lý Quỹ đầu tư Jacob Internet cho biết.

Jacob Internet hiện cũng đang sở hữu tương đối cổ phiếu Yahoo, và ông Chervitz cũng không dám chắc "Yahoo có quan tâm đến quyền lợi cổ đông hay không trong thương vụ này".

Hy vọng mong manh

Nhưng cũng có nhiều ý kiến tin rằng giá cổ phiếu Yahoo khó mà tụt ngay lại mức 19 USD như trước đây. Có lẽ một số nhà đầu tư vẫn bám víu vào hy vọng rằng Microsoft sẽ quay trở lại với một lời đề nghị mới, tại một thời điểm khác thích hợp hơn.

Cuối tuần trước, Steve Ballmer đã đưa ra mức giá cuối cùng là 33 USD cho mỗi cổ phiếu Yahoo. Trong khi ấy, Jerry Yang lại bay tới Seattle chỉ để thông báo rằng Yahoo sẽ không "bán thân" với mức giá dưới 37 USD.

Cả giới phân tích lẫn đầu tư đều tự hỏi tại sao hai phía lại không thể tìm thấy tiếng nói chung ở cột mốc 35 USD/cổ phiếu.

"Microsoft dấn một tí còn Yahoo thì nhượng bộ một tí, cột mốc 35 USD đâu phải quá xa vời? Có lẽ nên trách cả hai bên, nhưng tôi vẫn nghĩ Yang phải chịu trách nhiệm phần lớn", ông Chervitz bình luận.

Áp lực từ những cổ đông chán nản như Chervitz (hay thậm chí thịnh nộ và giận dữ) sẽ khiến Yang như ngồi trên đống lửa.

Anh ta sẽ phải nỗ lực gấp đôi để triển khai kế hoạch "phục hồi Yahoo" được vạch ra từ cách đây gần 1 năm, khi Yang chính thức thay thế Terry Semel để nắm giữ cương vị Giám đốc điều hành.

"Hơn bao giờ hết, Yang phải cho cổ đông thấy được kết quả và giá trị", nhà phân tích Scott Kessler của Standard & Poor nhận định. "Sẽ có một làn sóng bán tháo cổ phiếu Yahoo, bởi họ biết rằng phải còn lâu nữa, cổ phiếu này mới quay trở lại được mức giá đóng cửa hôm thứ Sáu vừa qua".

Bước đi kế tiếp

Liệu nụ cười còn nở trên môi Jerry Yang đến bao giờ? Nguồn: Reuters

Cũng chịu áp lực nhưng ít hơn là Steve Ballmer, Giám đốc điều hành Microsoft. Ballmer sẽ phải chứng minh với dư luận rằng ông đã có sẵn giải pháp khác để thách thức Google trên địa hạt tìm kiếm và quảng cáo trực tuyến.

Theo giới phân tích, Ballmer sẽ sử dụng số tiền định mua Yahoo để thăm dò các thương hiệu lớn như AOL, MySpace.com hoặc những công ty mới nổi như Facebook hoặc LinkedIn.

Hiện Microsoft đã sở hữu 1,6% cổ phần của Facebook, mạng xã hội ảo lớn thứ hai thế giới - chỉ sau MySpace.com.

Nhiều khả năng giá cổ phiếu Microsoft sẽ tăng trong phiên giao dịch ngày mai. Kể từ sau khi Ballmer chính thức ngỏ lời mua lại Yahoo, giá cổ phiếu Microsoft đã giảm mất 10%.

Thực tế này phản ánh mối quan ngại của giới đầu tư rằng "cuộc hôn nhân không tình yêu giữa Yahoo và Microsoft sẽ biến thành một đống lộn xộn, phức tạp và càng tạo điều kiện để Google bứt phát mạnh hơn".

Jerry Yang từng nhiều lần hứa hẹn rằng Yahoo sẽ đạt tốc độ tăng trưởng doanh thu ít nhất 25% trong năm 2009 và 2010, tức là cao gấp đôi so với tỷ lệ 12% hồi năm ngoái. Thế nhưng đại đa số chuyên gia đều tỏ ra hoài nghi về khả năng hoàn thành mục tiêu của Yahoo.

Không thể loại trừ khả năng các cổ đông của Yahoo sẽ "nổi loạn", nếu như kết quả kinh doanh của hãng tiếp tục bết bát còn giá cổ phiếu thì chao đảo trong vài tháng tới.

Lại nữa, Yang và ban giám đốc Yahoo sẽ phải đối mặt với hàng loạt vụ kiện từ các cổ đông giận dữ. Ngay cả nhân viên Yahoo cũng sẽ nóng gáy bởi gần như ai trong số họ cũng sở hữu cổ phiếu của hãng.

Tham bát bỏ mâm?

Nhằm giúp cải thiện lợi nhuận ngắn hạn, Yahoo đang cố gắng thiết lập một quan hệ hợp tác quảng cáo lâu dài với đối thủ Google. Tuy chi tiết cụ thể chưa được tiết lộ, song có vẻ như Yahoo muốn sử dụng nền tảng quảng cáo của Google trên một phần diện tích trang web của mình. Cả Yahoo lẫn Google đều tuyên bố "rất phấn khởi với kết quả của chương trình thử nghiệm kéo dài 2 tuần".

Thế nhưng nếu sử dụng hoàn toàn công cụ của Google, việc Yahoo đã chi tới 2 tỷ USD để phát triển công nghệ tìm kiếm của riêng mình sẽ thành "công cốc" ư?

Liệu các cổ đông và phố Wall có thể dễ dàng tha thứ cho sự "hoang phí" này hay không? Và liệu Bộ Tư pháp Mỹ có bật đèn xanh cho một liên minh giữa Yahoo với Google hay không, khi mà cùng với nhau, hai hãng này sẽ kiểm soát tới hơn 80% thị phần quảng cáo tìm kiếm tại Mỹ?

"Công nghệ ưu việt của Google có thể giúp Yahoo tăng lợi nhuận trong ngắn hạn, nhưng Yahoo sẽ vĩnh viễn đánh mất quyền kiểm soát thị phần đang có. Đấy là bài học "tham bát bỏ mâm" mà nhiều hãng đã mắc phải", Kessler khuyến cáo.

Kessler tin rằng Jerry Yang sẽ sử dụng số tài sản trị giá 1,9 tỷ USD của mình để mua thêm cổ phiếu Yahoo, kể cả khi anh ta đã sở hữu tới 54,1 triệu cổ phiếu - tương đương 3,9% cổ phần của hãng.

"Yang cần ném tiền để chứng minh cho lời nói của mình. Nếu anh ta thực sự nghĩ rằng Yahoo đáng giá 37 USD/cổ phiếu, thế thì hãy đứng lên và mua cổ phiếu đi, khi chúng tụt xuống dưới ngưỡng 20 USD".

Thứ Ba, 06/05/2008 10:28
31 👨 57
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp