Doanh nghiệp VN coi phần mềm nhúng là cơ hội vàng

Có mặt trong 89% sản phẩm điện tử (phần mềm cho PC chỉ là 2%), phần mềm và các hệ thống nhúng trở thành mục tiêu chiến lược gia công của các doanh nghiệp trong nước. Công nghiệp ôtô và điện thoại là "đích ngắm" số một bởi những ngành này có tỷ trọng "nhúng" lớn nhất.

Một vài năm trở lại đây, thuật ngữ "phần mềm nhúng" mới xuất hiện ở VN và nhiều người không hiểu nó là gì. Trong Quyết định của Thủ tướng khuyến khích đầu tư và phát triển công nghiệp phần mềm, cụm từ này được giải thích là phần mềm do nhà sản xuất thiết bị cài sẵn vào sản phẩm và chúng được sử dụng ngay cùng với đồ điện tử đó mà không cần có sự cài đặt của người sử dụng hay người thứ ba. Điều đó có nghĩa là phần mềm nhúng có trong TV, tủ lạnh, máy giặt, điều hòa nhiệt độ, điện thoại... hay bất kỳ vật dụng, thiết bị điện tử hiện đại nào.

Phần mềm nhúng: Vàng ở khắp mọi nơi?

"Thị trường công nghệ thông tin (CNTT) cho hệ thống nhúng lớn hơn gấp nhiều lần so với chương trình của những chiếc PC. Có thể hình dung nó là phần chìm của tảng băng trôi", Giám đốc điều hành HanoiTech Đinh Đức Hùng cho biết. "Tôi ví dụ trong một chiếc xe hơi đời mới có tới trên 80 chương trình xử lý cho các ứng dụng từ điều khiển, phanh, đạp nhiên liệu, dẫn đường cho tới túi khí... Và số lượng vi xử lý trên các hệ thống hiện đại ngày càng gia tăng".

Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm VN (VINASA) Trương Gia Bình cũng đồng tình và cho rằng quy mô cùng nhu cầu về phần mềm nhúng là cực lớn. Nếu tốc độ tăng trưởng về phần mềm nói chung đã cao so với các ngành kinh tế khác trên toàn cầu thì mức độ của ngành phần mềm nhúng gấp 6 lần như thế.

Theo thống kê của một hãng nghiên cứu Canada thì đến năm 2009, tổng thị trường của các hệ thống nhúng toàn cầu sẽ đạt khoảng 88 tỷ USD. Trong đó, phần cứng là 78 tỷ USD và phần mềm chiếm 3,5 tỷ USD. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của phần mềm nhúng sẽ cao hơn và hiện tại đang ở mức 16%/năm.

Từ rất sớm, các "ông lớn" như IBM, Microsoft, Intel đã chuyển hướng một số bộ phận nghiên cứu phát triển của mình sang làm hệ thống nhúng. Microsoft, tên tuổi gắn liền với các chương trình cho desktop, cũng không thể đứng ngoài cuộc. Sản phẩm nhúng điển hình của hãng này là hệ điều hành Windows CE, máy chơi game Xbox...

Tại VN, sự phát triển của hệ thống nhúng chỉ mới được để ý tới trong thời gian gần đây. "Đáng buồn là có rất ít sản phẩm nhúng 'made in VN' và đến thời điểm này chưa có công nghệ nào của người Việt. Có thể nói các công ty tin học trong nước mới chỉ tập trung vào gia công và làm thuê", ông Đinh Đức Hùng bày tỏ.

"Một trong những lý do cơ bản khiến ngành sản xuất điện tử của VN từ TV, tủ lạnh, máy ảnh... chưa thể phát triển là do chúng ta chưa có một ngành công nghiệp về phần mềm nhúng", ông Trương Gia Bình phân tích. "Vì thế, tôi nhấn mạnh việc đặt vấn đề với nó là cơ hội vàng và doanh nghiệp phần mềm trong nước phải cùng nhau nắm lấy nó".

Quyết tâm của những người làm phần mềm VN là cơ hội "nhúng" phải được biến thành vàng. Ý chí này thể hiện ngay trong chiến lược phát triển CNTT đến năm 2010 khi phần mềm nhúng được xem là một trong những điểm nhấn quan trọng nhất. VINASA cũng đặt lĩnh vực này là một trong 3 mũi nhọn đột phá của ngành, bên cạnh ERP và games. Riêng FPT Software, một trong những doanh nghiệp phần mềm hàng đầu VN chủ yếu gia công cho nước ngoài với khoảng 6 công ty thành viên và 4 trung tâm trực thuộc, cũng hướng tới mục tiêu đến năm 2008 doanh thu từ "nhúng" phải đạt 15% (gấp 3 lần con số 5% hiện tại).

Dùng ôtô và điện thoại đi động tiến sâu vào Nhật Bản

Trong 5 lĩnh vực có nhu cầu về "nhúng" cao nhất gồm: công nghiệp ôtô, thiết bị viễn thông di động, điện tử gia dụng, tự động hóa sản xuất, thiết bị y tế thì chi phí để phát triển phần mềm của ôtô chiếm 60% tổng giá trị đầu tư cho nó. Còn trên điện thoại di động, mảng này cũng hút tới 80% tổng chi phí, trong khi các thiết bị điện tử gia dụng chỉ cần chi 5%.

"Hiện tại chưa phải là thời điểm thích hợp để VN có thể phát triển phần cứng. Vì thế mà ở đâu có nhiều phần mềm thì đó là cơ hội của chúng ta", ông Phan Văn Hòa, Giám đốc công nghệ FPT Software, cho biết. "Ôtô và điện thoại là những mũi nhọn chiến lược và đích nhắm tới không nơi nào hấp dẫn hơn là Nhật Bản bởi đây là thị trường tiềm năng nhất".

Các chuyên gia Việt Nam cho rằng, nếu như Mỹ và các nước Bắc Âu rất thực dụng, đã hợp tác là phải có hàng và họ muốn mua ngay, thì người Nhật lại chú trọng phát triển quan hệ lâu dài. Trong khi ở lĩnh vực này, VN còn non trẻ và chưa có nhiều kinh nghiệm thì xứ sở hoa anh đào hứa hẹn quan hệ nhiều năm với những hợp đồng kéo dài là điều thích hợp. Hơn nữa, dù đang có những đối tác lớn như Ấn Độ, Nga, Canada..., người Nhật vẫn đánh giá rất cao VN.

"Hiện tại, doanh thu 'nhúng' so với phần mềm thường tại công ty chúng tôi vẫn còn khiêm tốn, chỉ 5%. Nhưng giá trị những hợp đồng "nhúng" với xứ Phù Tang cũng đem lại 60% tổng số đó", ông Phan Văn Hòa tiết lộ. "Tôi biết, hàng chục công ty trong nước có chiến lược lâu dài với phần mềm nhúng và không ít trong số đó đang tính toán làm ăn với người Nhật".

Vàng nhiều nhưng nhặt không dễ

Phần mềm nhúng và các hệ thống nhúng nói chung có yêu cầu ngày càng khắc nghiệt. Thời gian phát triển sản phẩm của hệ thống nhúng đang được rút ngắn một cách đáng kể trong khi tiết kiệm chi phí là xu hướng nổi bật. "Đơn cử điện thoại di động. Trước đây, khoảng 1 năm mới có sự thay đổi lớn về model. Nhưng bây giờ tốc độ phiên bản mới được tung ra thị trường nhanh đến chóng mặt", Giám đốc công nghệ của FPT Software dẫn chứng. "Năm 2005, cứ 6 tháng thì mỗi chủng loại thiết bị di động sẽ có sự update đáng kể phiên bản mới. Nhưng năm nay, các hãng đang cố giảm vòng đời, giảm thời gian cập nhật phiên bản mới xuống khoảng 3 tháng".

Những đòi hỏi về chất lượng của phần mềm nhúng so với loại thông thường cho PC cao gấp nhiều lần. Đối với các chương trình thông thường, khi chuyển giao cho khách hàng nếu mắc lỗi thì vẫn có cơ hội để sửa lại. Còn hệ thống nhúng nếu đã hoàn thiện mà gặp rắc rối thì cực kỳ phức tạp và khó khăn. Nếu một dây chuyền sản xuất xe hơi có trục trặc bởi phần mềm thì hãng sản xuất có nguy cơ phải thu hồi toàn bộ sản phẩm. Chất lượng tuyệt đối là đòi hỏi và thách thức khi chúng ta gia công hệ thống nhúng trong khi kinh nghiệm có được lại quá ít ỏi.

Và cũng giống như ngành phần mềm máy tính, bài toán khó trong lĩnh vực nhúng vẫn là nguồn nhân lực trình độ cao. Theo ông Đinh Đức Hùng, trong nước hiện cũng chưa có trung tâm đào tạo nào chuyên cho các kỹ sư phát triển nhúng mà chương trình về mảng này mới chỉ có ở một số khoa của Đại học Quốc gia và một vài trung tâm của các doanh nghiệp có nhu cầu đào tạo nội bộ. Trong khi đó, vấn đề ngôn ngữ cũng lại là một thách thức lớn đối với mỗi lập trình viên. Các doanh nghiệp đều than thở "tìm được một kỹ sư vừa giỏi chuyên môn, vừa giỏi tiếng Nhật không phải là dễ dàng".

Một trong những giải pháp hàng đầu của VINASA để giải quyết những vấn đề này là thành lập Viện Công nghệ phần mềm trong đó "nhúng" là một ưu tiên lớn. Thêm nữa, trong Đại học FPT sẽ có khoa riêng để tạo nguồn nhân lực làm "nhúng" và một trong những ngôn ngữ dạy chuyên môn sẽ là tiếng Nhật. Lập trình viên sẽ phải học hoặc được gửi sang xứ Phù Tang làm việc để có thể giao tiếp tốt cho công việc. Các trung tâm đào tạo ngoại ngữ cho lập trình viên như Đông Du cũng phải được phát huy hết khả năng.

Theo Chủ tịch VINASA, các chuyên gia VN cũng đã bắt đầu tham gia sản xuất phần mềm nhúng cùng các tập đoàn như IMB, sắp tới là Intel và nhiều công ty điện tử hàng đầu của Nhật như Hitachi, Toshiba... Đây là một trong những cách vừa làm vừa học và đúc rút kinh nghiệm nhanh, hiệu quả nhất.

Người đứng đầu Hiệp hội phần mềm VN nhận định: "Còn quá sớm để nói có đạt được mục tiêu đặt ra hay không. Nhưng giờ là giai đoạn đặt nền móng nên buộc tất cả phải kiên trì nỗ lực. Nếu định hướng rõ ràng, ngành phần mềm nhúng của VN sẽ phát triển rất nhanh".

Nguyễn Hằng

Thứ Năm, 06/07/2006 15:15
31 👨 80
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp