Điện thoại "rởm" đốt... tiền thật

"Đốt tiền" ở đây không phải là vung tiền cho các dịch vụ của nhà cung cấp thông tin di động mà hãy hiểu theo nghĩa đen trần tục nhất của nó: đốt cháy thực sự.

“Hỏa dế”

Vẫn còn vẻ ngỡ ngàng, chị Hoàng Thị H. (công tác tại Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Nghệ An) kể lại: Lần thứ nhất, chị đút tờ tiền Polymer mệnh giá 50.000 đồng vào túi quần cùng chiếc điện thoại Nokia 7260 yêu quý. Nhưng không hiểu sao, sáng hôm sau, khi rút tiền ra để trả thì tờ tiền này đã bị cháy thủng một lỗ. Tuy hơi ngạc nhiên, nhưng chị H. cũng tự giải thích bằng việc cho rằng: có lẽ trong quá trình trao đổi, ai đó đã thối lại mình tờ tiền sơ ý bị tàn thuốc lá làm cháy xém. Với suy nghĩ xem ra có phần khá “logic” đó, chị H. những tưởng rằng thế là hết… chuyện lạ.

Nhưng vào một hôm không lâu sau đó, hiện tượng tương tự lại xảy ra. Lần này, tờ Polymer mệnh giá 100.000 đồng nhét chung chỗ với chiếc Nokia 7260, sau một đêm lấy ra sử dụng, cũng bị… cháy thủng. “Trước khi cất vào túi quần, tờ bạc đó vẫn còn nguyên vẹn” - chị H. khẳng định một cách chắc nịch.

Quan sát lỗ thủng trên đồng bạc 100.000 đồng của chị H, quả là có nhiều điểm đáng lưu tâm: Lỗ thủng có đường kính khoảng 3 cm, vết cháy khô và các đường viền mép lỗ thủng bị quăn lại, co rúm và vón cục; giống với hiện tượng bị đốt nóng bằng nhiệt hơn là hiện tượng bị lửa đốt cháy.

Qua 2 lần tiền bị đốt cháy, nghi phạm chính có lẽ là chiếc điện thoại Nokia 7260 - thứ duy nhất được nhét cùng chỗ với những tờ giấy bạc đó.

Chị H. cho biết: chiếc điện thoại này chị mua từ tháng 2/2005, tại một cửa hàng ở thành phố Vinh với thời hạn bảo hành từ tháng 1/2005 đến tháng 12/2006. Tuy nhiên, dù chị chưa đem đi bảo hành lần nào đã xảy ra sự cố như trên. Chị H. cho biết thêm, tại thời điểm chị mua, chiếc Nokia 7260 này có giá là 4,9 triệu đồng, đúng bằng với giá máy Nokia 7260 chính hãng do FPT phân phối. Cùng giá tiền, cùng kiểu dáng và model máy, tuy nhiên điểm khác biệt duy nhất là thay vì tem bảo hành chính hãng của FPT là tem của… BPT - một hãng phân phối điện thoại chưa từng xuất hiện hay được nhắc đến trong thị trường phân phối thiết bị đầu cuối ở Việt Nam. Do đâu chị H. lại có sự lựa chọn như vậy?

Nguồn nhiệt quái gở

Trả lời câu hỏi trên, chị H. giải thích: lý do chính là chị không có kinh nghiệm trong việc chọn mua máy ĐTDĐ, thấy chiếc Nokia 7260 đẹp cũng được dán tem bảo hành đàng hoàng nên mua. “Hơn nữa, dòng chữ trên tem là BPT, nhìn gần giống với FPT, mình nghĩ chắc hãng này cũng có “họ hàng” với nhà phân phối FPT nổi tiếng nên yên tâm mua. Ai dè nó đúng là hàng… nhái.” - chị H. thở dài.

Để tìm ra nguyên nhân vụ việc tiền bị cháy, chúng tôi đã trao đổi với anh Đỗ Tuấn Anh, chuyên viên kỹ thuật của TA Mobile và được biết: Dựa vào vết thủng trên tờ tiền giấy bạc Polymer và dựa vào nguồn gốc xuất xứ khá “trôi nổi” của “chú dế” Nokia 7260 này, có thể kết luận rằng, thủ phạm của các vụ “đốt tiền” chính là “chú dế” của chị H.

Chính xác là do pin điện thoại. Nguồn nhiệt trong pin tăng đột biến, phát nhiệt ra bên ngoài làm nóng thân máy và làm chảy, sun rồi tạo ra vết thủng cháy xém trên tờ giấy bạc Polymer", anh Tuấn Anh nhận định. Chiếc máy Nokia 7260 của chị H. đã sử dụng một loại pin kém chất lượng, không phải của chính hãng. Loại pin này không chứa bên trong nó một mạch điện tử an toàn, có chức năng tự động ngắt điện khi nhiệt độ của pin tăng cao, dẫn đến hiện tượng nóng máy và phát nhiệt.

Như vậy chị H. vẫn được xem là người may mắn vì chiếc điện thoại có pin rởm này mới chỉ gây những thiệt hại nhỏ.Trong thực tế, có khá nhiều vụ pin rởm gây nổ điện thoại, làm bỏng hoặc gây ra nhiều thiệt hại về sức khỏe cho người sử dụng. Điển hình vụ năm 2003, vụ nổ ĐTDĐ Nokia 8210 của chị Chung Xảo Lệ - nhân viên Bệnh viện Điều dưỡng Phục hồi Chức năng (TP.HCM) và vụ chiếc Nokia 8250 phát nóng bỏng rộp các đầu ngón tay của anh Nguyễn Văn Lạc (Đà Nẵng) đã từng gây xôn xao dư luận. Theo chủ nhân của những “nguồn nhiệt phát nổ” này, đó chính là những chiếc ĐTDĐ không rõ nguồn gốc hoặc sử dụng loại pin Trung Quốc.

Lập lờ đánh lận con đen

Phải thừa nhận rằng, so với các sản phẩm thuộc các ngành nghề, lĩnh vực khác, ĐTDĐ là một loại sản phẩm dễ bị làm nhái hơn cả. Sản phẩm nhái không những được thiết kế y chang sản phẩm thật về hình thức, tính năng mà ngay cả đến tem bảo hành cũng được in công phu, đẹp mắt.

Để tránh bị quy cho tội là hàng giả mà vẫn “dựa hơi” của những thương hiệu nổi tiếng, trên tem, phiếu bảo hành những sản phẩm này đều sử dụng những thương hiệu “na ná”, chỉ khác đi một chữ trong tên gọi, hoặc thiết kế logo biểu trưng có màu sắc giống hệt các thương hiệu đang thịnh hành trên thị trường, như: EPT, BPT hay FBT… Việc này nhằm tạo tâm lý quen thuộc và dễ gây nhầm lẫn trong việc lựa chọn mua ĐTDĐ của những khách hàng ít cảnh giác và sơ ý.

Đã không ít người bị rơi vào tình trạng mua nhầm hàng rởm mà sau này mới phát hiện ra như trường hợp của chị H. kể trên. Tem của nhà phân phối, tem và thẻ bảo hành chính hãng đầy đủ nhưng những khách hàng mua "dế" rởm chỉ được bảo hành sản phẩm tại nơi mua thay vì việc tự do mang sản phẩm đến bảo hành tại một điểm bất kỳ của hãng điện thoại” - một khách hàng khó chịu kể lại.

Khi gặp dấu hiệu này, rất có thể là khách hàng đã gặp phải tình trạng hàng… rởm" - Ông Nguyễn Đức Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Phân phối Điện thoại FPT, cảnh báo - “Chỉ có hàng rởm, hàng kém chất lượng, không phải hàng chính hãng mới không được bảo hành rộng rãi trên toàn quốc được. Trường hợp này, nhà phân phối có thể kiêm luôn… nhà sản xuất tự in tem bảo hành và tem phân phối để chỉ bảo hành cho chính những sản phẩm mà mình tạo ra.”

Ông Hải cũng khuyến cáo khách hàng khi mua máy, nếu gặp phải thái độ lập lờ này của cửa hàng thì tốt nhất khách hàng nên dừng lại việc mua hàng và tìm đến các cửa hàng hay các đại lý lớn. “Việc tìm hiểu nguồn hàng rất quan trọng và một trong những cách thường làm là kiểm tra độ tin cậy của tem chính hãng” - Ông Hải nhấn mạnh - “Vì ngay cả khi có tem chính hãng rồi cũng không có nghĩa là tem đó đã đủ độ tin cậy thực sự. Với loạt tem bảo hành mới của FPT, khách hàng hoàn toàn có thể mang sản phẩm đến các đại lý lớn (đại lý cấp 1, cấp 2) của FPT và yêu cầu được trực tiếp soi mã khóa trên tem bảo hành.

Trở lại với chị Hoàng Thị H., có lẽ câu chuyện “dế rởm đốt tiền” với chị đã dừng lại vì sau vụ này, chị H. đã đề cao tinh thần cảnh giác. Chú “hỏa dế” Nokia 7260 luôn luôn được cách ly với những đồ vật dễ cháy khác để đề phòng… hỏa hoạn. Còn người dùng, hãy tuyệt đối cảnh giác: đừng để cho "dế" rởm đốt cháy tiền của bạn, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

Thứ Ba, 03/10/2006 08:03
31 👨 176
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp