Đau đầu nạn đánh cắp ý tưởng CNTT

"Chúng tôi bị hoài!", "Chuyện đó nhiều lắm, riết rồi xem là chuyện bình thường"... Nhiều doanh nghiệp (DN) phần mềm đã than trời như vậy khi trao đổi với chúng tôi về tình trạng bị đánh cắp ý tưởng về các giải pháp công nghệ thông tin (CNTT). Thực trạng này đang tồn tại khắp nơi.

H., nữ nhân viên của công ty T., đã bức xúc khi kể lại chuyện trình bày thử nghiệm (bản demo) cho công ty C. - một khách hàng đang có nhu cầu xây dựng hệ thống quản trị DN - xem sau gần 2 tháng chuẩn bị. Sau khi xem xong phần trình diễn, công ty C. từ chối mua với lý do giải pháp bên công ty H. đưa ra chưa kiểm soát hết được quy trình của họ. Hơn nữa, chi phí của cả dự án quá đắt. Thế nhưng, chỉ sau đó một tháng, tình cờ trong lúc trao đổi với một nhóm bạn bè cùng ngành, H. đã phát hiện khá nhiều giải pháp do công ty mình nghiên cứu đưa ra cho công ty C. đã bị một nhóm nhân viên công nghệ thông tin của công ty này ứng dụng, hoàn chỉnh và đưa vào sử dụng. Chuyện đánh cắp ý tưởng này cũng rất thường xảy ra khi các công ty phần mềm được mời tham gia đấu thầu cho một dự án. Từ FPT đến Lạc Việt, A-Z Solutions..., tất cả đều đã trải qua kinh nghiệm "đau thương" đó. Ông Hà Thân, Giám đốc Công ty Lạc Việt, cho biết: "Chúng tôi hay bị rơi vào các trường hợp trên khi tham gia đấu thầu". Phản ứng đầu tiên của các DN phần mềm là sự tức giận nhưng một khi sự việc xảy ra nhiều hơn, họ đành phải có những cách đối phó với riêng mình. "Đầu tiên cũng thấy bức bối lắm nhưng giờ thì quen rồi. Giống như đồng bào miền Tây thấy lũ hoài cũng quen và mình tập sống chung với nó thôi !" - Phó giám đốc Công ty A-Z Solutions, ông Phí Anh Tuấn nói. Đối với các DN phần mềm, để tránh rơi vào những trường hợp tương tự, họ phải đánh giá thật kỹ đối tác trước khi dự thầu bằng cảm nhận chủ quan của mình về mức độ uy tín của khách hàng. Sau đó, công ty sẽ quyết định tham gia hay không và gửi hồ sơ ở mức độ nào. Việc xem xét chủ đầu tư hay khách hàng gọi thầu được tiến hành theo nhiều cách tùy theo kinh nghiệm của từng DN. Kinh nghiệm của nhiều doanh nghiệp phần mềm là cần đánh giá chủ đầu tư và các đối thủ được mời để xem vị trí của mình như thế nào, từ đó chuẩn bị hồ sơ, các giải pháp chi tiết cho phù hợp. Không "chơi" nữa, tránh xa nếu được mời tham gia dự án... là những biện pháp mà các đơn vị trên đành phải chọn lựa một khi họ "nhận diện" được các khách hàng không trung thực. "Biết làm sao được", một giám đốc DN phần mềm than thở. Bởi lẽ việc "đánh cắp" ý tưởng đó không thể bị xem là vi phạm sở hữu trí tuệ khi chính bản thân các DN phần mềm chưa hề đăng ký bản quyền. Hậu quả của việc làm đó không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của DN phần mềm mà còn tác dụng ngược với chính bản thân đơn vị "tái sử dụng" các giải pháp. "Đối với giải pháp phần mềm, nếu khách hàng có ý định cóp nhặt các ý tưởng từ nhiều nhà cung cấp khác nhau thì có khả năng giải pháp mà khách hàng nhận được sẽ là chiếc áo với những mảnh vá lỗ chỗ. Tốt nhất khách hàng nên chọn những đơn vị có kinh nghiệm về tư vấn, triển khai hoặc đã có sản phẩm thì sẽ đạt hiệu quả và giảm rủi ro cho mình", ông Phí Anh Tuấn nhận xét.

Trước mắt, những doanh nghiệp ăn cắp ý tưởng giải pháp công nghệ thông tin thường nhầm lẫn cho rằng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho họ. Thực ra, việc đánh cắp ấy chỉ giúp họ tiết kiệm một khoản chi phí trước mắt nhưng sẽ không bao giờ giúp họ xây dựng được một hệ thống quản trị thông tin hoạt động tốt nhất, hiệu quả nhất.

Thứ Hai, 23/01/2006 08:41
31 👨 235
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp