“Cuộc chiến” Intel - AMD lại bùng nổ

Có lẽ ít có khi nào gã khổng lồ Intel lại lâm vào cảnh bí bách như hiện nay khi vấn đề độc quyền của hãng lại được đặt lên bàn cân công lý. Không chỉ có “đối thủ truyền kiếp” AMD kiện tụng mà cả những cơ quan công quyền như Ủy ban Thương mại liên bang Mỹ (FTC) và chính quyền bang New York cũng nhảy vào cuộc.

Thực tế, mối “thâm thù” giữa Intel-AMD đã âm ỉ trong nhiều năm qua, và giờ đây nó lại có cơ hội bùng phát khi AMD tranh thủ được sự cảm thông của nhiều thế lực khác. Các chuyên gia luật tin rằng với 2 yếu tố mới là FTC và chính quyền bang New York, vụ kiện độc quyền Intel sẽ được đẩy lên một mức cao hơn. Cách đây ít lâu, Tổng Chưởng lý Andrew Cuomo của New York đã chính thức cáo buộc Intel vi phạm cách quy định về chống độc quyền trên thị trường bán dẫn, gây tổn thất cho đối thủ “nhỏ con” AMD.

Thế nào là độc quyền thực sự?

Để thắng được trong vụ kiến chống lại Intel, các luật sư cần chứng minh được rằng Intel không chỉ độc quyền trên thị trường bán dẫn mà còn sử dụng quyền lực độc quyền để triệt tiêu khả năng cạnh tranh của đối thủ. Theo thẩm phán Stephen Calkins, từng là luật sư cho FTC và là giáo viên luật tại Trường Đại học Wayne, thì khía cạnh thứ nhất được coi là điều hiển nhiên, không cần bàn cãi. Theo IDC, trong suốt nhiều năm vừa qua, thị phần của Intel trong lĩnh vực chip PC, laptop, máy chủ đã tăng từ 75% lên 83%. Thẩm phán Stephen Calkins cho rằng con số này đủ cao để thấy rằng Intel đã độc quyền trong lĩnh vực cung cấp thiết bị vi xử lý.

Nhưng theo Giáo sư luật Scott Hemphill của Đại học Columbia, bản thân độc quyền không phạm luật mà sự vi phạm nằm ở chỗ các công ty đã lạm dụng ưu thế độc quyền đó như thế nào. “Theo luật pháp Mỹ, độc quyền là có thể chấp nhận được, ngay cả khi doanh nghiệp áp dụng giá độc quyền. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ những hành vi độc quyền đó được duy trì như thế nào. Intel bị cáo buộc bởi chính những hành vi độc quyền mà hãng này theo đuổi trong nhiều năm qua”, giáo sư Hemphill cho biết.

Tổng Chưởng lý Andrew Cuomo cáo buộc Intel đã trả tiền một khoản tiền lớn cho các nhà sản xuất máy tính như Dell, HP trong nhiều năm qua để họ loại bỏ chip AMD trên các dòng sản phẩm bán ra, thay vào đó chỉ sử dụng chip Intel. Cũng theo cáo buộc của Cuomo, Dell đã nhận được 6 tỉ USD trong hơn nửa thập kỷ qua (tính tới năm 2007). Đáp lại cáo buộc này, phát ngôn viên Intel, Chuck Mulloy, nói rằng công ty của ông chẳng làm gì sai trái, và rằng hãng hy vọng sẽ đưa ra những chứng cứ bác bỏ lập luận này.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia về luật khác cũng cho rằng chứng cứ độc quyền của Intel là khá rõ ràng và không cần tranh cãi. Intel được cho là đã sử dụng “quyền lực” của mình để ép buộc khách hàng và gây tổn thất cho đối thủ cạnh tranh. “Nếu một công ty ép khách hàng sử dụng những sản phẩm mà họ có thể không thích, thì điều đó hoàn toàn sẽ là chứng cứ cho hành vi lạm dụng độc quyền”, David Balto, cựu giám đốc về chính sách của FTC, khẳng định.

Một số chuyên gia về luật khác thì vẫn cho rằng cạnh tranh trên những thị trường lớn là điều tất yếu, và ứng với trường hợp này nó sẽ buộc cả Intel và AMD phải cải tiến công nghệ và giảm giá thành sản phẩm. “Có thể tòa án sẽ kết luận rằng Intel độc quyền, nhưng liệu sự độc quyền đó có gây hại cho môi trường cạnh tranh, hay đơn giản chỉ là chèn ép đối thủ”, Joshua Wright, giáo sư luật của Đại học Mason University, đặt câu hỏi.

“Ngư ông đắc lợi”

Wright cũng nhận xét rằng, trong những cuộc chiến kiểu như thế này, các nhà sản xuất PC sẽ “ngư ông đắc lợi”. Họ lợi dụng sự “bất hòa” giữa Intel và AMD để trục lợi, vừa nhận được tiền vừa hầu như không bị khách hàng phàn nàn gì. Về cáo buộc của Cuomo, Dell từ chối đưa ra bình luận, chỉ nói rằng đó là “vấn đề của Intel”.

Theo phỏng đoán của Wright, có thể các thẩm phán sẽ thuyết phục quan tòa rằng người tiêu dùng chẳng được hưởng lợi gì cuộc chiến cạnh tranh giữa Intel và AMD. Nếu điều đó được khẳng định thì vụ việc này sẽ được mở rộng ra nhiều quốc gia khác, chứ không riêng gì Mỹ. Trong quá khứ, Intel từng thua cuộc nhiều vụ kiện chống độc quyền tại Nhật, Hàn Quốc và EU.

Theo số liệu mà IDC đưa ra, giá chip PC trung bình năm 2008 là 98,5USD, còn 8 năm trước đó (2000) là 163USD. Mức độ giảm giá diễn ra nhanh hơn vào năm 2005 khi lần đầu tiên AMD tung ra thị trường mẫu chip máy chủ, khiến Intel buộc phải cải tiến công nghệ nhanh hơn nữa và cắt giảm giá thành sản phẩm để cạnh tranh. Cũng trong vòng một thập kỷ qua, giá PC cũng giảm mạnh mặc dù số hãng sản xuất chip đã giảm từ 5 (giữa những năm 90) xuống còn 3. Trên thị trường PC, giá trung bình do nhà máy bán ra đã giảm khoảng 20%, xuống còn 447USD/PC (năm 2008) so với mức 559USD năm 2001 (số liệu của công ty nghiên cứu thị trường iSupply).

Thứ Năm, 12/11/2009 14:23
31 👨 259
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp