CNTT-TT của TP.HCM: Bước qua bình lặng và phát triển

Ông Hà Thân - GĐ Cty cổ phần tin học Lạc Việt - nhận xét: "Chưa bao giờ TPHCM có vận hội mới để phát triển như lúc này". Ý kiến này nhận được nhiều sự đồng tình từ các doanh nghiệp (DN), các chuyên gia và cả lãnh đạo UBND thành phố. Năm 2005, ngành công nghệ thông tin - truyền thông (CNTT-TT) TPHCM đã bước qua ngưỡng cửa bình lặng.

Ba đại gia công nghệ hàng đầu thế giới đã nhập cuộc

Nếu đánh giá sự phát triển qua những con số tổng kết, thì số thuê bao (TB) ĐTDĐ năm 2005 tăng gần 25% so với năm trước, ước đạt 2,8 triệu TB. Điểm đáng chú ý ở đây là, số TB ĐTDĐ đã vượt qua số TB ĐT cố định. Mật độ tại TPHCM đạt 46 TB/100 dân, vượt cả chỉ tiêu của cả nước vào năm 2010 (45 máy/100 dân). Về Internet, TB băng thông rộng ADSL tăng 3,75 lần, đạt hơn 85.000 TB, chiếm gần 1/4 tổng số TB của cả nước. Tại thành phố hiện nay, TB truy cập dial-up ngày càng thu hẹp và báo trước thời kỳ tự triệt tiêu.

Tuy nhiên, đi vào bản chất của vấn đề phát triển công nghệ, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, đó chính là sự nhập cuộc của ba đại gia công nghệ hàng đầu thế giới. Intel, IBM, Microsoft - những tập đoàn lừng lẫy, nắm giữ hầu hết các công nghệ nguồn trong lĩnh vực chuyên ngành - đã đầu tư vào TPHCM. Intel với nhà máy kiểm nghiệm chip giai đoạn 1 đầu tư 300 triệu USD. Microsoft vừa hợp tác với một đối tác thành lập Trung tâm nghiên cứu sáng chế tại MIC tại thành phố. IBM đã và đang tiếp tục xúc tiến chọn thêm đối tác để lập xưởng gia công phần mềm từ xa.

Một vấn đề nền tảng khác là đào tạo. TPHCM hiện đã có 7 cơ sở đào tạo của 7 đối tác khác nhau đến từ nước ngoài, từ phần cứng là thiết kế vi mạch, đến lập trình viên phần mềm, hầu hết đều do các tập đoàn, Cty nổi tiếng hỗ trợ và đầu tư. Những cơ sở này chính là các kênh du nhập công nghệ mới vào thành phố, và đào tạo cho thành phố những chuyên gia có trình độ cập nhật trào lưu công nghệ thế giới.

Khởi sắc ứng dụng CNTT vào công tác hành chính

Trong vài tháng gần đây, Sở BCVT TPHCM liên tiếp ký kết các chương trình hỗ trợ, hợp tác với các sở BCVT tỉnh, thành khu vực phía nam. Trong những ký kết hợp tác này, chủ yếu là TPHCM hỗ trợ, chia sẻ những kinh nghiệm về ứng dụng CNTT vào bộ máy hành chính, cung cấp các dịch vụ hành chính công qua mạng.

Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, cổng thông tin điện tử TPHCM đã kết nối được với 36 trang web thành viên là sở ngành, quận huyện, cung cấp 363 dịch vụ và thủ tục hành chính. Trong năm 2006, số dịch vụ và thủ tục hành chính qua mạng sẽ được nâng lên con số 1.000. Việc triển khai hệ thống quản lý thông tin địa lý (GIS) cũng không dừng lại ở con số 8 quận, huyện như hiện nay. Thậm chí, hiện Sở BCVT đang triển khai 5 phần mềm xuống cấp phường - xã, dần dần điện tử hoá công tác quản lý hành chính ở cấp chính quyền cơ sở. Theo kế hoạch, đến tháng 12.2006, tất cả các sở ngành, quận - huyện sẽ công khai hết những quy trình hành chính và đưa lên mạng.

Hai vấn đề cần tiếp tục tháo gỡ

Ngành CNTT, điện tử đang dần khẳng định vị thế hàng đầu trong nền kinh tế TPHCM. Năm 2005, tại thành phố hình thành thêm 1.000 DN CNTT và 3.000 DN điện tử. Số lượng DN mới thành lập này chiếm 25% tổng số DN tại thành phố, nhưng chiếm tỉ trọng về vốn tới 32%.

Số DN nở rộ, có thêm nhiều cơ hội phát triển. Tuy nhiên, theo ông Hà Thân, hai vấn đề cần được tiếp tục tháo gỡ là: Phải giảm cước viễn thông hơn nữa, và sớm xem xét việc giảm thuế cho các DN phần mềm trong giai đoạn 2006-2010. Các DN đã nhiều lần kiến nghị được ưu đãi về vấn đề này (như giai đoạn 2001-2005), nhưng đến nay vẫn chưa có hồi âm từ các bộ, ngành chức năng.

Trả lời vấn đề cước, Thứ trưởng Bộ BCVT Trần Văn Lai cho biết: "Cho dù cước viễn thông của chúng ta đã ngang bằng với các nước trong khu vực, tuy nhiên nếu so với GDP/đầu người thì vẫn cao, cho nên năm 2006, Bộ BCVT chủ trương tiếp tục giảm cước điện thoại, tạo cơ sở cho các DN tham gia cung cấp đường truyền Internet để cạnh tranh và giảm giá thuê kênh ra quốc tế.

Thứ Sáu, 17/03/2006 10:56
31 👨 38
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp