CIO Việt Nam với áp lực cạnh tranh trước thềm WTO

Phải chứng minh đóng góp của CNTT đối với tính cạnh tranh cũng như hiệu quả công việc chung là chuyện thường ngày của mỗi giám đốc thông tin (CIO). Nhưng trước thềm hội nhập, vấn đề này khiến họ đau đầu hơn bởi hạn chế về nhân lực, chuyên môn và khả năng thích nghi.

Nhiều CIO (Chief Information Officer) trong nước đều có chung nhận định rằng, trước cơ hội gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới, khó khăn lớn nhất sẽ là vấn đề con người. Việt Nam đang có những thay đổi lớn: mỗi năm GDP tăng trưởng 8%, thị trường chứng khoán tăng khoảng 800 triệu USD/năm và việc mua bán cổ phần qua lại giữa các công ty khoảng 8 tỷ USD. "Điều này chứng tỏ thị trường đang rất nóng và khi gia nhập WTO sẽ còn nóng hơn. Doanh nghiệp lớn vào, họ sẽ mua lại hoặc đầu tư vào các công ty nhỏ. Họ sẽ 'săn' những người giỏi, mà công nghệ thông tin (CNTT) là thị trường cực kỳ nóng hổi", Giám đốc kế hoạch và CNTT của Unilever VN Nguyễn Anh Nguyên phân tích. "Đây là điều mà CIO cũng như các quản trị viên khác phải quan tâm".

Ông Nguyên cho rằng, thông thường, những người làm CNTT không có kiến thức về kinh doanh hoặc về lĩnh vực mình đang phục vụ nên phải giúp họ phát triển những kiến thức này. "Tôi thường nhận chuyên gia của các bộ phận khác rồi tráo ngược nhân viên của mình và thấy điều này rất có ích. Nó giúp họ phát triển kiến thức về CNTT cũng như bài toán kinh doanh hay kinh nghiệm từ các bộ phận khác", CIO của Unilever tiết lộ.

Nguồn: rayberndtson
Ông Đinh Quang Nương, Phó tổng giám đốc điều hành Prudential VN, cũng đồng tình rằng sự thiếu hụt kiến thức kinh doanh trong bộ phận CNTT là một trong những trở ngại lớn nhất trong triển khai các giải pháp tại doanh nghiệp.

"Tôi cho rằng thách thức trong ứng dụng cũng như triển khai các dự án CNTT trước tiến trình hội nhập là vấn đề con người với khả năng làm việc nhóm, kiến thức chuyên môn, quản lý dự án", ông Nương cho biết. "Bên cạnh đó là sự hiểu biết của cấp lãnh đạo về giá trị đóng góp của CNTT, cùng tư duy của nhân viên trong việc thay đổi và chấp nhận thay đổi để áp dụng CNTT trong tổ chức tốt hơn".

Ở Prudential VN, nhiều khoá đào tạo cũng như bổ sung các kiến thức cần thiết về kinh doanh cho nhân viên phòng CNTT được triển khai với sự hỗ trợ của phòng nhân sự. Bên cạnh đó, các chuơng trình đào tạo trực tuyến nội bộ công ty cũng có sự tham gia của nhân viên phòng công nghệ.

Lo về mặt nhân sự công nghệ cho tổ chức của mình chỉ là một phần, bản thân mỗi CIO cũng chịu nhiều áp lực trước WTO bởi các vị giám đốc CNTT sẽ không có quyền hạn như trước, không thể chỉ hoạch định riêng cho mình mà càng ngày càng phải tuân thủ theo những tiêu chuẩn của các công ty mẹ. Việc chuẩn hóa sẽ được tiến hành cả trong hệ thống CNTT và mang lại những nguồn lợi làm giảm chi phí ở góc độ toàn cầu nên bị đòi hỏi rất gắt gao. Đó là thách thức về mặt thái độ và tính thích nghi của CIO.

Năng lực thật sự của người làm CIO, bất kể trong công ty VN hay nước ngoài, là nền tảng hiểu biết mô hình quản trị và chiến lược kinh doanh. "Quan điểm của tôi là đến một thời điểm nào đấy, CIO phải tạo cho mình năng lực rõ ràng về ngành công nghiệp hàng dọc. Đã đến lúc người ở cương vị này cần phải chuyên nghiệp hóa theo từng ngành", CIO Nguyễn Anh Nguyên bày tỏ.

Tuy nhiên, đại diện công nghệ của Unilever cũng thừa nhận để làm được điều này không dễ. Đặc biệt trong bối cảnh thị trường dễ xảy ra hiện tượng CIO nhảy từ công ty này sang công ty khác, từ ngành này sang ngành khác.

Ngân hàng là một trong những ngành kinh tế chịu sự chi phối gần như hoàn toàn bởi CNTT và có tính nhạy cảm cao với việc gia nhập WTO. "Đối với chúng tôi, bước vào WTO tức là phải đương đầu với các đối thủ cạnh tranh trong khi họ đã có những lợi thế lớn hơn rất nhiều về trình độ công nghệ, năng lực quản lý và đặc biệt họ có những sản phẩm dịch vụ tài chính chất lượng cao", ông Đào Minh Tuấn, Giám đốc Trung tâm tin học Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank), chia sẻ. "Trong khi đó ở VN, môi trường pháp lý chưa theo kịp sự phát triển của CNTT cũng như quan điểm kinh doanh tài chính hiện đại là yếu tố ảnh hưởng đến ứng dụng CNTT trong hoạt động kinh doanh".

Nguồn: amazon
Ngành ngân hàng VN đang kinh doanh theo cơ chế một ngân hàng nhà nước, chịu rất nhiều tác động khi chuyển sang cơ chế thị trường cũng như hoạt động theo mô thức kinh doanh hiện đại. Vietcombank là một trong nhiều ngân hàng đang thực hiện tái cơ cấu mô hình tổ chức và mô thức kinh doanh theo chuẩn mới. "Điều này đòi hỏi sự hỗ trợ rất lớn từ CNTT, đảm bảo để các mô thức kinh doanh ấy hoạt động mà không chịu áp lực lớn của những cái gọi là chính sách bảo hộ, cơ chế ưu tiên cho ngân hàng nhà nước như trước đây", ông Tuấn phân tích. "Nghĩa là chúng tôi phải thực sự đứng bằng hai chân, bằng khả năng của con người, bằng chính trình độ công nghệ và những sản phẩm mình có
".

Ngân hàng Techcombank cũng định kế hoạch 5 năm (2005-2010) với mục tiêu trở thành ngân hàng nội thị đa năng hàng đầu tại Việt Nam. Trước thềm WTO, ngân hàng này ý thức rõ về áp lực cạnh tranh khi mà các đối thủ nước ngoài có quy mô hoạt động lớn, ngoài tiềm lực về kinh tế, tài chính, có kinh nghiệm lâu năm trong việc cung cấp sản phẩm dịch vụ, quy trình nghiệp vụ tiêu chuẩn, tiên tiến, chăm sóc khách hàng chu đáo... Techcombank đã hành động theo định hướng phải tích hợp thật tốt hai yếu tố: công nghệ và dịch vụ kinh doanh.

Theo ông Lê Xuân Vũ, Giám đốc Trung tâm ứng dụng và phát triển sản phẩm dịch vụ công nghệ của Techcombank, thì trung tâm CNTT của ngân hàng này không giống với nhiều đơn vị khác. Ngoài hỗ trợ những dịch vụ công nghệ cho cán bộ nhân viên nội bộ, Trung tâm còn tham gia phát triển dịch vụ. "Ở đây, chúng tôi có phòng hỗ trợ và phát triển dịch vụ. Cán bộ xuất phát là những người làm nghiệp vụ và có một số lượng nhỏ là người làm CNTT", ông Vũ cho biết. "Họ có nhiệm vụ dùng những sản phẩm CNTT tiên tiến và kiến thức nghiệp vụ ngân hàng sâu để nghiên cứu, phát triển những sản phẩm mới giúp bắt kịp những sản phẩm tiên tiến của nước ngoài nhưng vẫn phù hợp và triển khai được ở Việt Nam".

Nguyễn Hằng

Thứ Năm, 24/08/2006 06:06
31 👨 86
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp