Cần giải bài toán quy mô

Báo cáo hiện trạng phần mềm lần đầu tiên của Vinasa vừa công bố cho thấy quy mô nhỏ là thực tế ảnh hưởng lớn nhất đến khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp.

Trong hai ngày 24-25/8, Vinasa đã tổ chức 3 hội thảo chuyên đề về phần mềm nhân sự kiện Diễn đàn CNTT thế giới (WITFOR 2009) diễn ra tại Việt Nam. Đáng chú ý trong chuỗi sự kiện này là việc lần đầu tiên Vinasa công bố khảo sát hiện trạng công nghiệp phần mềm Việt Nam.

Toàn cảnh phần mềm: Quy mô nhỏ, non trẻ

Khảo sát này được Vinasa thực hiện trong hai tháng (tháng 5 và 6/2009) với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Đan Mạch, Liên đoàn công nghiệp Đan Mạch (DI), Hiệp hội CNTT Đan Mạch (ITEK) và Công ty dữ liệu quốc tế IDC (Mỹ). Mặc dù chỉ có 145 doanh nghiệp phần mềm (trong đó có 19 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) tham gia khảo sát nhưng Vinasa cho biết trong số các công ty này có đủ mặt các doanh nghiệp có tên tuổi lớn trong ngành phần mềm Việt Nam.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Vinasa nhận định, kết quả khảo sát này thể hiện chính xác tình hình và những khó khăn của ngành phần mềm Việt Nam hiện nay. Cụ thể, đa số các công ty phần mềm có qui mô vốn nhỏ và chủ yếu là những công ty mới thành lập trong 10 năm gần đây. Có tới 82% công ty được khảo sát có vốn điều lệ dưới 25 tỷ đồng, trong đó có 65% công ty có vốn dưới 8 tỷ đồng, chỉ có 24 công ty (trên tổng số 145 công ty tham gia khảo sát) được thành lập trước năm 2000, tức chỉ chiếm 17%.

Quy mô nhỏ vẫn là thực tế ảnh hưởng lớn nhất đến khả năng cạnh tranh ngành phần mềm và các doanh nghiệp nói riêng. Ảnh ICTNews.
Thiếu hụt nhân lực vẫn là khó khăn hàng đầu hạn chế sự phát triển của các doanh nghiệp phần mềm. Ngoài ra, các vấn đề như suy thoái kinh tế toàn cầu, cơ sở hạ tầng CNTT, trình độ ngoại ngữ, bảo vệ bản quyền, vốn, thương hiệu, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, thiếu lộ trình tổng thể ở tầm quốc gia về phát triển ngành, và ngân sách chi cho nghiên cứu và phát triển ít cũng góp phần ảnh hưởng đến phát triển của ngành phần mềm và các doanh nghiệp phần mềm nói riêng.

Về dịch vụ, có khoảng 60% doanh nghiệp phần mềm đang triển khai 3 loại dịch vụ, gồm phát triển các ứng dụng trên web, phát triển các giải pháp riêng cho khách hàng và tư vấn CNTT. Dịch vụ gia công phần mềm có tới 50% doanh nghiệp phần mềm cả nước tham gia. Riêng dịch vụ gia công tác vụ (BPO) tuy mới xuất hiện nhưng cũng có tới 30% số doanh nghiệp được khảo sát có kế hoạch triển khai trong một năm tới.

Đáng chú ý là hầu hết các doanh nghiệp phần mềm trong nước không quan tâm đến các chính sách liên quan tới ngành. Cụ thể, theo khảo sát, có tới 40% số doanh nghiệp không biết đến 2 chương trình quan trọng của ngành là Chương trình phát triển công nghiệp phần mềm VN đến năm 2010 và Chương trình phát triển công nghiệp nội dung số VN đến năm 2010 đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua đầu năm 2007.

Điểm sáng trong khảo sát này là trình độ công nghệ và năng lực của các doanh nghiệp phần mềm đang hội nhập rất nhanh với thế giới, có tới 57 công ty (chiếm 39%) đã có các chứng chỉ quốc tế về chất lượng, trong đó có 5 công ty đạt mức cao nhất là CMMi bậc 5. Các chứng chỉ chuyên môn quốc tế phổ biến nhất trong các doanh nghiệp phần mềm hiện nay là Java SE, chuyên gia phát triển ứng dụng Microsoft (MCAD), Java EE, chuyên gia cơ sở dữ liệu Oracle, chuyên gia công nghệ Microsoft (MCPD).

Thiếu cạnh tranh

Vấn đề quy mô nhỏ của ngành phần mềm Việt Nam thể hiện rất rõ trong việc thâm nhập thị trường gia công phần mềm Nhật. Ông Nguyễn Đoàn Hùng, Phó Chủ tịch câu lạc bộ doanh nghiệp phần mềm Việt Nam (VJC), đồng thời là Tổng giám đốc Công ty NEC Solutions Việt Nam, ước tính cả nước hiện có khoảng 2.000 kỹ sư phần mềm làm việc cho thị trường Nhật, đạt doanh thu khoảng 30 triệu USD/năm. Thống kê khác từ Cơ quan phát triển thông tin và công nghệ Nhật Bản (IPA) ước tính Việt Nam dành được khoảng 20 triệu USD doanh thu từ thị trường gia công Nhật trong năm 2008, chiếm khoảng 0,5% tổng số 3,9 tỷ USD doanh thu gia công ra nước ngoài của thị trường này, đứng thứ ba sau Trung Quốc và Ấn Độ.

Trong khi đó, theo công bố của FPT Software, doanh thu từ thị trường Nhật chiếm khoảng 60% tổng doanh thu 40 triệu USD của công ty trong năm 2008, tức khoảng 25 triệu USD. Mặc dù, các số liệu thống kê này chỉ là con số ước tính nhưng có thể dễ dàng nhận thấy hầu hết doanh thu phần mềm xuất khẩu sang Nhật của Việt Nam phụ thuộc vào một doanh nghiệp là FPT Software.

Điều này, theo ông Ogura, Giám đốc Hitachi Software tại Việt Nam, đang ảnh hưởng rất lớn đến sức hấp dẫn của Việt Nam với các khách hàng Nhật. Giám đốc Hitachi Software cho biết năm ngoái có đoàn 10 doanh nghiệp Nhật sang Việt Nam tìm hiểu đối tác tại Việt Nam nhưng họ chỉ thấy có mỗi FPT Software, nên cuối cùng họ không muốn gia công tại Việt Nam vì họ không thấy có sự cạnh tranh.

Ông Trương Gia Bình cũng thừa nhận, thị trường gia công phần mềm Nhật là con số quá lớn với Việt Nam. Mặc dù đứng vị trí thứ 3 trong số các nước xuất khẩu gia công nhiều nhất sang Nhật nhưng Việt Nam mới chỉ chiếm 0,5%, kém rất xa con số 60% của Trung Quốc và 22% của Ấn Độ. Điều này, theo ông Bình có phần do quy mô của các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam nhỏ, trong khi các doanh nghiệp phần mềm trong nước “muốn tham gia thị trường này nhưng lại sợ, cũng muốn hợp đồng nhưng lại ngại đầu tư”.

Để tăng xuất khẩu phần mềm sang Nhật, theo ông Ogura, ngoài những vấn đề như tăng cường đào tạo tiếng Nhật ở bậc đại học và phổ thông, phát triển đội ngũ kỹ sư cầu nối và kỹ thuật có kinh nghiệm, ngành phần mềm Việt Nam phải tăng khả năng cạnh tranh ở quy mô quốc tế, quốc gia và trong từng công ty. Còn Bà Bùi Hồng Liên, Tổng Giám đốc FPT Software cho rằng: “Nếu Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp nói riêng đã quyết tâm coi Nhật là thị trường chiến lược thì nên có ngay hành động cụ thể”.

Thứ Tư, 26/08/2009 13:50
31 👨 192
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp