5 lý do Apple "không dám" kiện Google

Mặc dù Apple đã dành chiến thắng quyết định trong vụ kiện với Samsung, có rất nhiều lý do để họ không tiếp tục tấn công nhà phát triển nền tảng Android là Google.

Hiện nay, Apple đã ghi được bàn thắng quyết định trong vụ kiện bằng sáng chế với Samsung. Câu hỏi đặt ra là liệu nhà sản xuất iPhone, iPad có đi tới cùng và tấn công kẻ thù thực sự là Google hay không, vì sau cùng, Google chính là nhà phát triển phần mềm Android đang chạy trên thiết bị di động của Samsung và nhiều công ty khác.

Tuy nhiên, cú đánh trực tiếp nhằm vào Google chưa phải lựa chọn đúng đắn cho Apple ở thời điểm hiện tại, vì những lý do sau:

5 lý do Apple "không dám" kiện Google

1. Đối tượng tiếp theo sẽ là các hãng phần cứng

Sau khi chiến lược “bắt nạt” những kẻ yếu thế về pháp lý như Samsung chứng tỏ hiệu quả, Apple có khả năng sẽ tiếp tục tấn công các hãng phần cứng khác như HTC và bộ phận Motorola Mobility của Google, thay vì tấn công trực tiếp Google.

Chuyên gia về bằng sáng chế Florian Mueller viết trên trang tin Foss Patents rằng Apple có khả năng sẽ tấn công Amazon trước tiên. Ông Mueller cũng nói trong bài phỏng vấn với tạp chí Fortune như sau: “Nếu tôi là Apple, công ty tiếp theo tôi khởi kiện sẽ không phải Google, mà là Amazon - công ty có danh mục bằng sáng chế yếu hơn Google và đang bán được rất nhiều sản phẩm chạy Android với mô hình bán thiết bị giá rẻ và bù lại bằng việc bán nội dung, đe dọa lợi nhuận của Apple nhiều hơn là mô hình kiếm tiền từ quảng cáo của Google”.

2. Apple ít có khả năng thắng kiện Google

Thứ nhất, Google chủ yếu chỉ sản xuất phần mềm. Mặc dù thiết bị Nexus S là do Google hợp tác sản xuất với Samsung – công ty bị tòa án Mỹ tuyên bố vi phạm bằng sáng chế của Apple, nhưng chỉ một sản phẩm có lẽ chưa đủ để Apple phát động hẳn một vụ kiện. Hơn nữa, Nexus S cũng không nằm trong danh sách những sản phẩm của Samsung mà Apple đề nghị áp đặt lệnh cấm bán.

Thứ hai, Google không thu phí sử dụng phần mềm của những công ty sản xuất phần cứng chạy Android. Thay vào đó, Google chỉ thu về doanh thu quảng cáo phát sinh từ thiết bị Android, vì thế chưa có cơ sở vững chắc để Apple kiện cáo Google.

Thứ ba, đừng quên rằng Android tồn tại từ trước khi iPhone xuất hiện, Google mua lại công ty phát triển Android từ năm 2005 - 2 năm trước khi mẫu iPhone đầu tiên ra đời. Điều này không đảm bảo là Google chỉ phát triển Android với bằng sáng chế của họ, nhưng cũng là nền tảng để Google bảo vệ nền tảng của mình trước khiếu nại của Apple.

Cuối cùng, Google có đủ tiền để đối phó với mọi đe dọa pháp lý mà Apple nhằm vào họ. Thật vậy, việc Samsung thua kiện Apple sẽ khiến Google thay đổi thái độ dường như thụ động trong việc bảo vệ các đối tác sản xuất phần cứng Android.

3. Các nhà sản xuất phần cứng khác có thể lựa chọn dàn xếp với Apple

Đa số giới phân tích đều cho rằng sau khi chứng kiến khoản bồi thương khổng lồ mà Samsung - hãng dẫn đầu trong các nhà sản xuất thiết bị Android – phải gánh chịu, các công ty khác sẽ khó dám mạo hiểm dấn thân vào cuộc chiến pháp lý với Apple mà họ có nguy cơ thua hơn là thắng.

Sau khi các đối tác phần cứng của Google lựa chọn mua giấy phép sử dụng bằng sáng chế của Apple, sẽ không còn lý do để Apple kiện Google.

4. Apple đã có những gì họ muốn từ Google

Sau khi Samsung thua kiện, Google rất có thể sẽ thay đổi một số yếu tố của Android để tránh vi phạm bằng sáng chế của Apple. Điều này có nguy cơ giảm khả năng cạnh tranh của các thiết bị Android.

Như nhà phân tích Charles Wolf của công ty Needham & Co đã viết: “Google sẽ buộc phải đưa ra giải pháp thay thế cho những bằng sáng chế bị vi phạm, đó chính là điều Apple mong muốn khi tiến hành vụ kiện này, chứ không phải chỉ là tiền bồi thường. Các giải pháp thay thế có nguy cơ sẽ làm giảm trải nghiệm người dùng Android so với hệ điều hành iOS của Apple”.

5. Apple cần giữ hình ảnh đẹp trong mắt khách hàng

Quyết tâm tiến hành “chiến tranh nhiệt hạch” nhằm vào Android của Steve Jobs cho thấy nỗi tức giận khủng khiếp của ông đối với Google. Tuy nhiên, Steve Jobs không còn nữa, người lãnh đạo Apple hiện nay là Tim Cook. Vị CEO này sẽ làm những điều mà ông cho là đúng đắn với Apple, chứ nhất thiết phải tiếp tục kế hoạch “trả thù” của nhà cố đồng sáng lập.

Trong khi Apple đang là một thương hiệu tiêu dùng được nhiều người yêu thích, có lẽ Tim Cook không muốn Apple bị nói đến như một gã khổng lồ quá tham lam, hiếu thắng và không có lòng độ lượng.

Như chuyên gia phân tích Keith Bachman của BMO Capital Markets đã nói: “Chúng tôi nghĩ điều quan trọng là Apple không hiện lên trước mắt mặt khách hàng như một kẻ chuyên đi ức hiếp đối thủ. Chúng tôi không ngạc nhiên khi báo chí cho rằng phán quyết tòa án làm giảm tính cạnh tranh (thực sự, đây là nhận định của một số nhà quan sát). Apple cần chứng minh rằng họ làm như vậy chỉ để bảo vệ tài sản trí tuệ và thành quả đổi mới của mình”.

Với tất cả những lý do trên, phần lớn khả năng Apple sẽ không đi tới cùng mà kiện Google.

Thứ Năm, 30/08/2012 09:18
51 👨 440
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp