TV LED hiệu quả hơn LCD

Mặc dù TV LED thực chất là công nghệ LCD nhưng thay nguồn sáng nền, hiệu quả hình ảnh nó mang lại cao hơn LCD và thân màn hình mỏng hơn.

Thực chất, LED không phải là công nghệ mới bên cạnh LCD và Plasma mà là một dạng của TV LCD. Thuật ngữ đầy đủ của thế hệ TV LED phải là "TV LCD đèn nền LED", tuy nhiên, để phục vụ cho mục tiêu tiếp thị, dòng TV mới này được gọi rút gọn là LED TV với hàm ý như thể là một thế hệ TV công nghệ mới hoàn toàn.

LED được nâng lên thành một công nghệ mới trong khi thực chất chỉ là TV LCD đèn nền LED.
Ảnh: Digitaltrends.


Thông thường tấm nền tinh thể lỏng chỉ có thể hiển thị hình ảnh trong mờ và nếu không có một nguồn sáng nền mạnh chiếu qua màn tinh thể lỏng này thì hình ảnh sẽ gần như không thể rõ đẹp được. Trước đây, công nghệ LCD sử dụng nguồn sáng nền là các bóng huỳnh quang. Các bóng này có hình ống, chạy phía sau màn tinh thể lỏng. Ánh sáng từ các ống huỳnh quang này sau đó sẽ đi qua một tấm dàn hướng ánh sáng, đảm bảo cho ánh sáng được dàn trải đều trên khắp tấm nền với cùng một mức độ như nhau.

TV LED ngày nay thay vì sử dụng bóng huỳnh quang làm nguồn chiếu sáng nền, chuyển sang sử dụng các đèn đi-ốt phát quang (light-emitting diodes – LED). Các đèn LED này cũng không có gì đặc biệt về mặt công nghệ chiếu sáng, chúng cũng tương tự như đèn chiếu sáng trong đồng hồ, trên các nút điều chỉnh TV… Đèn LED ánh sáng nền trong màn hình TV có thể được đặt ở viền cạnh (edge-lit, mà đại diện công nghệ này là Samsung) như đối với các đèn huỳnh quang hay được sắp xếp theo dạng lưới trực tiếp ở phía sau của tấm nền tinh thể lỏng (back-lit, mà đại diện là Sony).

Mẫu TV đèn nền LED đầu tiên của Sony ra mắt năm 2006. Ảnh: Digitaltrends.

Lý do rõ ràng nhất LCD LED chiếm ưu thế hơn LCD thường đơn giản là chúng hiệu quả hơn. Mặc dù các đèn huỳnh quang cũng đủ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiếu ánh sáng nền của mình, nhưng đèn LED lại còn làm tốt hơn. Về cơ bản, các nhà sản xuất đều tuyên bố rằng đèn nền LED cải thiện hiệu quả lên tới 30% so với đèn huỳnh quang thông thường, dẫn đến tuổi thọ của màn hình cũng được cải thiện hơn, nhất là đối với các màn hình kích cỡ lớn.

Đèn LED cũng có kích thước nhỏ hơn nhiều so với các ống đèn huỳnh quang, kể cả khi các đèn LED được sắp xếp thành lưới phủ kín toàn bộ mặt sau của màn tinh thể lỏng. Điều này có nghĩa màn hình đèn nền LED có thể được sản xuất với độ mỏng hơn nhiều so với màn hình đèn nền huỳnh quang. Có thể thấy rõ điều này trong bất kỳ cuộc triển lãm màn hình LCD siêu mỏng nào có độ mỏng dưới 2,5 cm đều là các LCD đèn nền LED. Mặc dù thực tế đến khi các màn hình đèn nền LED ra mắt thị trường có thể sẽ không mỏng như các phiên bản mẫu chuyên để trưng bày quảng cáo, nhưng bao giờ nó cũng qua mặt được màn LCD thông thường về độ dày và ngày càng trở thành các thế hệ HDTV mới phù hợp với không gian gia đình.

Không chỉ có vậy, các TV LED còn cho chất lượng hình ảnh tốt hơn. Do các ống đèn huỳnh quang phát sáng lên toàn màn hình với cùng một mức như nhau. Các nhà thiết kế không cách nào có thể điều chỉnh mật độ sáng khác nhau trên từng vùng được. Ngay cả khi màn hình cần phải hiển thị một điểm sáng trắng trên cả một nền đen thì ánh sáng nền sẽ vẫn phải bật lên, dẫn tới ảnh hưởng tới mức độ đen của màn hình.

Nhưng với đèn nền LED lại khác. Với cách bố trí đèn LED theo dạng lưới (có thể lên tới 1.500 bóng) sau màn tinh thể lỏng, ánh sáng của mỗi vùng màn hình khác nhau có thể được điều chỉnh riêng biệt nhau (công nghệ tối cục bộ - local dimming). Ví dụ, trong khung cảnh trái đất được nhìn từ vũ trụ, ánh sáng bao quanh trái đất có thể được bật lên độ sáng nhất, trong khi những mảng đèn nền tại vùng khoảng tối của vũ trụ sẽ được giảm độ sáng tối đa hoặc nếu cần thì tắt hẳn. Công nghệ này khiến cho vùng hình ảnh tối sẽ tối hơn và vùng sáng sẽ sáng hơn, tăng cường độ tương phản của hình ảnh và theo đó là cải thiện chất lượng của hình ảnh.

Tuy nhiên, không phải tất cả các TV LED đều có hiệu ứng này. Những TV LED thay vì sử dụng LED back-lit, sử dụng hệ thống đèn LED edge-lit chiếu cạnh sẽ không thể tạo hiệu ứng tắt cục bộ thông minh như dạng back-lit, nhưng bù lại công nghệ edge-lit giúp sản xuất được những màn hình LCD siêu mỏng hơn và phần nào tiết kiệm điện năng.

Samsung là hãng đầu tiên đưa TV LED vào Việt Nam. Ảnh: Justcat.

Theo Digital Trends, thế hệ LCD đèn nền LED đã cải thiện hiệu năng và chất lượng hình ảnh của công nghệ LCD, rút ngắn khoảng cách so với công nghệ Plasma, trong khi vẫn tiếp tục có xu hướng mỏng hơn. Nhưng hiện tại, công nghệ LED vẫn đang vấp phải một vấn đề đau đầu đó là giá cả chế tạo còn quá cao so với LCD thường và Plasma. Chính vì vậy mà mặc dù xu hướng rõ ràng LCD LED sẽ chiếm ưu thế trong tuơng lai, nhưng hiện tại nó vẫn đang phải chờ được người tiêu dùng chấp nhận rộng rãi.

Thứ Hai, 14/09/2009 08:53
31 👨 316
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp