Tổng quan về Panasonic Lumix G1

Panasonic Lumix DMC-G1 là mẫu máy ảnh số ống kính rời đầu tiên được phát triển trên định dạng Micro Four Thirds do Olympus và Panasonic phát triển, đồng thời cũng là mẫu máy ống kính rời nhỏ nhẹ nhất thế giới hiện nay.

Panasonic Lumix G1 là mẫu máy ảnh số ống kính rời đầu tiên được phát triển trên định dạng Micro Four Thirds. Ảnh: Engadget.


Micro Four Thirds là định dạng máy ảnh số ống kính rời siêu nhỏ do Panasonic và Olympus phát triển, mới được công bố cách đây chưa lâu. Khác với các hệ thống DSLR thông thường, Panasonic Lumix G1 không sử dụng gương phản chiếu ở bên trong, nên không phải là một chiếc DSLR đúng nghĩa, dẫu mang trong mình rất nhiều nét đặc trưng của dòng máy ảnh cao cấp này.

Trên thực tế, Panasonic cũng gọi G1 là Digital Interchangeable Lens System Camera (tạm dịch là máy ảnh số sử dụng hệ thống ống kính có thể hoán chuyển). Tuy nhiên, dẫu có gọi là gì đi nữa, Panasonic G1 vẫn được giới chuyên môn nhận định sẽ là một đối thủ nặng ký của những mẫu DSLR có thân hình nhỏ gọn hiện nay như Olympus E-420.

Panasonic G1 là mẫu máy ống kính rời nhỏ nhẹ nhất hiện nay. Ảnh: Letsgodigital.


Không hổ danh với những gì người ta đã phong tặng cho định dạng Micro Four Thirds, Panasonic Lumix G1 sở hữu một thân hình nhỏ gọn đáng mơ ước đối với bất cứ mẫu DSLR nào từ trước đến nay. Kích thước các chiều của chiếc camera 12 Megapixel này lần lượt là 124 x 83,6 x 45,2 mm, nhỏ hơn chút ít so với model đang giữ kỷ lục hiện nay là Olympus E-420 với các số đo 129,5 x 91 x 53 mm.

Về mặt cân nặng, hai đối thủ cũng tỏ ra cân tài cân sức với nhau, nhưng đáng lẽ ra Panasonic G1 phải nhẹ hơn so với mức 385 gram mà nó đang mang trên mình, bởi chiếc máy này không có hệ thống gương phản chiếu ở bên trong.

Panasonic Lumix G1 được trang bị màn hình LCD 3" có khả năng lật, xoay linh hoạt. Ảnh: Letsgodigital.


Do G1 không có gương phản chiếu ánh sáng ở bên trong, nên người dùng chiếc máy này sẽ ngắm chụp thông qua màn hình LCD rộng 3" hoặc chiếc kính ngắm điện tử (EVF). Tuy nhiên, do tỷ lệ của màn hình LCD ở chiếc máy này là 3:2, trong khi các bức ảnh sẽ được chụp với định dạng 4:3, nên sẽ không bao quát được hết toàn bộ khung hình. Bù lại, màn hình của Panasonic G1 có khả năng lật, xoay các hướng với góc xoay lên tới 180 độ, tạo thuận lợi lớn cho người chụp trong các góc máy khó.

Thông thường, kính ngắm điện tử (EVF) không được đánh giá cao do không bao quát tốt khung cảnh như kính ngắm quang học. Tuy nhiên, chiếc kính ngắm điện tử mà Panasonic trang bị cho G1 rất hứa hẹn, ít nhất là về độ phân giải (1.440.000 điểm ảnh) và tốc độ refresh (60 khung hình/giây), vượt trội hơn hẳn so với màn hình LCD 920.000 pixel mà Nikon D700 và Canon EOS 50D sở hữu.

Panasonic Lumix G1 và hai ống kính Micro Four Thirds đầu tiên. Ảnh: Engadget.


Do được phát triển trên định dạng Micro Four Thirds, nên khớp gắn ống kính ở G1 cũng nhỏ hơn 6 mm so với những model Four Thirds cũ.

Ra mắt cùng thời điểm với G1 là hai ống kính Micro Four Thirds đầu tiên, Lumix G Vario 14-45mm f3,5-5,6 và Lumix G Vario 45-200mm f4,0-5,6. Cả hai ống kính này đều được tích hợp công nghệ ổn định ảnh, do G1 không có tính năng ổn định ảnh di chuyển cảm biến ngay trên máy. Ngoài ra, chiếc máy này cũng có thể sử dụng với các loại ống kính Four Thirds cũ, nhưng cần phải có adapter chuyển đổi.

Panasonic Lumix G1 được trang bị nhiều tính năng dễ sử dụng. Ảnh: Dpreview.


Thay vì sử dụng vi xử lý ảnh Venus Engine IV giống như trên những mẫu máy ảnh compact, Panasonic trang bị cho G1 bộ xử lý ảnh mới mang tên Venus Engine HD. Đây là một bước cải tiến đầy hứa hẹn, bởi thế hệ vi xử lý cũ Venus Engine IV cũng đã có chất lượng rất cao. Theo Panasonic, Venus Engine HD cho phép người dùng kiểm soát các gam màu cơ bản là đỏ (R), xanh lam (B) và xanh lá (G), giúp tái hiện màu sắc trung thực hơn trong các bức ảnh.

Bên cạnh đó, Panasonic vẫn duy trì những tính năng ấn tượng ở các dòng máy compact như chế độ chụp tự động Intelligent Auto trong G1. Điều này giúp những người dùng phổ thông, đối tượng khách hàng chính của G1, có thể dễ dàng làm quen với chiếc máy ống kính rời này.

Panasonic Lumix G1 có 3 lựa chọn về màu vỏ. Ảnh: Gizmodo.


Tóm lại, đúng như Panasonic nhận định, G1 là một chiếc máy ống kính rời lý tưởng cho những người chụp nghiệp dư, muốn dấn thân vào con đường nhiếp ảnh nhưng vẫn chưa quen với những tính năng phức tạp cũng như thân hình cồng kềnh, nặng nề của một chiếc DSLR truyền thống. Máy cũng rất hợp với nữ giới, khi có tới 3 lựa chọn về màu sắc là xanh, đỏ và đen. Giá bán lẻ của chiếc máy này tại thị trường châu Á được dự đoán là dưới 850 USD, bao gồm một thân máy và một ống kit.

Điểm mạnh: thân hình nhỏ nhẹ, kính ngắm điện tử độ phân giải cao, màn hình xoay, lật 180 độ, bộ xử lý ảnh Venus Engine HD

Điểm yếu: không có kính ngắm quang, màn hình tỷ lệ 3:2

Thứ Năm, 18/09/2008 09:10
31 👨 252
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp