Thông tư quản lý GameOnline: 5 vấn đề "nóng hổi" nhất

Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn (thứ 2 từ trái sang): " Vấn đề tài sản ảo trong Game có phải là một dạng tài sản hay không còn chưa ngã ngũ, nên chưa nên đưa vào nội dung thông tư quản lý GameOnline" (ảnh: Thế Phong)

“Nội dung dự thảo thông tư quản lý GameOnline về cơ bản đã nhận được sự đồng thuận của các doanh nghiệp, mặc dù vẫn còn nhiều điểm phải cân nhắc thêm” - Thứ trưởng Bộ VHTT Đỗ Quý Doãn khẳng định khi trình bày nội dung dự thảo thông tư và xin ý kiến bình luận của giới báo chí.

Trong buổi làm việc sáng ngày 10/3/2006, Thứ trưởng Đỗ Qúy Doãn đã trình bày khá chi tiết các nội dung của dự thảo thông tư liên bộ về quản lý trò chơi trực tuyến (Online Games) với giới báo chí.

Dự thảo thông tư quản lý GameOnline đưa ra lần này là bản thảo lần thứ 7, do Bộ VHTT, Bộ Công an và Bộ Bưu chính – Viễn thông chịu trách nhiệm và hướng dẫn thực hiện.

Nội dung thông tư 6 chương gồm: Chương 1: Những quy định chung; chương 2: Nội dung trò chơi trực tuyến; chương 3: Cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến; Chương 4: Trách nhiệm của các bên tham gia cung cấp và sử dụng dịch vụ trò chơi trực tuyến; chương 5: Thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm và chương cuối điều khoản thi hành.

Sôi nổi nhất là khi Thứ trưởng Đỗ Qúy Doãn đưa ra năm vấn đề “đau đầu” nhất trong khi soạn thảo thông tư quản lý GameOnline và cách giải quyết trong bản thảo lần này.

Vấn đề thứ nhất, “doanh nghiệp cung cấp dịch vụ GameOnline có phải là hoạt động trong lĩnh vực gia tăng dịch vụ Internet hay không? Theo đó có cần giấy phép OSP không?”

Vấn đề này sau đó nhận đã nhận được sự đồng thuận của hầu hết các nhà cung cấp dịch vụ và báo giới với câu trả lời khẳng định: Các doanh nghiệp khi muốn kinh doanh cung cấp loại hình giải trí trực tuyến GameOnline cần phải có giấy phép cung cấp dịch vụ ứng dụng trên Internet.


Vấn đề thứ 2, có nên đưa vấn đề thuế vào thông tư không? Câu trả lời sau đó cũng được Thứ trưởng Doãn đưa ra, cho rằng “Thông tư quản lý Game Online quản lý thuần túy về nội dung, kỹ thuật và các vấn đề an ninh của loại hình này, nên sau khi tham khảo ý kiến của Bộ tư pháp, Tổng cục thuế, Bộ Tài chính và một số cơ quan liên quan, chúng tôi quyết định không đưa nội dung về Thuế vào thông tư!”


Vấn đề thứ 3, thông tư có đưa các nội dung về các giấy phép của doanh nghiệp khi tham gia cung cấp trò chơi trực tuyến hay không? Đó là các các vấn đề đến việc xin phép mở trang web khi triển khai game, vấn đề chứng nhận về nội dung và kịch bản của Game từ bộ Văn hóa, giấy phép cung cấp dịch vụ ứng dụng Internet…

Về vấn đề này đại diện ban soạn thảo khẳng định: “Mặc dù phía doanh nghiệp luôn có mong muốn càng đơn giản thủ tục càng tốt, xong cơ quan quản lý vẫn phải đưa vào thông tư một số quy định cần thiết. Và đó là những yêu cầu không thể không thực hiện”.

Vấn đề thứ tư, khiến ban soạn thảo thông tư phải cân nhắc rất nhiều là vấn đề giới hạn giờ chơi. “Cần chú ý là việc đưa ra giới hạn giờ chơi 3 giờ cho mỗi account GameOnline là con số chúng tôi đã cân nhắc kỹ và có tham khảo một số nước đã áp dụng quy định này” Thứ trưởng nói.

Còn về câu hỏi: mục đích chính của quy định giới hạn giờ chơi là nhằm giới hạn giờ online của các game thủ, tránh tình trạng người chơi tiêu tốn quá nhiều thời gian cho game và gây nên những tác động tiêu cực. Thứ trưởng Đỗ Qúy Doãn cho rằng: “Quy định chỉ nhằm hạn chế tối đa, còn nếu gamer chơi nhiều account, nhiều game nhằm “lách” quy định hạn chế giờ chơi thì cũng …đành chịu. Tránh tác động do chơi game quá nhiều còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, ý thức cá nhân, sự quản lý giáo dục của gia đình, khuyến cáo của nhà cung cấp dịch vụ… chứ không chỉ một quy định trong thông tư giải quyết triệt để nổi.”

Vấn đề cuối cùng, cũng là vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất là “Thông tư liên tịch quản lý Game Online có nên bảo hộ tài sản ảo trong game hay không?”

Tài sản ảo là một trong những điểm hấp dẫn nhất của Game Online, đồng thời Game thủ trong khi tạo ra những giá trị cho tài sản ảo cũng phải bỏ công sức trí tuệ, tiền bạc, thời gian, nên nếu hoàn toàn buông nổi nó cũng không hợp lý. Đó là quan điểm chung của nhiều bên liên quan đến thông tư quản lý Online Games.

Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt nằm ở chỗ, các tài sản ảo (như các nhân vật, mũ, áo giáp, vũ khí tiền… trong game) có phải là một dạng tài sản hay không? Và ai sẽ đứng ra quản lý và chịu trách nhiệm giải quyết nếu xảy ra tranh chấp liên quan đến tài sản ảo trong Game?

Thứ trưởng Doãn có câu trả lời khá thẳng thắn về vấn đề này: “Hiện tại có coi các Item (như các nhân vật, mũ, áo giáp, vũ khí tiền… trong game) có phải là tài sản hay không còn đang tranh cãi chưa có kết luận chính xác. Và chúng tôi cho rằng vấn đề này cần một văn bản cao hơn thông tư này, do các cơ quan chức năng cao hơn như bộ tài chính, bộ công an, cơ quan luật… xem xét và đưa ra quyết định. Chính vì chưa ngã ngũ chuyện tài sản ảo có phải là một dạng tài sản hay không, nên chúng tôi không đưa nội dung bảo hộ tài sản ảo vào thông tư.”

“Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề nếu xảy ra các tranh chấp liên quan đến các tài sản ảo trong game, chúng tôi đưa vào thông tư một nội dung là các nhà cung cấp dịch vụ phải chịu trách nhiệm đảm bảo quyền lợi đúng đắn cho người chơi. Quyền lợi ở đây hiểu theo nghĩa rộng hơn chứ không chỉ về vấn đề tài sản ảo. Theo tôi như thế là hợp lý.” Thứ trưởng Đỗ Qúy Doãn nói thêm.

Như vậy, vấn đề tài sản ảo không có mặt trong nội dung thông tư quản lý GameOnline và chưa có kết luận cuối cùng. Việc quyết định còn dựa vào kết quả của việc Nhà nước có công nhận các Item trong game là một dạng của tài sản (giống như tên miền, địa chỉ Email, dữ liệu web… vẫn được gọi là tài sản vô hình) hay không.

Thế Phong

Chủ Nhật, 12/03/2006 17:45
31 👨 82
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp