Thị trường outsourcing Nhật Bản - miền đất hứa của VN?

"Cơ hội hợp tác với Nhật Bản về gia công phần mềm là rất lớn. Nhưng có hai vấn đề then chốt mà chúng ta cần làm tốt để thành đối tác outsourcing chủ yếu của nước bạn, đó là ngôn ngữ bản địa và quản lý chất lượng", Chủ tịch VINASA Trương Gia Bình nhấn mạnh tại buổi tọa đàm diễn ra chiều nay ở Hà Nội.

Sau chuyến thăm và làm việc tại Tokyo từ ngày 6 đến 12/6 do Thứ trưởng Bộ Bưu chính viễn thông Mai Liêm Trực dẫn đầu, đoàn công tác của Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Việt Nam (VINASA) và Bộ Bưu chính viễn thông (MPT) đã rút ra được một số kinh nghiệm khi hợp tác với các công ty ở đất nước mặt trời mọc.

Ông Trương Gia Bình cho biết tại cuộc gặp lần này, các quan chức chính phủ Nhật Bản đều khẳng định họ coi VN là một quốc gia có khả năng nhận gia công phần mềm cho Nhật Bản sau các nước Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc, nhưng VN được xem là ưu tiên số 1. Do vậy, chính phủ nước này sẵn sàng xem xét việc cung cấp một khoản tín dụng ODA (một phần là viện trợ không hoàn lại) trị giá khoảng 50-80 triệu USD để giúp VN thực hiện chương trình đào tạo kỹ sư CNTT bằng tiếng Nhật và theo tiêu chuẩn Nhật Bản với quy mô lớn. Chương trình dự kiến sẽ cho ra lò hàng nghìn kỹ sư CNTT thành thạo tiếng bản địa để phục vụ việc hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực này.

Anh Lương, Giám đốc một công ty Việt Nam đang làm ăn với Nhật Bản, chia sẻ: “Thực chất việc hợp tác với các đối tác Nhật Bản không hẳn là một bức tranh toàn màu hồng. Họ cho rằng giá rẻ, nguồn nhân lực tốt và văn hóa tương đồng không chỉ là lợi thế của Việt Nam, mà Trung Quốc cũng có thế mạnh tương tự, thậm chí giá thuê nhân công còn rẻ hơn so với chúng ta. Tuy nhiên, VN có lợi thế là hầu hết lập trình viên đều tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM, trong khi Trung Quốc lại phân tán”.

Giám đốc Công ty Tin học MISA Thúy Hà bổ sung phía Nhật có xu hướng thích hợp tác với nhiều công ty VN trong cùng 1 dự án. “Do đó, chúng ta cần tạo cho họ niềm tin rằng các công ty VN rất đoàn kết", bà nói.

Còn theo bà Bùi Thị Hồng Liên, Công ty Phần mềm FPT, 3 yếu tố then chốt mà VN cần phải nắm chắc khi hợp tác với đối tác ở xứ sở anh đào là chất lượng, tính đúng hạn và giá thành.

Thứ trưởng Mai Liêm Trực cũng đánh giá thị trường gia công phần mềm ở Nhật Bản là rất lớn. “Chúng ta cần phải xác định khi làm ăn với Nhật Bản thì có nghĩa là hợp tác lâu dài và bền vững, chứ không thể ‘đánh quả’ được. Để làm được như vậy, tôi cho rằng vai trò điều phối của VINASA rất quan trọng”. Tuy nhiên, vị lãnh đạo này cũng bày tỏ nỗi lo ngại về nếp làm việc khá tùy tiện của người Việt hiện nay bởi đó sẽ là rào cản trước một đối tác luôn coi trọng sự tin cậy và đúng hạn.

Cũng trong chuyến thăm Nhật Bản vừa qua, lễ khai trương văn phòng đại diện công ty liên doanh VIJASGATE giữa các công ty phần mềm hai nước đã được tổ chức tại Tokyo. Ông Vũ Tiến Hồng Phúc, một kỹ sư VN có trên 6 năm học tập và làm việc tại xứ Phù Tang, được bổ nhiệm là trưởng đại diện. Liên doanh này đã tuyển dụng đợt đầu tiên và gửi 9 kỹ sư phần mềm người Việt để đào tạo và thực tập tại các công ty Nhật là đối tác trong liên doanh. Hiện VIJASGATE đề nghị tiếp nhận thêm 6 kỹ sư phần mềm VN từ chương trình đào tạo 6 tháng tại Nhật do VINASA phối hợp với AOTS (Hiệp hội học bổng kỹ thuật hải ngoại Nhật Bản) tiến hành.

Bên cạnh đó, đoàn Việt Nam cùng với Hiệp hội ngành công nghiệp dịch vụ CNTT Nhật Bản (JISA) phối hợp tổ chức hội thảo hợp tác CNTT Việt - Nhật tại Tokyo. Đại diện MPT và VINASA cũng gặp gỡ với CICC (Trung tâm hợp tác quốc tế về CNTT của Nhật Bản) về việc chuẩn bị cho đoàn đại biểu CICC (khoảng 20 người) sang thăm Việt Nam và tổ chức buổi tọa đàm trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực và phần mềm Việt - Nhật, dự kiến sẽ diễn ra tại Hà Nội vào ngày 13/7.

Ngoài ra, các thành viên VINASA và MPT còn có những cuộc tiếp xúc và thảo luận với AOTS (về việc triển khai chương trình gửi kỹ sư phần mềm VN sang Nhật đào tạo 6 tháng vào tháng 8 tới), trường Đại học Keio, đồng thời thăm và làm việc tại một số tập đoàn lớn như: Hitachi, Fujitsu, NTT, ISS và Trend Micro.

Hôm 21/6, Bộ trưởng phụ trách CNTT của Nhật Bản, Toshimitsu Motegi, đã sang thăm chính thức Việt Nam và ký kết Tuyên bố chung với Bộ trưởng Bưu chính viễn thông Đỗ Trung Tá về chương trình hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực CNTT nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế hai nước. Chương trình này dự kiến gồm: phối hợp đào tạo nhân lực CNTT với các cơ sở đào tạo đại học của VN, các chương trình đào tạo khác nhau, hỗ trợ giám định kỹ sư CNTT, phát triển chính sách CNTT…

Thứ Bảy, 26/06/2004 09:41
31 👨 568
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp