Quản lý đầu tư các dự án ứng dụng CNTT

Bài viết dưới đây nhằm đóng góp ý kiến cho việc thực hiện các quy định của Nhà Nước trong quản lý đầu tư về CNTT theo tinh thần công văn số 02/BCĐ CNTT ngày 6/2/2006 của Ban Chỉ Đạo Quốc Gia về CNTT. BBT mong tiếp tục nhận được những ý kiến, bài viết của bạn đọc nhằm nâng cao hiệu quả quản lý trong lĩnh vực này.

Kiến nghị về định giá phần mềm và quản lý dự án

Thời gian qua, các dự án (DA) ứng dụng CNTT gặp nhiều khó khăn vì phải áp dụng các hướng dẫn định mức và đơn giá của đầu tư xây dựng cơ bản cho CNTT, đặc biệt là cho phần mềm (PM). Tranh luận về hiệu quả đầu tư dễ dàng trở thành tranh cãi về góc nhìn, do không có tiêu chí để so sánh. Có ý kiến cho rằng đầu tư vào các DA PM là lãng phí, nhiều lỗ hổng, các nhà quản lý quá nhiều quyền, thiếu trách nhiệm. Có người lại nói hành lang pháp lý cho quản lý các DA PM quá hẹp, không đảm bảo an toàn cho cán bộ quản lý, vì vậy tốt nhất là lái các DA theo hướng mua sắm máy móc, đào tạo, hoặc không làm gì cả. Một số người thấy mừng khi các DA CNTT chưa triển khai được, vì nếu có làm cũng chỉ thêm lãng phí.

Về khía cạnh luật pháp, trừ những trường hợp đặc biệt, trách nhiệm của người quản lý DA CNTT thường không đi đôi với việc thực hiện đúng các quy định hiện hành. Đó chính là đặc thù hậu kiểm của các DA CNTT, khác với DA đầu tư xây dựng cơ bản. Ví dụ, khi xây dựng một tòa nhà 10 tầng, người quản lý có trách nhiệm thực hiện chính xác theo thiết kế, nếu xây thêm tầng thứ 11 là vi phạm, cho dù không phát sinh chi phí. Ngược lại, trong trường hợp một DA về CNTT được phê duyệt vài năm trước với kết nối dial-up, nếu cán bộ quản lý cứ rập khuôn thực hiện trong khi nhu cầu hiện nay là truy cập băng rộng, thì sẽ rất thiếu trách nhiệm. CNTT biến đổi rất nhanh, nên quản lý DA phải có đặc trưng hậu kiểm (đánh giá kiểm thử sau khi hoàn thành thi công). Tuy nhiên, đưa cơ chế hậu kiểm vào thay cơ chế tiền kiểm là công việc mất rất nhiều công sức. Nhiều người quan niệm giản đơn và sai lầm rằng định giá phần mềm là giải quyết toàn bộ khúc mắc.

Định giá phần mềm

Bài toán này thực chất là xác định giá trị của một PM trước khi phê duyệt đầu tư DA. Đứng từ quan điểm nhà sản xuất, giá sản xuất (hay giá thành) là chi phí để phát triển một sản phẩm. Đối với người sử dụng, giá là chi phí họ phải trả, chính là giá thị trường. Hai giá này khác xa nhau. Giá sản xuất một con chip của Intel có thể lên tới hàng tỷ USD trong khi giá thị trường không thể quá vài trăm USD. Như vậy, trong DA đầu tư ứng dụng CNTT, ngoài việc tách phần mềm, phần cứng và dịch vụ còn phải tách PM hàng hóa và PM "may đo". Hiện không hề có quy định nào về PM "may đo". Nếu nhà nước phải trả chi phí đầu tư "may đo" nhiều lần cho cùng một sản phẩm thì đó chính là sự lãng phí lớn nhất. Năm 2001, Hàn Quốc đã có pháp lệnh ngăn cấm đầu tư trùng lắp về PM cùng một chức năng, quản lý cùng một quy trình. Trong khi đó, các bộ, ngành, địa phương ở VN hiện nay đua nhau đầu tư vào "cổng điện tử". Trong cùng một thành phố, các quận và cơ quan chức năng vẫn xây dựng các cổng riêng, thậm chí sử dụng công nghệ nền khác nhau, không đảm bảo tích hợp. Đứng về mặt đầu tư, các công ty PM hoàn toàn có thể sử dụng cùng một PM với giá "may đo" nhiều lần để thu lợi lớn. Mặt khác, cũng cần làm rõ, nếu Nhà Nước định giá cho DA "may đo", thì hợp đồng thực hiện phải xác định quyền sở hữu trí tuệ thuộc về Nhà Nước(*). Cho đến nay, các hợp đồng xây dựng PM theo giá "may đo" không hề có điều khoản này. Có thể chính vì thế, giá trị gia tăng của một số công ty PM vượt 50-60%, có khi lên tới 90% doanh thu, theo một nghiên cứu gần đây.

Quản lý DA ứng dụng CNTT thế nào?

Mọi trò chơi cần phải có luật chơi, được soạn thảo ngoài sân chơi. Thời gian vừa qua, cơ quan triển khai các DA ứng dụng CNTT đã phải vừa chơi vừa đặt ra luật chơi cho mình.Về lâu dài, tình trạng này cần sớm chấm dứt. Quản lý các DA ứng dụng CNTT cần thực hiện theo một chính sách chung áp dụng cho cả nước để bảo đảm tiết kiệm, nâng cao tiến độ và chất lượng công trình. Một số DA, trong trường hợp cần thiết cần phải nâng chi phí đầu tư để tạo ra những giá trị có thể tiết kiệm đầu tư cho các DA khác. Chẳng hạn, có thể đầu tư xây dựng những PM nền cho quản lý hành chính, kế toán, cổng thông tin... với chi phí cao để sử dụng công nghệ tiên tiến và thiết kế chuyên nghiệp nhất. Trên cơ sở đó, khuyến khích các đơn vị sử dụng các PM nền này để phát triển các ứng dụng, tiết kiệm đầu tư và có chất lượng tốt do được thử nghiệm nhiều. Về chất lượng, cần có một quy trình càng chi tiết càng tốt từ khâu xây dựng và phê duyệt DA, đến khâu thiết kế thi công và kiểm thử-nghiệm thu DA. Điểm mới của quy trình này (so với quy trình DA đầu tư xây dựng cơ bản) là phải có một giai đoạn kiểm thử với phân bổ dự toán thích đáng (từ 15-30% theo kinh nghiệm quốc tế). Giai đoạn này sẽ được một nhà cung cấp dịch vụ thử nghiệm độc lập với nhà thi công thực hiện. Giai đoạn thử nghiệm sẽ dựa trên tài liệu kiểm thử được phê duyệt từ trước. Hiện nay, do không có quy định về bắt buộc kiểm thử khi nghiệm thu, nhiều hội đồng nghiệm thu buộc phải đánh giá chất lượng công trình dựa trên mô tả và trình bày của nhà sản xuất mà không có số liệu kiểm thử.

Ban Chỉ Đạo Quốc Gia về CNTT trân trọng đề nghị quý cơ quan cung cấp những thông tin sau:

1. Những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc khi áp dụng những văn bản của Nhà Nước liên quan đến đầu tư trong lĩnh vực CNTT (các luật, nghị định, thông tư và các quy định khác được áp dụng để triển khai các kế họach, chương trình, đề án, dự án CNTT), cụ thể về các mặt như: quy chế quản lý, định mức kinh tế, kỹ thuật, đơn giá...

2. Những ý kiến về việc bổ sung, sửa đổi, xây dựng mới các văn bản của Nhà Nước nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý đầu tư về CNTT.

Trích công văn số số 02/BCĐ CNTT ngày 6/2/2006

Để đảm bảo tiến độ của công trình, giai đoạn xây dựng và phê duyệt không thể kéo quá dài. Các DA ứng dụng CNTT, đặc biệt là DA PM có đặc thù là quá trình thiết kế không thể tách rời quá trình thi công. Do đó, đòi hỏi có thiết kế chi tiết mới lập dự toán và phê duyệt là bất hợp lý. Hiện nay, nghị định 52 chỉ cho phép chi phí từ 1-5% tổng đầu tư cho việc xây dựng và phê duyệt DA. Chi phí này không đủ để thiết kế (theo kinh nghiệm quốc tế, thiết kế thường cần ít nhất 30% giá trị DA). Mặt khác, nếu nâng đầu tư cho khâu phê duyệt DA lên mức trên 20-30% tổng giá trị đầu tư, sẽ làm cho khâu phê duyệt trở nên cồng kềnh và có nhiều rủi ro do công nghệ có thể thay đổi khi việc xây dựng DA kéo ra nhiều năm. Như vậy, cần quy định yêu cầu tối thiểu cho khâu xây dựng-phê duyệt DA để giữ mức đầu tư cho giai đoạn này ở mức dưới 10%. Mặt khác, với mức đầu tư này, các nhà tư vấn còn có thể chịu rủi ro mà vẫn đảm bảo chất lượng.

Mỗi giai đoạn DA lại có thể tách ra thành các công đoạn chi tiết hơn như xây dựng tài liệu kiểm thử, thiết kế bậc cao, thiết kế chi tiết... theo quy trình chuẩn quốc tế. Nói một cách khác chi phí X sẽ được tách như sau:

X = p1.X+ p2. X+... +Pn.X

với: p1+p2+...+ pn = 100%, pi là tỷ lệ đầu tư cho công đoạn thứ i. Các hệ số tỷ lệ này lúc đầu có thể tạm quy định theo số liệu quốc tế và điều chỉnh dần theo thực tế. Vấn đề còn lại là xác định giá trị X khi phê duyệt DA

Trên thế giới có nhiều phương pháp định giá và định mức cho PM. Tuy nhiên, người ta đều phải dựa chủ yếu trên cơ sở dữ liệu (CSDL) các DA về CNTT. Ý tưởng này khá tự nhiên. Khi mua sắm một tài sản nào đó cho cơ quan, kế toán sẽ lập dự chi dựa trên cơ sở một số đơn báo giá, tức là hoàn toàn dựa trên kinh nghiệm mua sắm của cơ quan trong quá khứ. Nói cách khác, kế toán đã sử dụng một CSDL thô sơ. Tất nhiên, thủ trưởng chỉ sử dụng ý kiến của kế toán để tham khảo và có quyền phê duyệt độc lập.

Tương tự, cấp phê duyệt DA đầu tư ứng dụng CNTT (Bộ và các sở BCVT) có thể sử dụng các CSDL các DA như một công cụ thẩm định giá. Với thời gian, CSDL càng đầy đủ, việc thẩm định giá càng chính xác và có thể sử dụng để chọn lựa nhà sản xuất phần mềm. Như vậy, cần đưa việc bắt buộc báo cáo về tình hình thực hiện DA và chuyển giao các giá trị sở hữu trí tuệ cho các cơ quan quản lý nhà nước vào quy chế quản lý các DA về CNTT.

Lệnh Lỗi Dương

Thứ Ba, 11/07/2006 11:04
31 👨 395
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp