Người dùng iOS và Android tiêu tiền vào game như thế nào?

Sau khi nghiên cứu 57 triệu lượt đặt mua của người dùng trên cả hai hệ thiết bị di động iOS và Android, công ty nghiên cứu thị trường Flurry đã phát hiện một số điều rất thú vị liên quan tới hành vi này.

Theo nghiên cứu của công ty này, những người thích chơi game trên điện thoại di động (tạm gọi là game thủ di động) trên hai hệ điều hành này tiêu phần lớn tiền bạc vào các vật phẩm ảo mang tính chất “khấu hao”. Nghĩa là những vật phẩm này sẽ bị hao hụt đi sau quá trình sử dụng, ví dụ lựu đạn trong các trò chơi chiến tranh hay phân bón giúp cho cây trồng phát triển nhanh hơn trong các trò chơi nông trại. Kém phổ biến hơn một chút là các hàng hóa dạng “lâu bền” (mang lại lợi ích ổn định) hoặc “các vật phẩm mang tính cá nhân hóa”, thường có thể nâng cấp được.

Người dùng iOS và Android tiêu tiền vào game như thế nào?

Flurry cho biết việc mua sắm trực tiếp trong các ứng dụng đang là con gà đẻ trứng vàng cho ngành game di động. Một điều đáng chú ý là 65% tổng doanh thu lại đến từ 100 game cung cấp miễn phí và chỉ kiếm tiền bằng cách bán vật phẩm trong game. Để có thể có cái nhìn rõ hơn về sự lớn mạnh của thị trường này, hãy nhìn vào "chợ ứng dụng" iTunes App Store. Nhóm 5 ứng dụng dẫn đầu trong hạng mục “tăng trưởng nhanh nhất” toàn là game miễn phí, và có đến 22/25 ứng dụng nằm trong hạng mục này là game.

Người dùng iOS và Android tiêu tiền vào game như thế nào?
Infinity Blade (iOS) - nếu muốn có 2 triệu tiền game để vũ trang ngay các đồ xịn, bạn phải bỏ ra
49,99USD (~ 1triệu VNĐ)

Đối với các nhà phát triển ứng dụng thì mua sắm trong ứng dụng là phương thức tốt nhất tạo ra thu nhập. Lĩnh vực của nó cũng cực kỳ đa dạng. Người chơi có thể làm phong phú trải nghiệm của mình trong trò chơi với các hàng hóa ảo, tiền tệ trong game, các ứng dụng mở rộng và các vật phẩm khác miễn là họ bỏ tiền ra mua.

Phương thức mua bán sử dụng tiền tệ trong game đang phổ biến nhất, có tới 68% game thủ di động sử dụng phương thức này cho các vật phẩm mang tính chất "khấu hao" như đã nói ở trên, trong khi chỉ có 30% mua các vật phẩm “lâu bền” (ví dụ cho các vật phẩm loại này là các bộ áo giáp trong các trò chơi nhập vai RPG, hay một tòa nhà trong các trò chơi mô phỏng thành phố).

Flurry lưu ý rằng các nhà sản xuất game nên đưa cả 2 loại vật phẩm này vào game của mình. Lý do là vật phẩm “lâu bền" thường cho người chơi có cảm giác mình đã đạt được một tầm cao mới, và cho phép họ tránh các nâng cấp/mua sắm lặt vặt và tiết kiệm tiền để mua tiếp một món hàng “khủng" khác. Trong khi đó, chỉ có một số ít (2%) game thủ mua các vật phẩm dùng để cá nhân hóa, có lẽ vì các vật phẩm này chẳng ảnh hưởng gì tới cách chơi trong game. Trừ khi game có thuộc tính cần cá nhân hóa một cách đậm đặc, còn không thì Flurry cũng đề xuất các nhà phát triển không cần quá chú trọng vào chúng.

Các mẫu sử dụng cho nghiên cứu này được thu thập từ dữ liệu trong vòng một năm, bao gồm 57 triệu lượt thanh toán trực tiếp từ các ứng dụng game của các thiết bị di động iOS và Android và số lượng 2 triệu người dùng. Và như vậy có nghĩa là con số ấn tượng trên mới chỉ dừng lại phạm vi nghiên cứu của Flurry.

Thứ Năm, 18/08/2011 17:10
31 👨 232
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp