Ngôn ngữ chat - công cụ giải mã nhập cuộc

Đa số thanh thiếu niên như "cá gặp nước" khi sử dụng dịch vụ nhắn tin bởi ở đó, những từ viết tắt và tiếng nước ngoài như Paw (parents are watching - tớ đang bị bố mẹ kiểm soát, Mos (mom over shoulder - mẹ đang đứng đằng sau) sẽ được phát huy tối đa.

Nghiên cứu gần đây của tổ chức Pew (Mỹ) cho thấy cứ 4 học sinh thì lại có một em dùng ngoại ngữ hoặc tiếng lóng thường xuyên để cảnh báo bạn chat về những cặp mắt đang nhòm ngó.

Bọn trẻ đã tự tạo ra thứ ngôn ngữ riêng từ nhiều năm nay và tin nhắn cũng như blog chỉ là những công cụ mới nhất để chúng thể hiện điều đó. Hơn nữa, việc "tung hứng" với khoảng 3-5 cửa sổ chat cùng lúc buộc chúng phải thường xuyên viết tắt, chưa kể SMS còn bị giới hạn trong 160 ký tự.

LOL = Laughing out loud, BRB = Be right back, A/S/L = Age/Sex/Location. Ảnh: CNet.

Tất nhiên, không riêng gì giới trẻ ưa chuộng viết tắt. Chuyên gia phát triển phần mềm, game thủ... cũng có những thuật ngữ riêng. Những người hay sử dụng e-mail cũng đã quen với Omg (Oh my God - lạy chúa), Lol (laughing out loud - cười to), Brb (be right back - tôi sẽ trở lại ngay), Ttul (talk to you later - nói chuyện sau nhé)...

Dù vậy, ngoài những từ quen thuộc kể trên, không ít ông bố bà mẹ đã phải nhíu mày nhăn trán khi ngó vào màn hình của con mình. Họ làm sao biết đến các "biệt ngữ" như Paw, Mos hay Wu (what's up - có việc gì thế?)... Chính vì thế, họ bắt đầu tìm đến các công cụ giải mã trên mạng. Những website từ điển tiếng lóng như NoSlang.com, Teenangels.org hay Teenchatdecoder.com đang khiến các nhiều cậu học sinh bực mình.

"Các vị phụ huynh khen ngợi sản phẩm của tôi, còn giới trẻ thì ghét ra mặt khi tôi tiết lộ những bí mật nhỏ của chúng", Ryan Jones, kỹ sư 25 tuổi người Mỹ và là chủ nhân trang NoSlang, cho hay. Jones vừa cập nhật thêm hàng nghìn từ mới và cho phép người sử dụng trình duyệt Firefox hoặc Internet Explorer tải về máy.

Tuy nhiên, xu hướng sử dụng ngôn ngữ tuổi teen cũng thay đổi tương đối nhanh và rất khó bắt kịp. Theo một khảo sát của tổ chức Pew, 52% thiếu niên muốn "nấu cháo" điện thoại cố định, 24% thích chat và 12% muốn dùng thiết bị di động.

Hải Nguyên

Thứ Năm, 16/11/2006 08:19
31 👨 94
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp