Học trên mạng mở rộng cho mọi người

Các chính phủ và tổ chức quốc tế đang đẩy mạnh kế hoạch mở chương trình đào tạo từ xa, sử dụng Internet như một công cụ đắc lực cung cấp các khóa học miễn phí hoặc giá rất thấp.

Internet giúp nhiều người tự học thông qua tài liệu mở do các đại học danh tiếng cung cấp trên mạng - Ảnh: Internet

Các mô hình học tập trên mạng ở các nước phát triển và đang phát triển rất khác nhau, nhưng chúng đều đang cung cấp cơ hội cho những ai muốn học và nâng cao trình độ, bất kể tuổi tác.

Khi phát minh ra ngành in ấn, người ta không thể tưởng tượng được ảnh hưởng lớn mạnh của nó đến việc truyền bá kiến thức. Nhưng chỉ với 40 năm tuổi đời, Internet đã xóa nhòa ranh giới kiến thức giữa các lục địa theo tiêu chí “tri thức là của chung của nhân loại và tri thức cần phải được chia sẻ”.

Khai mở kiến thức

Tính từ năm 2002 đến nay, dự án tài liệu học tập mở của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT, Mỹ) đã đưa 1.900 khóa học lên mạng. Không cần đăng ký, học viên ở bất kỳ đâu, chỉ cần có máy tính và Internet là có thể tải tài liệu từ trường đại học danh tiếng này.

Dù MIT không cấp giấy chứng nhận và tài liệu học chỉ là một phần nhỏ của chương trình học tại MIT, nhưng đây là cơ hội quý giá cho biết bao người muốn một lần đặt chân đến giảng đường của MIT, nơi học phí mỗi năm là 40.000 USD/người (720 triệu đồng). Các tài liệu học tập được cấp miễn phí, học viên có thể tự chọn thời gian, môn học tùy sở thích.

Ở Anh, đại học mở (open university) được coi là mô hình tiên phong cho loại hình đào tạo online miễn phí. Tham gia lĩnh vực này từ năm 1971, trường đã kết hợp với BBC phát các bài giảng miễn phí trên trang web. Tháng 10-2006, học viện này đã phát triển dự án tài liệu học tập mở (OpenLearn) và đến nay đã có hơn 8 triệu lượt truy cập. OpenLearn đã lấy 5% tài liệu giảng dạy, tương đương 5.400 giờ giảng của trường và phát tới công chúng miễn phí qua mạng.

Người học không cần phải đăng ký và nộp tiền để nhận tài liệu học, chỉ cần click và chọn môn học mình quan tâm. Thời gian học linh hoạt, không tốn kém là điều tuyệt vời cho những ai muốn tiếp tục tìm hiểu sự mới lạ của cuộc đời, trong khi vẫn phải chạy đua “cơm áo gạo tiền”.

Ở Hà Lan, đại học giáo dục từ xa đang có kế hoạch đưa các khóa học trên mạng này có thể kiếm kinh phí để tự trang trải. Trường đại học Mở Hà Lan (Open University Netherlands) cung cấp các khóa học trên mạng miễn phí và dùng nó để thu hút người học đăng ký các khóa học thu phí khác. Robert Schuwer, giám đốc dự án, nói với The New York Times rằng 10% người học nội dung miễn phí sẵn sàng trả tiền cho những khóa học trên mạng có thu phí.

Rẻ hơn xây trường đại học mới?

Các nước đang phát triển ở châu Á cũng nhanh chóng tận dụng Internet để thu ngắn khoảng cách học tập giữa các vùng miền. Chính phủ Trung Quốc đang hỗ trợ kinh phí cho hàng chục trường đại học để phát triển giáo án dạy học cho sinh viên rồi đưa toàn bộ lên mạng. Mục đích của chương trình là giúp các giảng viên ở các vùng thiếu điều kiện tiếp xúc với tài liệu mới hoặc chương trình mới có thể học hỏi được từ những giảng viên giỏi nhất của nước mình và nâng cao chất lượng bài giảng của chính họ.

Stian Haklev, sinh viên Đại học Toronto (Canada) - người nghiên cứu các dự án đào tạo trên mạng ở Trung Quốc, cho rằng “dự án chất lượng” này chủ yếu tập trung đem lại lợi ích cho các giảng viên, trong khi sinh viên chỉ là phần nhỏ. Như vậy, mô hình này khác với dự án của MIT.

Chính phủ Trung Quốc cho rằng đây là cách tiết kiệm chi phí và hiệu quả để nâng cao trình độ giáo dục. Dù sinh viên có thể học từ những tài liệu trên mạng, nhưng chương trình này không được thiết kế trực tiếp cho họ” - Stian nói. Đến nay, hơn 10.000 khóa học của các trường đại học Trung Quốc hiện có trên mạng.


Ảnh minh họa: Internet

Khác với Trung Quốc, tại Ấn Độ, sinh viên là đối tượng trực tiếp của các khóa học miễn phí trên mạng. Các trường nước này vốn nổi tiếng về công nghệ ứng dụng đã bắt đầu đưa lên mạng bài giảng từ năm 2007. Họ hi vọng hàng triệu sinh viên của các trường đại học ít danh tiếng hơn có thể hưởng lợi từ các chương trình này. Video của khoảng 110 khóa học tại các trường công hiện đã có trên mạng, mỗi khóa kéo dài khoảng 40 giờ video.

Vijay Kumar, phó hiệu trưởng của MIT - người cố vấn cho Bộ Giáo dục Ấn Độ về các kế hoạch tài liệu mở, cho biết chính phủ nước này sẽ tiếp tục hỗ trợ các dự án như vậy vì nó rẻ hơn xây trường đại học mới và thuê thêm giáo sư. “Ấn Độ là một quốc gia đang chạy đua vội vã. Đưa các tài liệu học tập từ các học viện hàng đầu lên mạng là cách nhanh nhất để giúp giáo dục chất lượng cao lan tỏa” - ông giải thích. Điều này có nghĩa học viên sẽ có nhiều cơ hội tiếp xúc với các giáo trình và học vấn đại học, đặc biệt nếu họ ở những nơi xa xôi.

Việc các trường đua nhau đưa bài giảng lên mạng không đồng nghĩa với việc họ sẽ rơi vào hoàn cảnh của báo chí hiện nay. Liệu các trường có bị đóng cửa như các tờ báo bị phá sản khi Internet san bằng mọi khoảng cách về địa lý và không gian? Có vẻ các trường đều biết cách đưa tài liệu miễn phí cho học viên và vẫn duy trì tính hấp dẫn của các giảng viên. Đưa tài liệu miễn phí lên mạng cũng là một cách quảng bá hiệu quả. MIT tin rằng cách này thể hiện tính mở trong giảng dạy và cũng là cách tiếp cận với học viên tiềm năng khi họ hiểu các giá trị học tập tại MIT.

*Số trường đại học danh tiếng nhất thế giới đang đi theo xu hướng đưa bài giảng đến sinh viên bằng cách cung cấp tài liệu học tập cao cấp nhất miễn phí lên nhiều mạng khác nhau. YouTube bắt đầu phát các tài liệu của 45 trường đại học ở châu Âu và Israel. Phần mềm hỗ trợ nghe nhạc iTunes cũng không để bị bỏ rơi lại phía sau. Sự xuất hiện của iTunes U phát các bài giảng của các giáo sư ở Oxford, Cambridge, Yale, Stanford, MIT. Những bài giảng được tải xuống nhiều nhất gần đây là các vấn đề đạo đức của Einstein, thần kinh và nhạc jazz, khởi nghiệp kinh doanh.

Một nghiên cứu nhỏ của Đại học New York ở Fredonia cho thấy việc học viên tải bài giảng trên mạng thậm chí giúp học hiệu quả hơn là đến lớp học. Các nhà nghiên cứu so sánh 64 sinh viên, một nửa học trên lớp, một nửa tiếp nhận bài giảng qua video. Trong đợt kiểm tra, những sinh viên tải bài giảng video học tốt hơn, có thể vì qua video cho họ tua đi tua lại những phần khó.

Các trang web có thể bạn quan tâm:

* Chương trình học liệu mở của Việt Nam: www.vocw.edu.vn/content

* University of The People: www.uopeople.org

* Chương trình học liệu mở của MIT (Mỹ): http://ocw.mit.edu/OcwWeb/web/home/home/index.htm

* Chương trình học liệu mở Open Learn (Anh) http://openlearn.open.ac.uk/, http://www.open.ac.uk/itunes/

* Bài giảng của Đại học California, Berkeley http://itunes.berkeley.edu/

* Bài giảng của Đại học Stanford http://itunes.stanford.edu/

* Hiệp hội Học liệu mở http://www.ocwconsortium.org/use/index.html

* Đại học Mở Hà Lan http://www.ou.nl/eCache/DEF/36.html

Công nghệ web thay đổi cách chúng ta học tập

Mọi người đang bắt đầu nhận ra rằng chúng ta có thể học online và tiết kiệm tiền hơn là các phương pháp học truyền thống, thậm chí học hiệu quả hơn. Với sự hỗ trợ của Tổ chức nghiên cứu SRI, Bộ Giáo dục Mỹ vừa hoàn thành nghiên cứu kéo dài 12 năm về giáo dục online đã kết luận: “Trung bình sinh viên học trên mạng có kết quả học tốt hơn những người được hướng dẫn trực tiếp từ giáo viên”.

Vậy điều gì khiến các hướng dẫn bài vở trên mạng lại tốt hơn các phương pháp truyền thống? Đó là: Internet cung cấp những cơ hội quý giá cho người học kết hợp học nhiều thứ khác nhau, với nhiều sinh viên khác nhau; Internet cho phép cá nhân hóa việc học tập ở mức tối đa; Internet khiến chi phí đến lớp học ít hơn.

Hợp tác học tập là một trong những điều tuyệt vời của Internet. Yếu tố ảnh hưởng lớn nhất trong cuộc sống của sinh viên đại học không phải là cha mẹ hay giáo viên mà là bạn học của họ. Các công cụ chia sẻ, hợp tác trên mạng giúp người học dạy nhau và học nhau. Các yếu tố hạn chế về địa lý, xã hội… gần như bị xóa bỏ. Ai cũng có thể trở thành người chia sẻ điều mới mẻ cho người khác.

(www.venturebeat.com)

Thứ Tư, 23/12/2009 22:53
31 👨 451
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp