Giá trị tên miền chưa được đánh giá đúng ở VN - Phần 2

Xếp hàng đăng ký tên miền. Nhưng không phải ai cũng trân trọng giá trị tài nguyên Internet mình có được. Ảnh: N.H.

Trong những câu chuyện về quản lý, cấp phép tên miền được đề cập đến nhiều trên báo chí và các diễn đàn gần đây, Trung tâm Internet luôn là tâm điểm của nhiều lời khen chê. Tuy nhiên, ý thức của chủ thể domain cũng là một yếu tố quan trọng không kém đối với sự phát triển của tài nguyên này.

Ai quản lý DNS tốt hơn?

Dư luận và giới chuyên gia cho rằng không chỉ có phí đăng ký và duy trì tên miền cao mà ngay cả việc thay đổi thông số tên miền (DNS) của VNNIC hiện nay cũng rất phức tạp và tốn kém với 250.000 đồng một lần thay đổi.

Hoạt động trên các lĩnh vực công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ như đăng ký tên miền, thiết kế, lưu trữ website cho các doanh nghiệp, Công ty ECO cũng như nhiều đơn vị cùng nghề khác đều rơi vào tình trạng "ngậm bồ hòn làm ngọt" với thủ tục và chi phí thay đổi DNS. Chuyện các doanh nghiệp này phải tự bỏ tiền túi ra để nộp cho khách hàng không còn quá xa lạ bởi lẽ ít người hiểu được việc thay đổi DNS trong quá trình duy trì một website là gì. "Giải thích không khéo, họ lại tưởng mình phá website của họ mà hợp đồng đã ký và chi một lần trong năm. Thỉnh thoảng có vấn đề cần thay đổi DNS, cần chi 250.000 đồng thì doanh nghiệp không 'thông' được", Giám đốc ECO Phan Văn Thu phân bày. "Theo tôi, số tiền 250.000 đồng cho 1 lần thay đổi DNS là không cần thiết vì chi phí duy trì tên miền hằng năm đã phải bao gồm cả gói dịch vụ".

Nhiều ý kiến dư luận trên các diễn đàn tin học và báo chí cũng không ngại ngần nói thẳng phí thay DNS là vô lý. "Thay đổi thông số tên miền là việc thường xuyên và hết sức đơn giản. Đối với tên miền quốc tế và quốc gia trên thế giới, thay đổi thông số kỹ thuật là hoàn toàn do người sở hữu thực hiện mà không hề mất bất cứ khoản chi phí nào", ông Vũ Thái Hà, người có nhiều rắc rối với VNNIC về vấn đề tên miền, tỏ ra bức xúc.

Trong vấn đề quản lý DNS, Giám đốc ECO cho rằng nên để nhà cung cấp quản lý hoặc chuyển quyền cho các đại lý chính thức của VNNIC (resellers). "Lý do là vì công việc quản trị này phải do các chuyên gia công nghệ thông tin đảm nhiệm bởi họ còn kiểm soát được phần nào nội dung thể hiện trên website".

Luật sư Nguyễn Hoàn Thành, Văn phòng Luật sư Phạm và Liên Danh, cũng đồng tình: "Việc quản lý thay đổi thông số nên để người quản lý tên miền thực hiện trực tuyến vì theo quy định, họ phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin ấy. Tuy nhiên, vấn đề phức tạp nằm ở khâu kỹ thuật và bảo mật".

Trách nhiệm với tài nguyên Internet

Không ít doanh nghiệp làm dịch vụ chăm sóc website tâm sự với VnExpress rằng khách hàng của họ không ý thức được giá trị của những tài nguyên Internet. Thực tế hiện nay, các doanh nghiệp nói riêng và người sử dụng nói chung vẫn còn thờ ơ với tên miền. Giám đốc ECO Phan Văn Thu giãi bày: "Tôi nhớ có bài báo từng nói đến chuyện một số đơn vị đăng ký domain và xây dựng website cũng chỉ để cho bằng bạn bằng bè hoặc... cho oai. Đây cũng là vấn đề tại doanh nghiệp của tôi. Khi tên miền đến hạn, chúng tôi thông báo năm lần bảy lượt nhưng vẫn có một số khách hàng không để ý. Chỉ đến khi khách hàng của họ không vào được web thì lúc đó họ mới thực sự cuống lên".

Ông Thu khuyến cáo các doanh nghiệp trong nước muốn bảo vệ thương hiệu, tên sản phẩm của mình thì phải đăng ký ngay tên miền với các đơn vị cung cấp để tránh bị người khác đăng ký trước và sử dụng vào mục đích khác. "V0iệc đăng ký tên miền và xây dựng website quảng bá thương hiệu sản phẩm cho doanh nghiệp là rất cần thiết", ông Thu nói.

Trách nhiệm của người sử dụng mới chỉ là một mặt của vấn đề, những vụ việc rắc rối về tên miền xảy ra trong thời gian qua cũng cho thấy những quy định về quản lý cũng như quy trình cấp phát tên miền còn có những vấn đề chưa thực sự chặt chẽ. Quan điểm của những người ít nhiều có liên quan đến tên miền đều cho rằng nên có những quy định cụ thể hơn để ràng buộc khách hàng, đồng thời thông tin đến khách hàng cũng phải kịp thời, chính xác hơn.

"Phía khách hàng thì phải quan tâm đến tài sản của mình là tên miền và phải hiểu rõ được các quy định của nhà nước, của VNNIC để thực hiện cho tốt. Còn việc quản lý và cấp phát cũng nên xử lý trực tiếp (online) từ đăng ký cho đến việc thanh toán để đỡ mất công đi lại", một khách hàng của VNNIC nói.

Giám đốc ECO cũng hiến kế, để Internet sạch, các cơ quan quản lý nên có văn bản hướng dẫn cụ thể và lập danh sách các tên miền nhạy cảm bị cấm đăng ký, như các tên miền có đuôi .gov.vn thì chỉ có các cơ quan trực thuộc trung ương mới được đăng ký. Bên cạnh đó, phải phân tích kỹ tính nhạy cảm của nó vì cũng có domain viết tắt bị liệt vào hàng nhạy cảm nhưng nó lại là thương hiệu của doanh nghiệp đã có trên thị trường. "Thực tế là có nhiều trường hợp các viết tắt đó không có nghĩa nhưng nó lại rất nhạy cảm. Điều này khó, nhưng cái quan trọng hơn là nội dung website", ông Thu cho biết.

Luật sư Nguyễn Hoàn Thành cho rằng sự ra đời Quyết định 27 của Bộ Bưu chính viễn thông (năm 2005) khiến quản lý tên miền trở nên phức tạp hơn nhiều vì đã nới lỏng quy định cấp phát tên miền như cho phép cấp tên miền chứa các từ dùng chung, nới lỏng các quy định về sử dụng. Việc đầu cơ tên miền và tranh chấp cũng vì thế mà nhiều hơn. "Việc quản lý tên miền hiện nay theo tôi là phù hợp, chủ thể có nhu cầu có thể đăng ký không khó khăn gì. Tuy nhiên, vấn đề tranh chấp cần được giải quyết nhanh với những quy định cụ thể", luật sư Thành bình luận. Theo ông, các vụ việc ầm ĩ xảy ra gần đây liên quan đến tên miền chủ yếu chỉ liên quan đến một số cá nhân đầu cơ domain và do cách hiểu biết yếu kém về tên miền cũng như các nghiên cứu và khuyến cáo của WIPO về quản lý tên miền quốc gia.

"Khi soạn thảo Quyết định 27, chúng tôi đã tham khảo ý kiến của các doanh nghiệp một cách công khai trên mạng và có cả ý kiến của các bộ ngành có liên quan chứ VNNIC không thể tự dựng lên các quy định như vậy. Ngay cả chuyện tính phí cũng được thực hiện tương tự", ông Lê Nam Trung, Trưởng phòng Kinh tế thống kê của VNNIC, cho biết. "VNNIC cũng như bất kỳ công dân nào ở Việt Nam không muốn rằng có kẻ lợi dụng những điều chưa hoàn chỉnh của khung pháp lý để làm việc sai trái. Chúng tôi mong nhận được những ý kiến đóng góp xây dựng từ phía cộng đồng".

Về nguyên tắc, để giảm thiểu các tranh chấp domain liên quan đến sở hữu trí tuệ, tên miền quốc gia cần được quản lý chặt chẽ hơn tên miền quốc tế dùng chung, để được cấp phát đúng đến người sử dụng hay chủ thể sở hữu trí tuệ hợp pháp.

Giá trị tên miền chưa được đánh giá đúng ở VN - Phần I

Nguyễn Hằng

Thứ Tư, 08/03/2006 15:05
31 👨 46
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp