Gia công phần mềm: Liệu Việt Nam có trở thành Ấn Độ thứ hai?

Việt Nam - một trong 25 thị trường gia công phần mềm hấp dẫn nhất thế giới. Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội đón đầu các làn sóng đầu tư mới, khi các "công trường gia công lớn" bắt đầu bội thực. Với nguồn nhân lực trẻ, chi phí thấp và những nhạy bén trong việc nắm bắt các cơ hội, Việt Nam được cho là hội tụ đủ các điều kiện để trở thành trung tâm gia công hàng đầu trong những năm tới. Nhưng quá trình này diễn ra trong bao lâu và dưới hình thức nào, có lẽ không dễ để có câu trả lời.

Gia công: Cơ hội lớn, thách thức lớn

Ấn Độ - với đội ngũ lập trình viên trẻ và thông thạo Anh ngữ vốn được biết đến là thị trường gia công lớn nhất thế giới. "Công xưởng" Bangalore được ví như khu Silicon Valley của miền Bắc California vào đầu thập niên 1990. Láng giềng của Việt Nam, đất nước hơn 1 tỷ dân - Trung Quốc cũng được biết đến là một tên tuổi lớn trong lĩnh vực này.

Không ai nghi ngờ về tầm vóc của các đại gia này, nhưng cũng đã đến lúc người ta lo ngại về tình trạng bội thực khi các dự án tới tấp đổ về đây. Nguồn nhân lực ngày càng khan hiếm, cùng với giá cả mất tính cạnh tranh khiến các nhà đầu tư bắt đầu tìm kiếm các thị trường mới. Và chính bản thân các thị trường này cũng đang tìm kiếm một nước thứ 3 để chuyển đi những công đoạn đã mất tính cạnh tranh, đồng thời giảm bớt gánh nặng cho ngành công nghệp gia công tại nước họ.

TSKH Nguyễn Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Công nghiệp CNTT – Bộ TT&TT, cho rằng: "Đặc trưng lớn của thời đại là nền sản xuất thế giới hoà nhập vào nhau. Không quốc gia nào phát triển một sản phẩm đơn độc trên lãnh thổ của mình, mà chia thành nhiều công đoạn và di chuyển từng công đoạn đến những địa điểm thuận lợi nhất và có sức cạnh tranh nhất. Rõ ràng chúng ta bước vào cuộc chơi này chúng ta cũng phải đón bắt cái tư tưởng ấy, của cái nền sản xuất thế giới tức là chúng ta phải đón bắt, thu hút những công đoạn nào thích hợp với trình độ sản xuất trình độ nhân lực của chúng ta".

Khó khăn của các nước như Ấn Độ hay Trung Quốc là một cơ hội rất tốt cho các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam. Nguồn nhân lực trẻ, cộng với giá thành cạnh tranh được coi là một lợi thế rất lớn của ngành công nghiệp gia công phần mềm trong nước trong việc đón những làn sóng đầu tư mới.

Ông Ngô Hùng Phương, Tổng Giám đốc FCG Việt Nam cho rằng: "Hiện tại Việt Nam có 2 điểm rất thu hút nhà đầu tư: Giá cả vẫn còn là cạnh tranh. Mức độ chuyển việc bắt đầu cao lên nhưng vẫn còn tương đối thấp so với các nước khác. Con người Việt Nam có khả năng tốt về năng lực kỹ thuật. Đó là cơ hội để chúng ta có thể tiếp cận được những dự án gia công phần mềm lớn cho những tập đoàn lớn ở nước ngoài".

Còn theo TSKH Nguyễn Anh Tuấn: "Ấn Độ nổi lên như một cường quốc về gia công. Rất nhiều công đoạn trong nền sản xuất phần mềm của Mỹ nằm ở Ấn Độ. Nhưng sau đó chính bản thân Ấn Độ, giá trị lao động của họ cũng tăng lên. Họ mất dần sức cạnh tranh và họ tìm cách chuyển những công đoạn, từng phần hoặc toàn bộ sang những nước phù hợp hơn ví dụ như là Malaysia, Philippines. Nhưng đến bây giờ, sản phẩm phần mềm gia công ở Malaysia cũng bắt đầu mất khả năng cạnh tranh, và họ cũng tìm sang chúng ta. Chúng ta đang ở giai đoạn phù hợp với trào lưu đó".

TS. Nguyễn Hữu Lệ - Chủ tịch Công ty TMA cho rằng: "Triển vọng phát triển ngành gia công phần mềm Việt Nam rất tốt. Nhu cầu gia công phần mềm trên thế giới còn rất nhiều và một nước có nhiều kinh nghiệm như Ấn Độ họ có thử thách rất là lớn về vấn đề giá cả, về vấn đề mất người. Vì vậy, những khách hàng của Ấn Độ bắt đầu qua xem xét ở Việt Nam. Đây là cơ hội rất tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam".

Trên thực tế, trong hơn 10 năm qua, ngành công nghiệp CNTT, trong đó có gia công phần mềm Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng nhanh khó tin, nhưng lại chưa thể là đối thủ đáng gờm của những thị trường có quy mô tương tự. Các công ty đang hướng đến những dịch vụ mở rộng toàn cầu, do đó chiếc bánh outsourcing ngày một to hơn và từng phần lại trở nên nhỏ hơn.

Cơ hội có, nhưng việc nắm bắt cơ hội lại không dễ. Nguồn nhân lực là một điểm cạnh tranh, nhưng chất lượng nguồn nhân lực lại là một bài toán nan giải với các doanh nghiệp Việt Nam: "Vấn đề nhân lực là vấn đề đau đầu, nóng hổi trong tất cả các công ty trong ngành CNTT. Hiện tại có thể nói, việc sống còn và khả năng phát triển của từng công ty tuỳ thuộc vào khả năng giải quyết được bài toán về nhân lực này", ông Ngô Hùng Phương khẳng định.

Nhân lực - Bài toán cũ, lời giải mới

TMA - một công ty phần mềm có quy mô vào loại lớn nhất tại TP.HCM và được coi là thương hiệu Việt trong ngành gia công phần mềm quốc tế. Với tốc độ tăng trưởng 50% liên tục trong nhiều năm, thành công của những doanh nghiệp như TMA đã góp phần đưa tên Việt Nam vào bản đồ thế giới về công nghiệp phần mềm.

Thành công của TMA, có thể nói là kết quả của một chiến lược sử dụng và đào tạo nguồn nhân lực phù hợp, chủ động đầu tư vào lĩnh vực đào tạo để góp phần giải quyết bài toán nhân lực cho sự phát triển của TMA và ngành gia công phần mềm, bằng cách mở Trung tâm đào tạo theo mô hình mới, chú trọng thực hành và bổ sung kỹ năng cho các cử nhân CNTT.

Trung tâm đào tạo TMA được thành lập nhằm cung cấp các khóa đào tạo bổ sung để giúp các sinh viên mới tốt nghiệp đáp ứng được yêu cầu của ngành gia công phần mềm. Thông qua các dự án mẫu, các học viên sẽ học hỏi được các kỹ năng thực hành, kinh nghiệm thực tế, phương pháp làm việc nhóm, quy trình phát triển phần mềm và kỹ năng giao tiếp tiếng Anh.

Từ 6 kỹ sư ban đầu, trải qua 10 năm hoạt động, đến nay TMA đã có trong tay 800 kỹ sư có khả năng đáp ứng yêu cầu từ những khách hàng khó tính. TS. Nguyễn Hữu Lệ - Chủ tịch Công ty TMA cho biết: "Chúng tôi thấy việc đào tạo bổ sung nguồn nhân lực mang lại hiệu quả rất tốt. Nhân viên TMA khi ra nước ngoài đào tạo thêm hoặc làm việc tại chỗ thì không có khó khăn gì. Sau 10 năm hoạt động bây giờ chúng tôi đã có đội ngũ rất là lớn, chừng khoảng 40% tổng số nhân viên đã có kinh nghiệm đào tạo và làm việc nước ngoài nên họ lại san sẻ nhau những kinh nghiệm cho nhau. Thế hệ sau này chỉ khoảng 3- 6 tháng đào tạo là có khả năng đi ra làm việc nước ngoài".

Một tên tuổi khác trong ngành gia công phần mềm - FCG Việt Nam cũng tìm cho mình một hướng đi riêng cho bài toán nhân lực. Chương trình học bổng và thực tập miễn phí cho những sinh viên xuất sắc trong lĩnh vực CNTT đã được FCG Việt Nam duy trì hàng năm. Bên cạnh việc đào tạo về quy trình sản xuất phần mềm, kỹ năng giao tiếp và các kỹ năng cần thiết khác, những sinh viên này còn được tham gia trực tiếp vào các dự án của công ty.

Ông Ngô Hùng Phương cho biết: "Chúng tôi chú trọng vào 2 chương trình chính. Một là chương trình phát triển nguồn nhân lực từ những sinh viên mới ra trường. Lâu nay các công ty thường cố gắng lấy được những nguồn nhân lực, những nhân viên từ những công ty khác. Thế nhưng cái nguồn này rất giới hạn. Thứ hai là việc đào tạo về đội ngũ lãnh đạo. Chúng tôi tập trung vào phát triển nhanh, tạo những điều kiện tốt nhất và nhanh nhất cho những nhân viên trong công ty có thể tiếp cận được những kiến thức để có thể trở thành nhà lãnh đạo".

Tự đào tạo thay vì tìm mọi cách thu hút nhân sự từ các công ty khác... Mở ra các trung tâm, chuẩn bị và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho doanh nghiệp mình và cho các đơn vị khác có nhu cầu... Cách làm này tại TMA, FCG Việt Nam hay FPT đã được nhìn nhận là những lời giải hiệu quả cho bài toán nhân lực để không chỉ số lượng mà cả chất lượng lao động sẽ là lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp gia công phần mềm Việt Nam hay chính là lợi thế cạnh tranh của ngành công nghiệp gia công phần mềm Việt Nam.

Việt Nam - Ấn Độ thứ 2: Bao giờ?

Nhắc đến ngành gia công phần mềm là nhắc đến Việt Nam... Nhắc đến Việt Nam là nhắc đến một đối thủ lớn của Ấn Độ... Đó là mơ ước, không chỉ của những người làm CNTT.

Cơ hội đã nhìn thấy. Khó khăn cũng đã bước đầu có những giải pháp khắc phục... Nhưng để đặt ra mục tiêu ngang hàng với Ấn Độ, xem ra, chúng ta chưa thể tự tin.

Theo ông Ngô Hùng Phương: "Để đặt ra mục tiêu đuổi kịp Ấn Độ bây giờ nó hơi không thực tế lắm. Chúng ta nên đặt mục tiêu là quốc gia đứng bên cạnh Ấn Độ. Những công ty lớn trên thế giới họ muốn tìm kiểm một quốc gia khác có thể cân bằng được, họ không phải dồn đầu tư của họ vào một quốc gia. Việt Nam nên tập trung vào định hướng là một quốc gia có thể chia sẻ thị trường với Ấn Độ hơn là đuổi kịp Ấn Độ. Đuổi kịp Ấn Độ chắc còn rất lâu".

"Ấn Độ đã là cường quốc của gia công phần mềm với doanh số của họ năm nay khoảng 40 - 50 tỷ USD bằng GDP của chúng ta một vài năm trước. Họ định đến 2008 - 2009 họ vươn lên 80 tỷ USD. Việc so sánh giữa Việt Nam và Ấn Độ là một việc rất là khó, nhưng chúng ta có thể đón cơ hội vì bản thân Ấn Độ, Trung Quốc họ cũng phải outsour sang ta", TSKH Nguyễn Anh Tuấn khẳng định.

Còn theo TS Hoàng Quốc Lập, Cục trưởng Cục Ứng dụng CNTT - Bộ Thông tin và Truyền thông: "Chúng ta không nên đặt vấn đề là chúng ta có thể trở thành Ấn Độ hay không? Mà chúng ta có được thị trường hay không và có nhiều sản phẩm để outsourcing hay không?".

Việt Nam đang nổi lên trở thành một trong những lựa chọn hàng đầu của các doanh nghiệp về gia công phần mềm. Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp mới tập trung nhiều vào lĩnh vực lập trình, nhưng lĩnh vực thiết kế hệ thống đòi hỏi trình độ cao hơn lại rất ít người có kinh nghiệm. Đặt ra mục tiêu trở thành Ấn Độ thứ hai trong lĩnh vực này có lẽ là hơi sớm song không phải không có cơ sở trở thành hiện thực. Và theo định hướng và hoạt động thực tế tại các doanh nghiệp, gia công phần mềm cho nước ngoài sẽ vẫn là nguồn thu chủ yếu của xuất khẩu phần mềm trong giai đoạn tới với các thị trường trọng điểm là Nhật Bản và Mỹ.

Thứ Hai, 10/03/2008 12:54
31 👨 1.306
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp