Diễn đàn 112: Nhìn bằng mắt người khác

ĐA 112 rất phức tạp, tác động sâu rộng trong hệ thống cơ quan nhà nước và ảnh hưởng tới nhiều tầng lớp trong xã hội. Chuyện va vấp, sai sót khi thực hiện do đó khó tránh khỏi. Đương nhiên, khi thấy có dấu hiệu sai sót, va vấp, những người quan tâm sẽ có phê bình, góp ý.

Có một thực tế là không ai biết tất cả, không ai lúc nào cũng đúng! "Ngọn đèn không thể tự soi chân mình". Cho nên, sự phê bình, góp ý là rất cần thiết. Người có tinh thần cầu thị biết tận dụng điều đó để nhìn lại, dùng những ngọn đèn khác để soi chân mình, biết nhìn mình bằng con mắt của người khác.

Đương nhiên, không phải ai cũng có ý thức xây dựng, không phải ai góp ý cũng đúng, ý nào cũng đúng. Chẳng hạn, góp ý Thủ Tướng nên làm trưởng ban điều hành của một đề án là thiếu thực tế, chưa hiểu công việc và trách nhiệm của Thủ Tướng. Nhưng dù thế nào, phản biện vẫn là một yếu tố vô cùng cần thiết để phát triển. Những công trình được phản biện trở nên hoàn thiện hơn. Những lý thuyết được phản biện trở nên sắc sảo hơn.

Khi biết chấp nhận sự phản biện, biết lắng nghe người khác vạch ra cái sai của mình, chúng ta trở nên mạnh hơn, chưa cần biết phản biện đó đúng hay không. Thái độ phủ nhận tất cả dễ sinh ra ngạo mạn, tự cho rằng mình biết tất cả, từ chối soi chiếu sự việc dưới những góc nhìn khác nhau. Không ai và không gì lúc nào cũng đúng.

Thực hiện ĐA 112 khó, gây nhiều dư luận như thế, nhưng đã bao giờ BĐH ĐA chủ động lấy ý kiến phản biện của các đối tượng khác nhau? Trong những ý kiến nội bộ (những đơn vị tham gia thực hiện 112), tại sao BĐH chỉ chọn đăng trên website của mình ý kiến xuôi chiều, thậm chí là những phần xuôi chiều trong một ý kiến, bỏ qua những góp ý khác?

Dư luận xã hội cũng có lý của họ khi nhìn vào số tiền đang bị chi tiêu. Có nên cho rằng lãng phí là cần thiết, để rồi yên tâm lãng phí mà không băn khoăn tự hỏi có cách nào bớt lãng phí không, có cách nào khác nhanh hơn không? Có nên nói rằng hiệu quả đầu tư phải hàng chục năm sau mới thấy để bây giờ ngồi rung đùi không? Xót tiền dân, người trong cuộc cần có thái độ "tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu" (lo trước cái lo của thiên hạ).

Đổi phương pháp để đạt mục tiêu hay đổi mục tiêu khi không còn phù hợp là chuyện thường tình. Một trường hợp nữa là giữ nguyên mục tiêu và phương pháp, nhưng giao cho những đơn vị, cơ quan phù hợp hơn thực hiện. Dù thế nào chúng ta cũng vẫn nhắm đến cái đích tốt đẹp cuối cùng: tin học hóa quản lý hành chính nhà nước một cách hiệu quả.

Diêm Sơn

Thứ Bảy, 11/11/2006 11:02
31 👨 44
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp