Đẩy mạnh ứng dụng CNTT

Điều mà DN tại An Giang quan tâm nhất là sử dụng CNTT như thế nào; thể hiện những thế mạnh sẵn có hoặc đang ở dạng tiềm năng lên web ra sao cho hợp lý với kinh phí thấp...

Hợp tác hỗ trợ DN

An Giang hiện có khoảng 3.000 DN lớn nhỏ với khoảng 1.850 DN tư nhân, 550 công ty trách nhiệm hữu hạn, 50 công ty cổ phần. Ngoài ra, theo thống kê còn có khoảng 47.000 hộ kinh doanh cá thể trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, thủ công mỹ nghệ. Để đạt mục tiêu toàn tỉnh có khoảng 6.000 DN cho tới năm 2010, ngoài việc thu hút đầu tư từ bên ngoài, chính quyền tỉnh An Giang tập trung hỗ trợ thành phần kinh doanh cá thể khởi sự DN, từ đó sẽ có thêm nhiều DN mới ra đời. Đồng thời, thông qua một số chính sách, chương trình hành động của chính quyền tỉnh, hoặc sự phối hợp của các bộ, ban, ngành thuộc Chính Phủ, DN trong tỉnh sẽ được hỗ trợ nâng cao năng lực nhằm thích ứng tốt hơn trong nền kinh tế thị trường và đặc biệt trong giai đoạn hội nhập sắp tới khi Việt Nam gia nhập WTO.

Một trong nhiều chương trình cụ thể là thỏa thuận hợp tác giữa VCCI (đại diện là Viện Tin Học Doanh Nghiệp VCCI) và UBND tỉnh An Giang (đại diện là Sở BCVT An Giang) được ký vào ngày 30/6/2006, về việc phối hợp triển khai ĐA 191 - "Hỗ trợ DN ứng dụng CNTT phục vụ hội nhập và phát triển giai đoạn 2005 - 2010".

Hội thảo ngày 29/09/2006 tại UBND tỉnh An Giang trong khuôn khổ ĐA 191
Có thể nói thỏa thuận hợp tác này thể hiện quyết tâm của lãnh đạo tỉnh trong việc tin học hóa hoạt động kinh doanh của DN vừa và nhỏ. Dự kiến, các buổi hội thảo, khóa đào tạo kỹ năng máy tính, Internet cùng nhiều chương trình phối hợp khác giữa 2 bên sẽ giúp DN nâng cao nhận thức, biết được lợi ích của CNTT, từ đó DN sẽ mạnh dạn đầu tư CNTT (tùy theo mô hình kinh doanh), để phục vụ mở rộng quảng bá thương hiệu, quy mô kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, nhất là trong lĩnh vực du lịch, khách sạn. Đây cũng là một trong những mục tiêu của thỏa thuận hợp tác giữa VCCI và An Giang.

Ngoài ra, 2 bên sẽ cùng nhau thực hiện các mục tiêu: đào tạo nhân lực để ứng dụng CNTT; tư vấn DN lựa chọn giải pháp CNTT và triển khai phù hợp; đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong DN; hỗ trợ DN phát triển và hội nhập; góp phần tạo môi trường thực thi pháp lý tại địa phương và điều kiện ứng dụng CNTT trong DN; cung cấp thông tin kinh tế cho DN và xúc tiến, hỗ trợ DN tham gia thương mại điện tử; kết nối với các chương trình phát triển ứng dụng CNTT của cả nước và của tỉnh An Giang.

Nền móng đã có...

Trước khi thỏa thuận nói trên được ký kết, đánh giá được tầm quan trọng của mối dây liên kết giữa nông dân với DN, nông dân với Nhà Nước, tỉnh An Giang đã có nhiều hoạt động đưa thông tin đến nông dân, trong đó lấy CNTT làm trọng tâm, xem Internet như là kênh thông tin hữu hiệu bên cạnh những hình thức truyền thông phổ biến là phát thanh, truyền hình. Điển hình phổ biến là "Chiến lược phát triển nông thôn An Giang đến năm 2020" của UBND tỉnh An Giang.

Theo đó, trung tâm Khoa Học và Thông Tin Khoa Học Công Nghệ phối hợp với Hội Nông Dân tỉnh An Giang triển khai dự án "Xây dựng mô hình truy cập thông tin trên mạng Internet phục vụ phát triển nông thôn ở các câu lạc bộ nông dân xã”. Dự án này đã được triển khai tại 5 xã Bình Phú (huyện Châu Phú), Núi Voi (huyện Tịnh Biên), Vĩnh Nhuận (huyện Châu Thành), Bình Thạnh Đông (huyện Phú Tâm) và Óc Eo (huyện Thoại Sơn) từ cuối năm 2004. Dự án bao gồm việc cung cấp cơ sở hạ tầng CNTT (máy tính, đường truyền…) cùng các khóa tập huấn dành cho nông và ngư dân về cách sử dụng máy tính, cài đặt sử dụng hệ điều hành Window XP, soạn thảo văn bản với MS Office, sử dụng Internet để truy cập và tìm kiếm thông tin, sử dụng e-mail, phòng chống virus hại máy tính...

Đến nay, theo thông tin từ trang web angiang.gov.vn, dự án đã đem lại nhiều hiệu quả tích cực như: các câu lạc bộ nông dân đã biết truy cập Internet để thu nhận những thông tin liên quan đến các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt đời sống của nông dân và phát triển nông thôn. Thông tin trên Internet cùng các bài trao đổi (qua e-mail) về kỹ thuật chăn nuôi giữa nông dân với chuyên gia, kỹ sư nông nghiệp giúp người dân định hướng được nhu cầu thị trường để có thể điều chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm mang lại lợi nhuận cao. Qua đó có thể thấy vai trò của Nhà Nước là hết sức quan trọng trong việc đưa tin học đến với người dân.

Từ nay đến năm 2010, An Giang sẽ đầu tư khoảng 1.940 tỉ đồng cho phát triển du lịch. Ngoài xây dựng các khu du lịch trọng điểm như Núi Cấm, Núi Sập, đồi Tức Dụp, khu du lịch Búng Bình Thiên… tỉnh cũng tập trung vào các dự án, nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí, đồng thời đầu tư nâng cao chất lượng hoạt động các DN trong ngành du lịch, quy hoạch lại các làng nghề truyền thống, đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch. Theo tinh thần của buổi hội thảo "Hỗ trợ DN tỉnh An Giang ứng dụng CNTT phục vụ hội nhập và phát triển" tại thành phố Long Xuyên, ngày 29/9/2006 vừa qua, CNTT chính là phương tiện hữu hiệu nhất để nâng tầm các DN (du lịch, sản xuất, kinh doanh…) trong tỉnh.

Buổi lễ ký kết hợp tác triển khai ĐA191 giữa Viện Tin Học DN VCCI với Sở BCVT Cần Thơ đã được tổ chức vào buổi chiều 29/9/2006. Đây cũng chính là 1 bước đi nữa của VCCI nhằm đưa ứng dụng CNTT vào DN ở Đồng Bằng Sông Cửu Long.

Hội thảo cho thấy, bên cạnh các cơ quan nhà nước như Sở Kế Hoạch Đầu Tư, Cục Thuế An Giang, ngân hàng Ngoại Thương An Giang, Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn… là những đơn vị tiên phong trong ứng dụng CNTT, hầu hết các DN vừa và nhỏ đều nhận thức được những lợi ích mà CNTT đem lại. Đối với người kinh doanh du lịch, họ hiểu được website là công cụ quảng bá hiệu quả hình ảnh khách sạn, loại hình du lịch đến khắp nơi chứ không chỉ gói gọn trong tỉnh. Với người buôn bán nông - thủy sản, qua Internet, họ sẽ có thông tin về giá cả, nhu cầu thị trường để tránh mua lầm, tránh bị ép giá.

Ông Kha Chánh Minh, chủ khách sạn 2 sao Kim Phát tại thành phố Long Xuyên cho biết: "Trong tương lai, khi mở thêm khách sạn 3 sao, ngoài các hình thức quảng bá cũ, tôi mong muốn khuếch trương hình ảnh, dịch vụ và thực hiện giao dịch qua mạng". Hiện ông Minh đã tham gia quảng bá hình ảnh khách sạn trên website viethotel.com.

Tuy nhiên, điều mà DN tại An Giang tham gia hội thảo quan tâm nhất là sử dụng CNTT như thế nào cho hiệu quả; thể hiện những thế mạnh sẵn có hoặc đang ở dạng tiềm năng lên web ra sao cho hợp lý với kinh phí thấp.

Đáp lại những suy nghĩ đó của DN, đại diện VCCI và Sở BCVT An Giang cho biết, sau khi đánh giá nhu cầu ứng dụng CNTT của DN trên địa bàn tỉnh, hai bên sẽ phối hợp biên soạn tài liệu hỗ trợ DN (bản tin ứng dụng CNTT, cẩm nang ứng dụng thương mại điện tử cho DN…) và phát cho DN trong thời gian tới. Đồng thời, sẽ hỗ trợ xây dựng 3 mô hình DN điển hình về ứng dụng CNTT, để DN trong tỉnh có thể rút ra kinh nghiệm ứng dụng cho mình. Ngoài ra, hai bên sẽ hỗ trợ đào tạo lãnh đạo và nhân viên DN về kiến thức và kỹ năng CNTT, thương mại điện tử.

Thứ Hai, 13/11/2006 13:43
31 👨 111
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp