Công nghiệp phần mềm: ưu đãi nhiều, chưa đủ!

Công nghiệp phần mềm (CNpPM) là một trong những ngành được Nhà Nước dành nhiều ưu đãi. Tuy nhiên những thuận lợi đó dường như chưa đủ đối với một ngành công nghiệp còn non trẻ và đang loay hoay tìm hướng đi như CNpPM.

Lợi thế ưu đãi...

Để kích thích CNgPM phát triển, chính phủ đã dành cho doanh nghiệp PM (DNPM) nhiều ưu đãi đặc biệt là về thuế.

Theo thông tư số 123/2004/TT-BTC, DNPM mới thành lập được hưởng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) 10% trong 15 năm; được miễn thuế TNDN 4 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và được giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo; sản phẩm, dịch vụ PM tiêu dùng tại Việt Nam cũng như xuất khẩu đều không phải chịu thuế GTGT; miễn thuế nhập khẩu và thuế GTGT đối với nguyên vật liệu nhập khẩu phục vụ trực tiếp cho sản xuất sản phẩm PM mà trong nước chưa sản xuất được.

Với hàng loạt biểu thuế ưu đãi và những điều kiện thuận lợi khác, có thời điểm, theo các chuyên gia, không có lý do nào DNPM không phát triển. Bên cạnh đó, sự phát triển rất nhanh của nền kinh tế trong vòng 5 năm qua cũng tạo đà cho ngành công nghiệp này khai thác.

Những tưởng, với quá nhiều ưu đãi và thuận lợi trên, ngành CNpPM chắc chắn sẽ đạt được kỳ vọng 500 triệu USD và sẽ là 1 tỷ USD xuất khẩu vào cuối năm tới. Thế nhưng, theo một chuyên gia, chính sách ưu đãi mới chỉ là một nửa của điều kiện mà DNPM đang cần.

...Nhưng “Thiếu quy hoạch tổng thể và dài hơi”

Ông Nguyễn Hoài Nam, phó giám đốc công ty PM Việt - Vietsoftware, đã nhận định về chính sách ưu đãi dành cho DNPM hiện nay: “Mới nghe, mọi người đều thấy chính sách dành cho DNPM rất nhiều. Nhưng là DN, tôi nhận thấy rằng chúng ta vẫn thiếu một quy hoạch phát triển tổng thể cho cả ngành CNpPM”. Ông Nam cho biết, những DN vừa và nhỏ như Vietsoftware khá vất vả khi tìm hướng phát triển đúng đắn để chiếm lĩnh thị phần. “Bởi khi chúng ta cho rằng thị trường gia công đang là mốt, thì DN đua nhau làm gia công cho Nhật, Bắc Mỹ, châu Âu... Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ thời gian và khả năng tài chính để theo đuổi như một DN gia công đúng nghĩa. Cuối cùng rồi lại gia công cho một công ty gia công khác”.

Rất nhiều chuyên gia cho rằng sự liên kết giữa các ngành có liên quan như giáo dục - đào tạo, cơ khí, tự động hóa với ngành CNpPM còn yếu. Điều này hoàn toàn có thể lý giải được khi chúng ta thiếu một bức tranh toàn cảnh mà trong đó CNpPM chỉ là một cấu phần.

Tuy nhiên, đó có phải là tất cả những gì mà DNPM mong muốn? Hầu hết những người được hỏi (lãnh đạo của DNPM) đều cho rằng còn nhiều điều khác mà họ mong chờ thêm ở Nhà Nước! Phải chăng, các DNPM “được voi đòi tiên”?

DNPM chưa tìm được hướng đi?

Trong một kiến nghị gửi Chính Phủ gần đây của Hội Tin Học TP. HCM, các DNPM một lần nữa đề nghị được hưởng ưu đãi về thuế như cũ và mong được nhiều ưu đãi khác. Nhưng theo TS. kinh tế Vũ Cương thì: “Quả là các DNPM đã được voi, nay đòi thêm tiên”. Ông Cương cho rằng, khi mỗi DNPM chưa nhận ra chỗ đứng cụ thể của mình ở đâu trong thị trường, chưa có được quyết sách đúng đắn để phát triển, thì hỗ trợ của Nhà Nước cũng không thể là động lực chính cho sự phát triển. Ông Cương nói: “Tôi biết nhiều DNPM vừa và nhỏ rất lúng túng trong hướng đi của mình. Họ vừa muốn thị trường outsource của Nhật, Bắc Mỹ, lại vừa ham thị trường dành cho chính phủ điện tử. Chính vì thế họ không xác định nổi đâu là hướng đầu tư chính của DN. Câu chuyện "Đẽo cày giữa đường" không phải là lạ".

Trả lời báo chí, ông Hoàng Minh Châu, phó tổng giám đốc FPT, cho rằng: không ít DN đã kỳ vọng quá nhiều vào thị trường PM thế giới và nghĩ mình sẽ chắc chắn có thị phần. Thế nhưng, sức cạnh tranh lớn đến từ Ấn Độ, Trung Quốc với những điều kiện về giá nhân công, tiềm lực tài chính... khiến cho DNPM trong nước khó tránh khỏi yếm thế.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, ngành CNpPM nước ta hiện vẫn còn nằm trong giai đoạn đầu của sự phát triển, chính vì thế sự hỗ trợ của Nhà Nước là không cần bàn cãi. Tuy nhiên, chính DNPM cần nhìn nhận lại mình để xác định hướng phát triển đúng đắn. Giống như ông Takayama, cố vấn cao cấp Tổ Chức Thúc Đẩy Ngoại Thương Nhật Bản, phát biểu với báo chí: “Ưu đãi nhiều quá mà không tạo được động lực thì sẽ trở thành lãng phí. CNpPM VN không nhất thiết phải quá chú trọng xuất khẩu trong khi thị trường tại chỗ chưa chiếm lĩnh được”.

Mạnh Trường

Thứ Năm, 03/11/2005 09:54
31 👨 97
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp