CNTT - TT Việt Nam 2006: Khẳng định vị thế

Buổi họp mặt đầu năm 2006 ngành CNTT-TT TP.HCM ngày 11/3/2006 tại UBND TP.HCM đã khẳng định quyết tâm chung của lãnh đạo, DN ngành CNTT-TT: Tập trung nguồn lực giải bài toán đào tạo, đẩy mạnh công nghiệp và ứng dụng CNTT-TT, thực hiện chính phủ điện tử, phát triển thương mại điện tử, thu hút hơn nữa vốn đầu tư nước ngoài...

Thứ trưởng Bộ BCVT Trần Đức Lai: "Phải tiếp tục đi trước một bước"

Năm 2005, CNTT-TT Việt Nam đạt một số thành tựu đáng kể: mạng lưới và dịch vụ BCVT tiếp tục được duy trì và tăng trưởng cao, đặc biệt thông tin di động và Internet phát triển đột biến; mật độ ĐT bình quân toàn quốc tăng lên 19% vào cuối 2005. Nghị Quyết Đại Hội Đảng lần IX đề ra cho ngành là đến cuối năm 2005 đạt từ 7-8 máy ĐT/100 dân, nhưng với chính sách phù hợp và sự nỗ lực của cơ quan quản lý cũng như DN, chúng ta đã tăng 2,5 lần so với chỉ tiêu. Năm 2005 cũng là cột mốc quan trọng khi Việt Nam đạt 100% số xã có máy ĐT và được cung cấp dịch vụ ĐT.

Về CNTT, Việt Nam phát triển với tốc độ khá cao, trung bình khoảng 35% và đang dần khẳng định đây là một ngành kinh tế kỹ thuật mũi nhọn, đầy tiềm năng. Công nghiệp phần mềm (CNpPM) đạt doanh số 170 triệu USD (trong đó xuất khẩu khoảng 43 triệu USD), CNp phần cứng đạt 760 triệu USD.

Về viễn thông (VT) và Internet, theo đánh giá tại hội nghị thượng đỉnh thế giới về CNTT-TT vừa được tổ chức tại Tunisie, Việt Nam thuộc nhóm nước dẫn đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng ĐT và Internet. Cuối năm 2005, mật độ người sử dụng Internet của Việt Nam tương đương mật độ bình quân của thế giới, khoảng 13%.

Năm 2006 hết sức quan trọng do BCVT, CNTT tiếp tục được Đảng và Nhà Nước khẳng định là ngành kinh tế động lực. Chính Phủ luôn nhắc nhở ngành phải tiếp tục phát triển và đi trước một bước để tạo điều kiện cho các lĩnh vực khác phát triển. Chỉ tiêu mà Đại Hội Đảng lần X sắp đến đặt ra cho ngành khá nặng nề: Các chỉ tiêu phát triển BCVT và Internet năm 2010 phải tăng ít nhất gấp đôi so với năm 2005 (mật độ ĐT tăng 40%, Internet tăng 40 – 45%). Ngoài ra, đây là thời điểm Chính Phủ quyết tâm đẩy mạnh ứng dụng CNTT, thực hiện chính phủ điện tử, tạo điều kiện phát triển thương mại điện tử, tập trung nguồn lực để đẩy mạnh công nghiệp CNTT, thu hút hơn nữa vốn đầu tư nước ngoài.

Giá cước Internet năm qua đã giảm mạnh, nhưng so với thu nhập của người dân thì vẫn còn cao. Bộ quyết tâm xem xét để tiếp tục giảm cước. Dịch vụ thuê kênh riêng đi quốc tế cho DN hiện nay chỉ còn 7.000 USD. Bộ sẽ xem xét 2 phương án: 1. Tạo điều kiện cho DN cung cấp đường thuê kênh (hiện nay có 3 DN); 2. Bộ tiếp tục giảm 20-30% cước thuê kênh đối với DN chủ đạo.

Chính Phủ cũng đã có những ưu đãi về thuế nhập khẩu, thuế thu nhập đối với CNTT. Hy vọng khi Luật CNTT được ban hành, những chính sách, cơ chế, ưu đãi đối với con người và DN sẽ rõ hơn.

Bộ BCVT trong năm qua và những năm tới quyết tâm nỗ lực ban hành các cơ chế, chính sách để thúc đẩy, hỗ trợ sự phát triển và ứng dụng CNTT-TT. Bộ đã cùng Chính Phủ ban hành "Chiến lược phát triển CNTT và TT đến năm 2010 và định hướng đến 2020". Hệ thống luật đang dần được hình thành, pháp lệnh BCVT đã được ban hành năm 2002 và chính thức áp dụng từ 2003, Luật Giao Dịch Điện Tử đã được Quốc Hội thông qua và Bộ đang xây dựng các nghị định hướng dẫn thi hành. Dự thảo Luật CNTT tháng 5/2006 sẽ được đưa ra Quốc Hội để bỏ phiếu thông qua. Dù trong Luật chưa đề cập hết mọi vấn đề nhưng đã bao gồm những chính sách, cơ chế pháp lý và chế độ đãi ngộ, hỗ trợ người làm việc trong lĩnh vực CNTT, BCVT.

Ông Nguyễn Thiện Nhân, Phó Chủ Tịch UBND TP.HCM: "Đào tạo nhân lực là vấn đề lớn cần giải quyết"

Điểm nổi bật của CNTT-TT trong năm qua là nhu cầu tăng: mạng di động tăng 25%, mạng cố định tăng 21%, băng thông rộng tăng khoảng 3,75 lần. Đã có một nhà đầu tư lớn chuyên sản xuất phần cứng vào Việt Nam (cụ thể là Intel đầu tư xây dựng nhà máy tại Khu Công Nghệ Cao TP.HCM). Dự án qui mô trên 600 triệu USD này sẽ góp phần tạo thương hiệu cho thành phố và những hiệu ứng kéo theo. Năm qua, Sở BCVT TP.HCM cũng đã ký kết với Microsoft về việc hình thành Trung Tâm Sáng Tạo (Innovation Center) và tiếp xúc với IBM nhằm xây dựng trung tâm gia công hợp đồng từ xa với qui mô trên 1.000 người.

Về CNp, thành phố đã có sáng kiến giao cho quận, huyện, sở, ngành làm chủ đầu tư dự án. Quận huyện tại TP.HCM buớc đầu đã áp dụng và thực hiện dịch vụ hành chính điện tử. Điểm nổi bật là đã có 8 quận huyện triển khai ứng dụng hệ thống CNTT địa lý GIS về quản lý đất đai, hồ sơ giấy tờ liên quan đến nhà đất.
Về website thành phố (www.hochiminhcity.gov.vn): 36 sở ngành, quận, huyện đã liên kết đến website, cung cấp 363 thủ tục hành chính trên mạng (dự kiến đến hết năm 2006 sẽ có khoảng 1.000 thủ tục được cung cấp). Website thành phố đến nay thu hút 9 triệu lượt truy cập (được xếp vào 1 trong 35.000 website có lượng người truy cập nhiều nhất).

Dự án trọng điểm công viên Phần Mềm Quang Trung (CVPMQT) (vốn đầu tư 80 tỷ đồng) sau 5 năm hoạt động đã hoàn thành tốt hệ thống VT; có thể xem đây là khu CNp có hạ tầng VT tốt nhất nước, đủ năng lực cung cấp dịch vụ VT chất lượng. CVPMQT hiện có 70 DN đầu tư làm phần mềm và dịch vụ (trên 20 DN nước ngoài) và đang hình thành hệ thống tổ hợp đào tạo CNTT-TT quốc tế (hiện tại có 7 đơn vị nước ngoài). Yêu cầu của thành phố là CVPMQT sẽ trở thành tụ điểm CNpCNTT, đạt doanh số khoảng 1.500 tỷ vào năm 2010; trở thành trung tâm đào tạo đồng bộ, phục vụ CNpPM thành phố và khu vực; là một đầu mối chuyển giao công nghệ và kết quả nghiên cứu.

Năm 2005, TP.HCM có 1.000 DN CNTT và 3.000 DN điện tử mới thành lập, chiếm ¼ tổng số DN mới thành lập tại thành phố, chứng tỏ ngành này đang thực sự thu hút đầu tư.

Tuy nhiên, đào tạo nhân lực tại TP.HCM vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu DN: Công ty Renasas (Nhật Bản) cần 500 kỹ sư nhưng thực tế chỉ tuyển được 50 người. Trong tương lai, khi nhà máy của Intel đi vào hoạt động sẽ cần đến hàng ngàn nhân công trình độ cao. Trong 2006, thành phố giao cho Sở BCVT chủ trì, phối hợp với các ĐH, viện, trực tiếp gặp gỡ và nhận yêu cầu của DN cần nguồn nhân lực lớn để lập kế hoạch đào tạo trong 5 năm tới.
Một vấn đề khác về mặt tiếp thị: TP.HCM năm qua đã bước đầu làm thương hiệu cho ngành CNTT nhưng chưa có một chương trình tiếp thị cụ thể; DN và CVPMQT có tự nỗ lực nhưng về tổng thể thì chưa có.

Năm 2006, thành phố cần đẩy nhanh hơn nữa việc ứng dụng CNTT vào cải cách hành chính, triển khai hành chính điện tử, đưa quĩ đào tạo nguồn nhân lực vào hoạt động, tiếp tục đẩy mạnh dịch vụ cho DN (ở các lĩnh vực khác như nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ). Về mặt quản lý nhà nước, thành phố đề ra 7 đầu công việc sau:

1. Hoàn tất cuộc điều tra CNTT (kết hợp với Cục Thống Kê). Trên cơ sở kết quả này, Sở BCVT sẽ xây dựng chiến lược phát triển ngành CNTT-TT giai đoạn 2006-2010, trong đó có 1 nhánh nhỏ là phát triển hạ tầng.

2. Hỗ trợ DN cung ứng dịch vụ Internet và phát triển hạ tầng, có phối hợp với nhau để tránh lãng phí, trùng lắp (điển hình như việc ký kết giữa Viettel và Bưu Điện TP.HCM).

3. Tiếp tục giám sát quản lý nhà nước về sử dụng Internet.

4. Triển khai dự án phát triển CNTT-TT đã ký với Ngân Hàng Thế Giới.

5. Sở BCVT thành phố cần kết hợp các ĐH, viện đào tạo CNTT xây dựng "Guide book" (sách hướng dẫn) về đào tạo CNTT tại thành phố (Sở đã có kế hoạch và chậm nhất là tháng 9 hoàn tất); cũng như cần có chương trình đánh giá và xếp loại sơ bộ các cơ sở đào tạo CNTT.

6. Xây dựng phương án đào tạo nguồn nhân lực từ xa.

7. Sở BCVT xem xét tổ chức những cuộc thi trong lĩnh vực CNTT-TT, ví dụ thi sáng tạo phần mềm trò chơi trên mạng hay bình chọn các trò chơi trên mạng được người dùng đánh giá cao.

Ngoài ra, TP.HCM kiến nghị với Bộ chủ động đăng ký tổ chức "Chợ phần mềm ASEAN" và TP.HCM sẽ đảm nhận.

Ngọc Vy

Thứ Năm, 06/04/2006 10:44
31 👨 44
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp