Chứng chỉ quản lý chất lượng: Chìa khoá cho các DN phần mềm VN

Một khảo sát của Hội Tin học TPHCM (HCA) cho thấy, đa số các doanh nghiệp chưa quan tâm đến chứng chỉ quản lý chất lượng quốc tế. Trong khi đó, Tổ chức Xúc tiến nhập khẩu từ các quốc gia đang phát triển Hà Lan (CBI) nhận định, để gia nhập được kênh phân phối phần mềm thị trường EU, các doanh nghiệp phải đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế như ISO, CMMI…

Chiếc chìa khóa vàng

Theo ý kiến hai chuyên gia công nghệ thông tin (CNTT) onno Roukens và Alfons Van Duijvenbode của tổ chức CBI, khách hàng của các nước EU thường đánh giá lựa chọn các công ty hợp tác dựa trên 10 yếu tố chính. Đó là: Chi phí gia công; thông tin tham khảo của công ty đối tác; năng lực quản lý, trình độ cán bộ quản lý dự án; khả năng cộng tác lâu dài; tính lâu dài; tính linh hoạt; khả năng tăng năng suất; tiếp cận nguồn nhân lực trình độ cao; kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyên biệt; khả năng giao tiếp và sử dụng ngoại ngữ; chính sách bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và bảo mật an ninh dữ liệu.

Cũng nhận định về khả năng hợp tác với các doanh nghiệp phần mềm EU, các chuyên gia của CBI cho biết, Việt Nam có thể tiếp cận thị trường EU thông qua các công ty môi giới hoặc liên hệ trực tiếp, văn phòng đại diện của công ty tại châu Âu.

Tuy nhiên, giới thiệu thông qua hình thức tiếp xúc trên thì các doanh nghiệp cần phải đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế như ISO, CMMI để như “chiếc chìa khóa vàng” mở cửa đầu tiên đưa doanh nghiệp phần mềm Việt Nam đến với thị trường mới. Đó là “miếng bánh” của thị trường EU, nơi thị trường gia công phần mềm sẽ đạt doanh thu 145 tỷ euro vào năm 2011.

Còn tại châu Á, Nhật Bản, nước đứng đầu về thị trường phần mềm nhưng đang trong tình trạng thiếu hụt nhân lực giỏi trầm trọng, cũng đang coi Việt Nam là đối trọng lớn của các nước như Ấn Độ, Trung Quốc…

Nhưng để hợp tác tốt với các công ty Nhật Bản, ông Hashimoto Hironori, Tổng Giám đốc Công ty C.S. Factory, thành viên Hiệp hội Kinh doanh Nhật Bản tại TPHCM khẳng định, chất lượng, tiêu chí ISO, CMMI là một phần quan trọng trong việc kiểm tra sản phẩm ở các giai đoạn, cấp độ.

Việc xúc tiến để đạt được các chứng nhận về môi trường làm việc là cần thiết. Qua chứng chỉ đó, các doanh nghiệp Nhật Bản mới có thể đánh giá được chất lượng sản phẩm, năng lực tổ chức quản lý công việc của đối tác Việt Nam.

Các doanh nghiệp CNTT có cần đạt chứng chỉ quốc tế?

Theo ông Trần Lạc Hồng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HCA, các công ty phần mềm Việt Nam muốn hội nhập, cạnh tranh trên thị trường toàn cầu thì cần phải xây dựng các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế. Qua khảo sát của HCA, hiện nay chỉ có 19 doanh nghiệp phần mềm đạt các chứng chỉ quốc tế về quản lý chất lượng và 12 doanh nghiệp đang xúc tiến.

Còn tới 70% doanh nghiệp chưa quan tâm hoặc quan tâm nhưng chưa đủ điều kiện để lấy được chứng chỉ đó. Trong số đó, có đến 60% doanh nghiệp chưa xây dựng được mô hình quản lý chất lượng.

Một thống kê khác của HCA cho thấy, mỗi tháng có trung bình 220 doanh nghiệp mới đăng ký kinh doanh trong lĩnh vực CNTT- viễn thông. Trong đó, trên 40% số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh phần mềm. Vì vậy, ngày một nhiều lên những doanh nghiệp phần mềm có mô hình quản lý chất lượng.

Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có một mô hình quản lý chất lượng nào cho doanh nghiệp phần mềm trong nước. Do đó, các doanh nghiệp đều đã xây dựng và đạt được theo những chứng chỉ quốc tế.

Ông Ngô Văn Toàn, quyền Phó Tổng Giám đốc Global CyberSoft (GCS), cho biết đạt được những chứng chỉ đó phải mất chi phí không nhỏ như thuê tư vấn, lực lượng tham gia xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn trên. Vì vậy, một số công ty nhỏ hoặc vừa mới thành lập thì chưa nên nóng vội.

Tuy nhiên, việc đáp ứng được những tiêu chuẩn quốc tế trên sẽ giúp cho công ty có môi trường làm việc chuyên nghiệp, tác phong, văn hóa, năng lực đều được nâng lên. Điều đó giúp cho sản phẩm của công ty làm ra ngày càng tốt hơn và có sự cạnh tranh.

Trong khi đó, theo bà Phạm Thị Lý, Trưởng phòng quan hệ công chúng Công ty cổ phần Misa - đơn vị 4 năm liền được bạn đọc bình chọn giải pháp CNTT hay nhất - khách hàng đến với phần mềm kế toán Misa chủ yếu thông qua truyền miệng từ những người đã sử dụng trước (chiếm 20%) hoặc qua tìm hiểu trên Internet (chiếm 22%). Trong đó có nhiều đối tác là doanh nghiệp liên doanh nước ngoài hoặc doanh nghiệp vốn nước ngoài.

Vì vậy, để phần mềm Việt Nam có thể phát triển và xuất khẩu được, ông Đỗ Thắng Hải, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Thương mại) khẳng định, cần phải nâng cao năng lực cạnh tranh của những người đứng đầu ngành, hiệp hội. Chính từ đó, hình ảnh của công nghiệp phần mềm Việt Nam sẽ có bản sắc và tiếng nói riêng.

Thứ Năm, 06/09/2007 05:26
31 👨 120
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp