Chính phủ điện tử Việt Nam: Vẫn còn nhiều chông gai!

Mười năm cho những nỗ lực ban đầu triển khai Chính phủ điện tử (CPĐT) Việt Nam nhưng xem ra vẫn còn rất nhiều khó khăn và thách thức phía trước. Thành quả ban đầu cho thấy những dấu hiệu tích cực nhưng để tiến xa hơn nữa trong lộ trình xây dựng CPĐT, chính phủ, các bộ ngành địa phương, doanh nghiệp và người dân vẫn cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa.

Một loạt các vấn đề được đưa ra “mổ sẻ” tại Hội thảo quốc gia và CPĐT (lần thứ 7) được tổ chức tại TP.HCM từ ngày 16-17/7. Đó không chỉ là các giải pháp, bài học kinh nghiệm, mà còn là những khó khăn, trở ngại, và kể cả những trăn trở trong việc thúc đẩy nhanh lộ trình CPĐT Việt Nam.

Lộ trình CPĐT 2010: Liệu có kịp không?

Theo Kế hoạch 48 của Chính phủ về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2009 -2010, thì đến hết năm 2010 Việt Nam phải xây dựng các cơ quan điện tử. Cụ thể, phải bảo đảm trung bình 60% các thông tin chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp từ Trung ương đến địa phương được đưa lên cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử. Ngoài ra, 80% cán bộ công chức phải sử dụng thư điện tử cho công việc; và 90% số văn bản phải được quản lý trên môi trường mạng. Trong khi đó, con số thực tế đối với việc “online” các thông tin chỉ đạo, điều hành năm 2009 chỉ mới đạt 30%.

Cũng theo kế hoạch trên, Việt Nam sẽ xây dựng hệ thống thông tin kết nối các cơ quan ở khoảng cách xa nhằm nâng cao năng lực quản lý, điều hành của cơ quan nhà nước. Từ đó đảm bảo 100% các Bộ, Ban, ngành đều có cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử với đầy đủ thông tin về dịch vụ công cung cấp cho 80% người dân và doanh nghiệp. Kế hoạch này đã đưa ra những mục tiêu rất cụ thể và rõ ràng để các cấp từng bước triển khai ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước.

Tuy nhiên, cho tới nay vẫn có quá ít các dịch vụ công được ứng dụng một cách rộng rãi và hiệu quả. Kết quả khiêm tốn phản ánh sự thiếu đồng bộ và đồng đều trong việc triển khai CPĐT. 10 năm không phải là một khoảng thời gian ngắn ngủi và với những mục tiêu to lớn đặt ra trong “Kế hoạch CPĐT 2010” thì việc đi đúng lộ trình thời gian xem ra không mấy khả thi.

Những kết quả khiêm tốn

Mặc dù còn rất ít các dịch vụ công được ứng dụng CNTT nhưng bước đầu tiến trình triển khai CPĐT của nước ta cũng thu được một số kết quả nhất định. Theo ông Phạm Văn Hải, Phó Cục trưởng Cục UWDCNTT, Bộ TT&TT, 80% nhân viên thuộc các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã được cung cấp hộp thư điện tử nhưng chỉ có 47% sử dụng thường xuyên. Còn tại các cấp địa phương thì chỉ có 24% trong tổng số 43% nhân viên được cấp hộp thư có mức độ sử dụng thường xuyên. 2/3 các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã triển khai họp giao ban trực tuyến tới các đơn vị trực thuộc; trong khi đó con số này tại các tỉnh thành chỉ có 38%.

Tình hình ứng dụng phần mềm trong công tác quản lý văn bản và điều hành chiếm 90% ở các Bộ, còn các tỉnh thành là 79%. Hầu hết các cán bộ công chức đều được trang bị máy tính để làm việc. Nhiều trang thông tin của các bộ, ban, ngành đã được mở, cập nhật và cung cấp thông tin cho người dân và doanh nghiệp. Các dịch vụ hành chính công (HCC) đã dần được đưa lên các cổng thông tin điện tử. Hiện có gần một nửa tỉnh, thành phố đã triển khai mô hình một cửa liên thông ứng dụng CNTT.

Nói một cách công bằng thì dịch vụ HCC đã có những dấu hiệu chuyển biến rõ rệt. Đặc biệt, công tác cải cách thủ tục hành chính đã có bước chuyển mình mạnh mẽ và Bộ Ngoại giao là Bộ đầu tiên công bố dữ liệu các thủ tục hành chính. Mặt khác, theo chủ trương của Chính phủ thì đến cuối tháng 9, các bộ ngành cùng các tỉnh phải công khai hóa thủ tục hành chính, nghĩa là Chính phủ sẽ công khai hóa toàn bộ thủ tục hành chính của nước ta.

Việc thực hiện tốt kế hoạch 48 trong giai đoạn 2009-2010 sẽ là đòn bẩy thúc đẩy tiến trình CPĐT của nước ta tiến tới các mục tiêu tiếp theo của năm 2015 và 2020. Tuy nhiên, con đường xây dựng CPĐT không thể hoàn thành chỉ trong một thời gian ngắn mà sẽ còn gặp nhiều khó khăn, thách thức trước mặt để có thể đạt được sự thành công.

Thách thức

Ngay cả khi các ứng dụng CNTT đã được áp dụng vào cơ quan nhà nước thì việc triển khai các dịch vụ công vẫn diễn ra khá lẻ tẻ, ứng dụng chưa thực sự hiệu quả, triển khai thiếu đồng bộ, thiếu nguồn nhân lực và chính sách điều hành chưa nhất quán.

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, trưởng ban chỉ đạo Quốc gia về CNTT, việc triển khai CPĐT ở nước ta sẽ gặp phải những khó khăn lớn. Đó là, các lãnh đạo của nước ta chưa có kinh nghiệm về việc triển khai CPĐT và GDP của nước ta còn tương đối thấp. Vì vậy, việc triển khai CPĐT phải được thực hiện trên các quy mô nhỏ, phù hợp với từng địa phương, sau đó rút kinh nghiệm và nhân rộng ra mô hình lớn hơn để có thể đem lại hiệu quả, tránh lãng phí tiền của và công sức. Chúng ta cần tránh việc chống chéo trong quản lý, thẩm định đầu tư CNTT. Hiện số lượng đơn vị triển khai lớn nhưng lặp nhiều.

Khó khăn nhiều nhưng thách thức cũng không hề nhỏ. Theo một điều tra mới nhất (công bố tháng 3/2009) của Tổng cục Thống kê, cả nước hiện mới chỉ có 17,2% số lao động biết sử dụng máy tính, chủ yếu là các ngành nghề có liên quan chẳng hạn như ngành thông tin truyền thông, tài chính ứng dụng… Các chuyên gia khẳng định tỉ lệ 17,2% là con số cực kỳ khiêm tốn cho thấy trình độ ứng dụng công nghệ thông tin tại Việt Nam vẫn còn khá thấp, và điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới việc triển khai CPĐT hiện nay và sau này.

Bên cạnh đó, điều kiện kinh tế xã hội cũng là một rào cản mà những nhà hoạch định triển khai CPĐT cũng phải cân nhắc tới. Mặt bằng chung của nền kinh tế xã hội cũng làm cho việc đầu tư phát triển lĩnh vực này cũng bị giới hạn.

Hơn nữa, môi trường pháp lý cũng ảnh hưởng không hề nhỏ đến tiến trình triển khai CPĐT được thông suốt. Việc cải cách quy trình làm việc phải thích ứng với những thay đổi nhanh chóng về mặt CNTT trên thế giới và phù hợp với sự phát triển kinh tế ở nước ta.

Thứ Sáu, 17/07/2009 10:02
11 👨 1.189
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp