Chính phủ điện tử ở Việt Nam: Cơ hội và thách thức

KINH NGHIỆM CỦA NHỮNG NƯỚC TIÊN PHONG

Ấn Độ (india.gov.in)

Là quốc gia có dân số đứng thứ 2 thế giới với 106 triệu người (sau Trung Quốc), từ năm 2000, CP Ấn Độ đã tập trung vào các kế hoạch và chính sách CNTT quốc gia để hỗ trợ CPĐT, trong đó bao gồm dự luật CNTT, Hội Tụ Viễn Thông, dự luật về tự do thông tin và chính sách quản lý điện tử. Là một quốc gia rộng lớn với 28 bang, các sáng kiến về CPĐT đã được thực thi ở cấp chính quyền tiểu bang như cung cấp dịch vụ CP điện tử, triển khai hệ thống CNTT-TT, giúp đỡ các vùng nông thôn đẩy mạnh truy cập Internet và xóa mù tin học. Đối với một quốc gia rộng lớn như Ấn Độ, thật khó khăn để triển khai các dự án về CPĐT ở cấp liên bang. Tuy nhiên, Ấn Độ đã thành công (ở mức liên bang) trong việc thiết lập được cổng thông tin CP cho phép chính quyền các tiểu bang nắm bắt và chia sẻ các kinh nghiệm thực tiễn điển hình cũng như chia sẻ thông tin về các dự án xây dựng CPĐT.

Hàn Quốc (korea.go.kr/eng)

Là quốc gia có nền khoa học kỹ thuật tiên tiến ở châu Á, Hàn Quốc là một trong những ví dụ điển hình về xây dựng thành công CPĐT xét trên khía cạnh phối hợp và tập trung hóa. Hàn Quốc có 9 tỉnh và 7 thủ phủ với thủ đô là Seoul. Dân số Hàn Quốc là 48,6 triệu người. Hàn Quốc đã khởi động các kế hoạch quốc gia từ năm 1986 với 4 kế hoạch tổng thể. CP Hàn Quốc đã thiết lập hệ thống thông tin để hỗ trợ nền hành chính quốc gia như tài chính, giáo dục, quản lý nhân sự CP, hệ thống trao đổi văn bản của CP. Để cung cấp các dịch vụ hỗ trợ TMĐT và CPĐT, Hàn Quốc đã xây dựng hệ thống chữ ký điện tử và con dấu điện tử. Về các dịch vụ công, CP Hàn Quốc đã triển khai cổng thông tin trên các lĩnh vực sau: trung tâm dịch vụ điện tử dành cho người dân tại địa chỉ www.egov.go.kr, dịch vụ an sinh xã hội tích hợp (www.4insure.go.kr), dịch vụ thuế trong nước (www.hometax.go.kr) và mua bán điện tử ở cấp CP (www.g2b.go.kr).

Singapore (www.gov.sg)

Là một trong những quốc gia tiên phong về CPĐT, cũng giống như HQ, Singapore bắt tay vào CPĐT với các kế hoạch CNTT tổng thể ở cấp quốc gia và tin học hóa quản lý hành chính kể từ những năm 80 của thế kỷ 20. Singapore nổi tiếng về mô hình "một cửa" trong dịch vụ công và đã triển khai thành công CPĐT. Năm 1997, Singapore đã ban hành 4 luật cơ bản để hỗ trợ triển khai CPĐT và TMĐT, bao gồm: Luật Giao Dịch Điện Tử, Luật Sở Hữu Trí Tuệ sửa đổi, Luật Sử Dụng Máy Tính Sai Mục Đích để hỗ trợ truyền thông kỹ thuật số và Luật Bằng Chứng Điện Tử dùng trong xét xử các vụ án. Các luật này cùng với các sáng kiến băng thông rộng toàn Singapore đã giúp đưa Singapore tiến tới nền kinh tế toàn cầu và Internet. Singapore cũng đã phát triển hạ tầng dịch vụ công (Public Service Infrastructure - PSI) vào năm 1999 để cung cấp hạ tầng chung giúp các cơ quan CP nhanh chóng phát triển dịch vụ điện tử thông qua kiến trúc tích hợp chung. Một trường hợp điển hình hỗ trợ thương mại và hải quan được nhiều người biết đến là TradeNet (www.tradenet.gov.sg) và 2 cổng thông tin nòng cốt hỗ trợ công dân và DN đã được triển khai. Đó là cổng công dân điện tử (www.ecitizen.gov.sg) và cổng thương mại Singapore (www.business.gov.sg). Từ năm 1995, Singapore đã có chương trình "Công vụ hướng tới thế kỷ 21" (Pulbic Service - PS 21) nhằm làm cho tất cả các cơ quan của CP trở nên thân thiện hơn với người dân và DN.

CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC CỦA CPĐT Ở VIETNAM

Ở VN, CP đang có những bước quan trọng để tiến tới CPĐT. Đã có nhiều công việc đang được triển khai về mặt luật pháp nhằm hỗ trợ cho hoạt động của CPĐT và TMĐT. Một trong số đó là Luật GDĐT, nền tảng cho tất cả các giao dịch điện tử trong khu vực tư nhân và nhà nước. Một bộ luật về CNTT cũng đang được Bộ BCVT soạn thảo để phục vụ sự phát triển của ngành CNp CNTT và quản lý CNTT-TT dành cho các cơ quan quản lý, trong đó bao gồm cả chức năng của lãnh đạo CNTT (Chief Information Officer – CIO).

Tháng 1/2006, Thủ Tướng đã khai trương trang web CP và kênh thông tin dành cho CP (www.vietnam.gov.vn và www.chinhphu.vn). Một quan chức của Văn Phòng CP cho biết, khái niệm CPĐT (e-government) nhấn mạnh vào quản lý (government) hơn là yếu tố điện tử (e). Chương trình cải cách hành chính (CCHC) là một trong những tiền đề cho CPĐT. Điều đó cho thấy các lãnh đạo hàng đầu của VN hiểu rất rõ vai trò thiết yếu của CPĐT cùng với việc cải cách nền hành chính mà trong đó CNTT-TT là tác nhân hỗ trợ. Hiện tại, khoảng 20% dân số VN sống ở các thành phố trong khi số còn lại sống ở khu vực nông thôn. Tỷ lệ truy cập Internet của VN ước tính khoảng 7,89% (theo thống kê của Bộ BCVT tháng 3/2005), số thuê bao cố định và di động ước tính chiếm 12,35%. Lưu ý, những yếu tố tác động đến CPĐT ở các tỉnh, thành phố là sự sẵn sàng của các cơ quan nhà nước ở những nơi này, sự hiểu biết về tin học và cơ hội tiếp cận Internet của người dân. Điều này đặt ra một thách thức cho CPĐT.

Như đã nói ở kỳ trước, CPĐT gồm 3 thành tố là dịch vụ công, tiếp cận thông tin và tương tác với người dân. Nhiều cơ quan CP, các thành phố, các tỉnh đang xây dựng website và cổng thông tin điện tử để giao tiếp với người dân. Trước mắt, trang tin của CP là một bước khởi đầu và sẽ trở thành cổng thông tin CP. Tuy nhiên, mô hình "một cửa" cần được cải tiến hơn nữa trước khi phát triển các dịch vụ CPĐT. Đồng thời, cải thiện việc tương tác với người dân thông qua email và Internet để thúc đẩy người dân sử dụng dịch vụ công , bên cạnh có các phản hồi về các chính sách của CP và các vấn đề khác của khu vực công. Muốn vậy, cần tập trung xây dựng năng lực. Năng lực ở đây bao gồm 2 lĩnh vực: bộ máy hành chính và đào tạo (nhằm nâng cao năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ, công chức ) và hệ thống CNTT-TT được vận hành (để giúp các cơ quan CP thực hiện các chức năng của họ tốt hơn).

Cần có đủ thời gian và các nỗ lực phối hợp đồng bộ của CP để vượt qua các thách thức đối với CPĐT. Thông thường, phải mất nhiều năm để các lợi ích của CPĐT được thể hiện rõ. Giáo dục và nhận thức góp phần quan trọng trong việc giúp các bên liên quan hiểu rõ vai trò và tầm quan trọng của CPĐT.

5 THÁCH THỨC KHI XÂY DỰNG CPĐT

1. Nhận thức và hiểu biết

Tất cả các lãnh đạo và công chức trong các cơ quan CP phải nhận thức đúng và hiểu được tầm quan trọng của CPĐT. CP nên tổ chức các khóa bồi dưỡng để nâng cao nhận thức về những giá trị mà CPĐT mang lại và sự cần thiết phải thay đổi ngay từ bên trong nội bộ CP. Bên ngoài tổ chức, các chương trình này cũng rất cần thiết để giúp công dân và doanh nghiệp (DN) hiểu về CPĐT. Các phương tiện truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc khuyến khích công dân và DN ở các tỉnh, thành phố hỗ trợ CP đưa ra các sáng kiến về CPĐT, đặc biệt là các sáng kiến trong cung cấp dịch vụ công, cũng như đưa ra các phản hồi.

2. Cải cách hành chính

CPĐT không đơn thuần chỉ là CNTT-TT như nhiều quốc gia đã rơi vào vết xe đổ này. Cần cân nhắc việc xây dựng CPĐT trong bối cảnh CCHC. Những cải cách như mô hình "một cửa" khi thực hiện cùng với sáng kiến về CPĐT sẽ mang lại ích lợi cho người dân và DN. Trước khi triển khai hệ thống CNTT cho CPĐT, điều quan trọng là phải đảm bảo thủ tục hành chính hiện thời và quy trình quản lý hiện tại được xem xét lại và đơn giản hóa. Các cơ quan quản lý cần nghĩ đến các quy trình công việc hơn là các chức năng công việc của họ và chú trọng hơn tới người dân và DN.

3. Hợp tác giữa các cơ quan

Thông thường các cơ quan CP làm việc một cách độc lập theo các chức năng của họ. Với CPĐT, cần phải tăng cường hợp tác giữa các cơ quan CP, đặc biệt trong việc cải tiến các dịch vụ công và tăng khả năng cạnh tranh của quốc gia. Các kênh giao tiếp và cơ quan phối hợp chính thống cần được thiết lập không chỉ ở cấp chính quyền trung ương mà cả ở cấp địa phương.

4. Thay đổi nhận thức

Đây là một trong những thách thức lớn nhất đối với các nước đang phát triển. Nhân viên CP thường quen với trạng thái thoải mái trong công việc và không cho rằng cần phải thay đổi. Cần phải nỗ lực giải thích cho họ vì sao cần thay đổi, đặc biệt là trong chương trình triển khai CPĐT. Nhất thiết phải có sự cam kết về việc thay đổi và các lãnh đạo phải làm gương để nhân viên noi theo. Việc đối thoại với nhân viên CP và đáp ứng các mong muốn của họ cũng là cần thiết.

5. Đào tạo và thay đổi các kỹ năng cho nhân viên CP

Đào tạo là công việc quan trọng để giúp nhân viên làm quen với các kỹ năng mới cần thiết cho CPĐT. Các khóa học như hành chính công hiện đại, thay đổi quy trình nghiệp vụ, thay đổi cách quản lý , CNTT-TT và CPĐT .. rất quan trọng trong việc tiến tới CPĐT. Tuy nhiên, việc đào tạo thường tiêu tốn một lượng lớn ngân sách và nhiều nguồn lực của CP, vì vậy cần có kế hoạch triển khai tốt.

Curthbert Shepherdson
Thu Nga (biên dịch)

Thứ Bảy, 04/03/2006 11:00
33 👨 6.880
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp