Các đại gia công nghệ “đi thụt lùi”?

Phải chăng bánh xe lịch sử đang quay ngược? Những vụ thâu tóm ồ ạt của các gã khổng lồ công nghệ Mỹ cho thấy họ đã “chán” liên kết ngang và quyết định bứt phá bằng phương án cũ: tự mình làm tất cả

Năm 2008, khi Apple mua lại hãng thiết kế chip PA Semi, nhiều người đã gọi đó là bước đi điên rồ hay là một sự “thụt lùi” vì có vẻ như Apple đang muốn làm sống lại mô hình “tự cung tự cấp” của IBM trước kia. Nhưng giờ đây, gần như tất cả các đại gia công nghệ Mỹ như Google, Microsoft đều đã đi theo hướng này.

Apple đã là một “IBM mới” và tất cả những hãng khác cũng bắt chước theo họ”, Rob Enderle, một chuyên gia phân tích của tập đoàn Enderle Group.

Thực ra, chiến lược kinh doanh mà Apple hay Google đang thực hiện đã từng có thời rất “hot” ở Silicon Valley. Người ta gọi đó là chiến lược “liên kết dọc” mà IBM đã từng áp dụng rất thành công. Họ tự làm tất cả mọi thứ từ hệ điều hành, ứng dụng, phần cứng, bộ vi xử lý, dịch vụ và cả… thương hiệu. Tất cả đều là sản phẩm “cây nhà lá vườn”. Nhưng đó là những năm 1980. Mô hình của IBM đổ vỡ, các hãng công nghệ chuyển sang chiến lược “liên kết ngang hàng” với mỗi công đoạn tạo ra sản phẩm được giao cho một hãng khác nhau đảm nhiệm. Quá trình “phân công lao động” này thậm chí còn được chia nhỏ hơn nữa khi Intel quyết định giao lại một phần công đoạn trong việc sản xuất ra một con chip cho nhà thầu khác.

Nhưng phải chăng bánh xe lịch sử đang quay ngược? Những vụ thâu tóm ồ ạt của các gã khổng lồ công nghệ Mỹ cho thấy họ đã “chán” liên kết ngang và quyết định bứt phá bằng phương án cũ: tự mình làm tất cả, điều này thể hiện rất rõ trên thị trường thiết bị di động.

Kể từ khi chính thức bước chân vào thị trường điện thoại di động, Apple đã tự mình viết hệ điều hành, tự thiết kế, tự sản xuất phần cứng và chỉ chịu để các hãng khác nhúng tay rất ít như sử dụng chip của Intel hay Samsung. Nhưng phần “liên kết ngang” ít ỏi này cũng đang có nguy cơ biến mất khỏi Apple. Khi iPad ra đời, người ra nhận thấy rằng thiết bị đó đã sử dụng con chip do chính Apple thiết kế và sản xuất (tất nhiên vẫn phải dựa trên nền tảng công nghệ của ARM). Chưa thỏa mãn, thị trường công nghệ còn xuất hiện tin đồn rằng Apple đang có kế hoạch thâu tóm ARM với giá 8 tỷ USD. Nếu điều đó xảy ra, Apple đã chính thức trở thành một IBM nguyên mẫu.

Google cũng không chịu kém cạnh, mặc dù nền tảng Android của họ đang ngày càng được ưa chuộng, Google vẫn quyết định tự mình thiết kế, sản xuất và phân phối điện thoại di động (với Google Nexus One). Chưa hết, gã khổng lồ tìm kiếm này còn thâu tóm cả Agnilux, một hãng thiết kế chip giống như PA Semi.

Không ồn ào như các đối thủ nhưng Microsoft cũng đã bắt đầu áp dụng chiến lược liên kết dọc từ vài năm nay. Năm 1997 họ thâu tóm nhóm các nhà thiết kế chip và phát triển để rồi năm 2001 ra mắt máy chơi game Xbox (sau khi đã thất bại trong việc liên kết ngang với hãng máy tính Dell). Năm 2008, Microsoft mua lại Danger – hãng sản xuất mẫu smartphone đình đám một thời Sidekick, để rồi năm 2010 chính thức cho ra đời 2 mẫu smartphone của riêng mình mang tên Kin One và Kin Two…

Những vụ thâu tóm trong vòng 2 năm qua của Intel cũng cho thấy hãng sản xuất chip máy tính lớn nhất thế giới này đang chuyển sang chiến lược liên kết dọc.

Những chuyển động này không có nghĩa là liên kết dọc đã “đánh bại” liên kết ngang. Thực tế nó chỉ là một chu kỳ dao động của “con lắc” thị trường công nghệ, khi thị trường ngày càng chật chội và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, các hãng công nghệ cần có một sự đảm bảo và tự chủ nhất định đối với sản phẩm và tương lai của mình. Vấn đề lớn nhất của họ giờ đây là phải tìm cho được một chiến lược và một mức độ liên kết phù hợp.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng cảnh báo, các đại gia lắm tiền như Google, Microsoft, Apple, Intel, HP, IBM hay Oracle cần giảm tốc trong việc thâu tóm và chuyển sang liên kết dọc nếu như họ không muốn mua rắc rối vào người khi bị các cơ quan chống độc quyền “sờ đến”.

Thứ Sáu, 21/05/2010 12:38
31 👨 175
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp