Bảo vệ dữ liệu cá nhân để tạo dựng niềm tin cho người tiêu dùng

Theo ông Nguyễn Thanh Hưng - Vụ trưởng Vụ Thương mại điện tử Bộ Công Thương, với những chính sách phát triển thương mại điện tử (TMĐT) của nhà nước đang từng bước được triển khai toàn diện, mô hình TMĐT đã trở nên phổ biến trong xã hội, vấn đề cấp thiết hiện nay được đặt ra đó là bảo vệ dữ liệu cá nhân trong lĩnh vực này.

Bảo vệ dữ liệu cá nhân: không phải là cái gì quá xa xôi

Theo báo cáo Thương mại điện tử Việt Nam 2006, vấn đề an toàn trong giao dịch được đánh giá là một trong những cản trở lớn đối với sự phát triển của TMĐT, đặc biệt là tình trạng ăn cắp dữ liệu cá nhân như thông tin tài khoản, gửi thư rác... đang diễn ra với mức độ ngày càng phổ biến. Điển hình trong thời gian qua là vụ án Trần Quang Duy đã ăn cắp số tài khoản thẻ tín dụng của nhiều người để đặt mua gần 100 vé máy bay của hãng hàng không Tiger Airway rồi đem bán lại kiếm tiền. Cũng liên quan đến việc trộm dữ liệu thẻ tín dụng, một vụ án khác do Vũ Ngọc Hà gây ra đã thực hiện trót lọt việc dùng tiền ăn cắp để mua hàng trên mạng trị giá khoảng 28.000USD trong suốt khoảng thời gian từ năm 2004 đến 2006...

Bên cạnh đó, một hình thức vi phạm việc bảo vệ dữ liệu cá nhân khá phổ biến khác trong thời gian qua đó là việc thu thập địa chỉ thư điện tử trái phép nhằm phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau nhưng chưa được sự chấp thuận của chủ thể thông tin. Việc công khai bán danh sách các địa chỉ thư điện tử đang rất phổ biến hiện nay đã có ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động quảng cáo điện tử, gây thiệt hai cho người tiêu dùng...

Như vậy, với những vụ án, vấn đề đã được phanh phui, có lẽ nói đến bảo vệ dữ liệu cá nhân trong TMĐT, nhiều người nghĩ rằng đó là việc bảo vệ thông tin tài khoản, thẻ thanh toán... của những giao dịch thương mại mang tầm cỡ chứ ít ai nghĩ rằng trong khi mô hình TMĐT đang ngày càng trở nên phổ biến, Internet đã quá gần gũi và quen thuộc đối với chúng ta, dữ liệu cá nhân có thể xuất phát từ những góc độ, "vụ việc" rất nhỏ.

Dẫn chứng cho quan điểm đó của mình, ông Nguyễn Thanh Hưng đã đưa ra ví dụ về một dịch vụ vốn đang được phát triển rất nhanh đó là khám chữa bệnh. Để lưu giữ những thông tin của khách hàng, hiện nay hầu như các bệnh viện và đặc biệt là các phòng khám tư nhân có quy mô lớn, đều triển khai hệ thống tin học khá hiện đại. Khách hàng đến khám có thể không nhớ thời điểm mình đã từng phải đi "chữa trị" nhưng chỉ cần vài dữ liệu cơ bản nhất như họ tên, địa chỉ liên lạc là cơ sở khám chữa bệnh đã có thể nắm rõ "tiền sử" bệnh tật của khách hàng.

Bình thường thì không sao, nhưng nếu chả may những thông tin đó bị rò rỉ ra ngoài, chắc hẳn sẽ không hiếm những khách hàng sẽ gặp rắc rối, ảnh hưởng tới đời sống cá nhân. Nhưng xem ra, vẫn chưa có nhiều người để ý hay quan tâm tới vấn đề này mà mới chỉ chột dạ khi chứng kiến những vụ việc đã xảy ra như đã nêu ở trên.

Cách nào đem lại hiệu quả?

Cho tới thời điểm này, hệ thống pháp luật Việt Nam vẫn chưa có một văn bản quy phạm nào điều chỉnh các hành vi liên quan đến bảo vệ dữ liệu cá nhân mang tính hệ thống. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý nhà nước cũng bắt đầu ý thức được tầm quan trọng của vấn đề này. Vậy còn thực tiễn của doanh nghiệp trong việc bảo vệ dữ liệu cá nhân thì sao?

Theo con số được Vụ Thương mại điện tử Bộ Công Thương công bố, trong số 289 website Thương mại điện tử Việt Nam được khảo sát vào cuối năm 2006, chỉ có 74 website công bố chính sách bảo vệ thông tin khách hàng, chiếm 26% tổng số website. Vẫn còn tới 74% sàn giao dịch TMĐT hoạt động thiếu những cam kết cụ thể về chế độ thu thập và sử dụng thông tin cho các bên tham gia.

Ông Nguyễn Thanh Hưng cho rằng, thực tiễn cho thấy nếu không tạo dựng được niềm tin cho người tiêu dùng thì TMĐT không thể tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Chính vì vậy, cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về bảo vệ dữ liệu cá nhân và sự phát triển của TMĐT, coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn hiện nay và sắp tới.

Cùng với đó, các doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp kinh doanh qua Internet cần quan tâm hơn tới vấn đề dữ liệu cá nhân của khách hàng và đối tác; Các cơ quan quản lý nhà nước cần chủ động triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế về bảo vệ dữ liệu cá nhân, đàm phán xây dựng các cơ chế hợp tác song phương trong lĩnh vực này để thúc đẩy TMĐT qua biên giới phát triển.

Nhưng gần gũi hơn, đó là vấn đề lợi ích người tiêu dùng - đối tượng điều chỉnh của mọi chính sách về bảo vệ dữ liệu cá nhân của nhà nước và doanh nghiệp phải có sự quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng phải chủ động hơn trong việc bảo vệ dữ liệu cá nhân của chính mình, trang bị cho bản thân những hiểu biết về dữ liệu cá nhân để tránh bị tiết lộ, dẫn đến những thiệt hại trong công việc và cuộc sống.

Trong Hội thảo bảo vệ dữ liệu cá nhân và sự phát triển của TMĐT trong APEC diễn ra trong ngày hôm qua, 13/11, đông đảo các đại biểu đều đồng tình, là một thành viên trong APEC, Việt Nam còn phải nhanh chóng triển khai các biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân theo hướng dẫn của "Những nguyên tắc bảo vệ dữ liệu cá nhân trong TMĐT của APEC", nhằm đảm bảo tính tương đồng cao với các nền kinh tế thành viên khác đồng thời phù hợp với pháp luật và điều kiện thực tế của Việt Nam.

Thuỷ Nguyên

Thứ Tư, 14/11/2007 09:20
31 👨 92
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp